Ly hôn và những "cuộc chiến" chia tài sản

26/11/2005 23:13 GMT+7

Có một cán bộ ngành tư pháp từng tâm sự: "Trước kia, khi vợ chồng nộp đơn ra tòa ly hôn, thường 90% người chồng đòi tài sản và trên 90% người vợ đòi nuôi con. Còn bây giờ ai cũng cố giành lấy tài sản về mình càng nhiều càng tốt, còn con ai nuôi cũng được".

Vòng quanh nhiều phiên xử, chúng tôi cũng đã ghi nhận một thực tế đang rất đáng suy nghĩ, với không ít những "bi kịch ly hôn" mà thông thường trẻ em là… nạn nhân.

Tòa cũng bó tay!

Anh Nguyễn Hoàng Dương, thư ký của Tòa án Q.5, kể một chi tiết tại một phiên xử làm anh "nhớ đời". Đó là khi bà H.X.B (bị đơn trong vụ ly hôn) căng thẳng yêu cầu: "Ổng (chồng bà B. - P.V) đi chơi gái gú cũng phải trả tiền, muốn có người dọn dẹp, cơm nước cũng phải trả tiền, muốn có người đẻ thuê cũng phải trả tiền. Tôi phục vụ ổng từ A đến Z cả 10 năm nay, đẻ hai thằng con trai mà ổng chưa bao giờ cho tôi đồng nào. Không có tài sản chung để chia thì cũng phải trả tiền công sức cho tôi chứ?”. Theo anh Dương, "vợ chồng đòi chia tài sản kiểu này thì tòa cũng phải "bó tay"! Hỏi ra mới biết, bà B. về làm dâu nhà chồng suốt ngày quần quật cơm nước, chăm lo cho "đại gia đình" chồng. Không có cách nào chứng minh công sức đóng góp nên bà đã đưa ra lý do trên để đòi chia tài sản.

Tương tự, anh L.Q.T (lái xe cho một doanh nghiệp ở Q.1), tại phiên xử của TAND Q.Phú Nhuận cũng khăng khăng: "Ly hôn nhưng phải ở chung nhà", bởi vì "cái nhà đó tuy nhỏ như lỗ mũi nhưng cũng có nơi chui ra chui vào chứ lấy nửa tiền trị giá căn nhà thì làm sao kiếm được nhà để ởá". Và T. trình bày: "Tôi yêu cầu tòa chia đôi căn nhà cho tôi ở trên gác, vợ và con tôi ở dưới". Nhưng cô vợ thì giãy nảy: "Đó là nhà Nhà nước cấp cho tui, ly hôn rồi ở chung mà ổng cứ dắt bồ bịch về căn gác thì án mạng xảy ra đó nghen". "Khổ thế đấy, căn nhà chỉ có 12m2, họ mâu thuẫn đến độ không muốn nhìn mặt nhau thì làm sao mà sống chung được dưới một mái nhà đây?" - Vị thẩm phán làm chủ tọa phiên xử ấy ta thán.

Những con nợ bất ngờ

Khi còn chung sống với nhau, mọi thứ tài sản đều là "của chồng công vợ", nhưng khi ly hôn thì ai cũng có cảm giác tài sản của mình phải mất đi ít nhiều cho "người dưng" nên không ai chịu nhường ai. Một giải pháp tình thế mà nhiều đương sự sử dụng là tìm mọi cách để trưng ra tòa càng nhiều món nợ chung càng tốt, hòng giảm tài sản phải chia cho "người dưng". Hai vợ chồng anh N.V.D và chị T.N.C ngụ Q.9 là một thí dụ. Tuy đều là dân kinh doanh, tài sản theo định giá của tòa lên đến 24 tỉ đồng nhưng khi tòa án vừa thụ lý đơn ly hôn thì hỡi ôi, nợ đâu bỗng ùn ùn kéo đến. Đến ngày tòa mở phiên xử thì số nợ hai vợ chồng đưa ra đã lên đến trên 30 tỉ đồng.

Phiên tòa căng thẳng ngay từ giai đoạn đầu, hai vợ chồng tranh cãi quyết liệt để chứng minh nợ của mình là nợ chung và kiên quyết không thừa nhận nợ của người kia, trong khi đó họ chỉ tốn 5 phút cho việc giải quyết số phận của những đứa con! Chị C. không tiếc lời xỉa xói đức ông chồng: "Chỉ có vài tỉ mà cứ cò kè với người ta, thằng cha này tham lam quá"! Thấy không khí căng thẳng, luật sư bèn xin phép tòa đưa ra lời khuyên: "Anh, chị nên ngồi lại để thỏa thuận, nếu không thì tòa sẽ quyết nhưng khi ấy tài sản phải đem bán đấu giá, giá cả thế nào vẫn chưa biết được, vừa mất nhiều loại phí, vừa phải trả tiền thi hành án... anh chị sẽ thiệt thòi đấy". Nghe đến đây, chị C. dịu giọng: "Vậy thì thỏa thuận đi". Cuối cùng, phiên tòa cũng có một kết quả ngoài tưởng tượng khi chị C. đồng ý tăng tiền trả nợ lên nhưng không quên đề nghị tòa: "Thằng này  hay nói tới nói lui lắm, đề nghị tòa lăn tay nó đi cho mai mốt khỏi cãi"!

Không chỉ nợ trong nước mà còn nợ xuyên quốc gia là trường hợp của anh T.G.G và chị N.T.H.T. Anh G. là một Việt kiều Mỹ về VN làm ăn, quen biết chị T. rồi tiến đến hôn nhân. Hai người sống với nhau có 3 mặt con thì chị T. mới phát hiện ra chồng mình "có máu mê gái đẹp", vợ rơi con rớt tùm lum nên quyết định "đường anh anh đi, đường tôi tôi đi". Hỡi ôi, đến ngày tòa xử thì vài chục chủ nợ kẻ đứng, người ngồi chật khán phòng, tràn ra cả hành lang. Hội đồng xét xử đã phải mất 3 ngày làm việc căng thẳng để xác định tài sản chung và nợ. Đến nước ấy, chị vợ mệt mỏi nói: "Tui với ảnh không có đăng ký kết hôn, nợ của ảnh thì ảnh ráng mà chịu, vì khi quen tui ảnh nói mình giàu lắm mà, chứ đâu có nói vay mượn gì đâu". Còn anh chồng làu bàu: "Mi tưởng dễ dàng cướp mồ hôi nước mắt của tao theo thằng khác sao?”.

Chứng cứ?

Luật sư  Đặng Trường Thanh có lần kể cho tôi nghe về một vụ án khá hy hữu mà ông từng tham gia giúp đỡ pháp lý. Vụ đó vai trò luật sư của ông... khỏe re, bởi thân chủ đã tích góp sẵn... bằng chứng từ khi mới quen vợ mình. Để chứng minh căn nhà bố mẹ vợ ở là tài sản của mình, thân chủ của ông trình tấm ảnh chụp hai bàn chân và nói: "Khi cất nhà xong trên miếng đất đó tui đã chụp hình bàn chân của tui và của con tui làm dấu ở trước nhà, không tin thì tòa cứ đem đi phân tích! Còn căn nhà bà dì vợ đứng tên thì tui đã khắc tên tui giấu trên trần nhà, có hình ảnh bằng chứng đây ạ!”. Không chỉ vậy, thân chủ của ông còn trình tại tòa một bức thư, và nói: "Thưa tòa đây là thư vợ tôi gửi cho tôi mượn tiền đóng học phí khi chúng tôi mới quen nhau, và đây là băng ghi âm vợ tôi hỏi mượn tiền tôi để mua xe cho cô em gái"... Luật sư Thanh lắc đầu: "Chẳng trách vì sao chị vợ cứ khăng khăng đòi ly hôn".

Một trường hợp khá hy hữu khác, khiến Hội đồng xét xử cũng không nhịn được cười là chuyện của ông N.T.P, xảy ra ở Tiền Giang. Vợ ông P. cho rằng hai vợ chồng không có tài sản gì chung, có bao nhiêu tiền là ông đem nuôi vợ bé hết. Chen ngang lời phát biểu của vợ, ông P. nói: "Đất cất nhà là của mẹ vợ cho, tôi thừa nhận, nhưng tiền cất nhà là của tui". Rồi ông tiếp luôn: "Tôi có bằng chứng"! Và ông loay hoay đưa vào tòa một cái hũ sành, nói: "Đây là cái hũ tôi đã chôn vàng. Năm 1990, tôi đã đào lên lấy vàng đó cất nhà, bây giờ còn lại cái hũ này làm bằng, thưa tòa!”.

Có một luật sư chuyên về án ly hôn nhưng sau này đã... bỏ cuộc, chúng tôi muốn mượn tâm sự của ông để kết thúc bài viết này, rằng: "Dạo sau này chứng kiến những vụ án vợ chồng tranh chấp tài sản đến nỗi còn một chiếc đũa cũng phải bẻ đôi, tôi cảm thấy chán ngán, mệt mỏi nên từ chối không nhận nữa".

Một thẩm phán chuyên về dân sự của TAND TP.HCM cho biết:

- Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn, không vi phạm các điều cấm, kết hôn trước ngày 3.1.1987 thì được xem là hôn nhân thực tế. Trường hợp này tất cả tài sản có trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung, ngoại trừ trường hợp được tặng, cho hoặc thừa kế riêng. Khi ly hôn thì tài sản chung, nợ nần trong thời kỳ hôn nhân sẽ chia đôi nhưng có xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên.

- Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng kể từ ngày 3.1.1987 trở về sau mà không có đăng ký kết hôn và trường hợp kết hôn trái pháp luật thì nam và nữ phải chứng minh tài sản nào là của mình, nợ nào là nợ chung, nợ nào là nợ riêng và nguyên tắc xét xử là tài sản của ai người đó lấy về, nợ chung chia đôi, nợ riêng tự chịu. Việc cố tình tạo ra nhiều con nợ như là con dao hai lưỡi, bởi nếu không có cơ sở chứng minh đó là nợ chung thì tòa sẽ tuyên đó là nợ riêng. Cũng có trường hợp con nợ "giả" trở mặt kiện ra tòa đòi nợ "thật" tạo nên những chuyện dở khóc dở cười.

- Năm 2005, toàn ngành TAND ở TP.HCM thụ lý 13.514 vụ án hôn nhân gia đình. So với cùng kỳ, thụ lý tăng 291 vụ. Riêng cấp quận/huyện đã thụ lý 12.301 vụ.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.