Những chuyện lạ ở làng, kỳ 3: Làng không sợ thế mạng

23/11/2009 09:31 GMT+7

Làng chài nhỏ bé Cổ Đô (thuộc xóm Tân Tiến, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) nằm khiêm nhường bên dòng sông. Vạn chài Cổ Đô nằm rất đỗi thanh bình nơi khúc sông được phù sa bồi đắp thành những bờ bãi mênh mông đẹp mê hồn.

Họ làm nghề đánh cá, rồi thêm việc trục vớt tàu bị mắc cạn đưa vào bãi để kiếm sống. Dân làng không chỉ đánh cá kiếm ăn, họ còn sống đầy tình nghĩa với cuộc đời vì đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người, đồng thời giúp người nhà nạn nhân tìm lại thi thể người thân trôi dạt qua đây.

Khúc sông định mệnh

Khi chúng tôi hỏi một câu máy móc rằng tính ra đến nay vạn chài Cổ Đô đã cứu được bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu thi thể thì cả ông Long, anh Xảo và nhiều người khác trong làng đều không thể trả lời chính xác.

“Chúng tôi không đếm, mà đếm để làm gì?”, ông Long hỏi lại. Câu hỏi lại của ông khiến chúng tôi ngại ngần, bởi với họ chuyện hộ phúc có cân đong đo đếm bao giờ.

Người làng sắm đầy những bộ đồ chuyên dùng để vớt thi thể gọi là câu chăng rà xác, có cả đồ cho thợ lặn. Những sợi thép 4 li được uốn thành những lưỡi câu gọi là lưỡi chăng.

Anh Ngô Văn Xảo, sinh năm 1982, vừa sửa sang lại con thuyền của mình vừa kể: “Năm nay ít lũ nhưng vẫn có nhiều người bị chết đuối. Lần mới đây nhất vớt được thi thể một phụ nữ chừng 36-37 tuổi trôi từ Phú Thọ xuống. Ở trên đấy người ta báo về lúc 8-9g sáng, sau đó mấy giờ thì vớt được”.

Thường khi trên thượng nguồn xảy xa vụ chết đuối nào đó thì tin tức được báo về cho vạn chài Cổ Đô, rồi bà con dân chài ai cắm được sẽ báo cho người ta.

Mấy con thuyền nhỏ bé giản dị nằm dựa nhau bên bãi cát. Những đứa trẻ chạy chơi, đùa nghịch thản nhiên, trong khi các bà các chị chuẩn bị những thứ cần thiết cho một đêm đánh cá trên sông sắp đến. Nhìn vạn chài Cổ Đô nằm thanh bình như vậy, ít ai ngờ đây cũng thường chứng kiến những cảnh đau thương của phận người khi bị thủy thần cướp đi.

Dân vạn chài khi vớt được thi thể nhận làm luôn việc hậu sự ngay tại bờ sông, vì người nhà của nạn nhân thường không được đến chứng kiến. “Người ta kiêng vì nghe nói nếu ai nhìn thi thể người ruột thịt gần gũi chết đuối sẽ bị hộc máu mồm”, anh Xảo nói. Anh Xảo đã có dăm bảy lần theo các cụ trong vạn chài đi cứu người.

Ông Lê Văn Long, một dân chài kỳ cựu nơi đây, cho biết: ”Việc vớt thi thể có những điều gì đấy như là tâm linh, có những thi thể dân làng chỉ cần rà một chút đã thấy ngay, có cái phải mất tới 4-5 tiếng, còn những thi thể trôi vào đúng dòng nước chảy thường rất khó rà”. Dù khó khăn, số người bị đuối nước được dân vạn chài cứu sống cũng rất nhiều. “Việc cứu người bị đuối nước diễn ra thường xuyên, nhất là trẻ con ra tắm sông bị giã gạo”, anh Xảo nói.

Hay những người dân trên cạn vốn không quen với sông nước nên rất dễ bị sa chân nơi con sông Đà đoạn thì hiểm trở, đoạn dòng nước chảy khó lường. Nhiều người nói con sông khi chảy qua Cổ Đô đã trở thành khúc sông định mệnh. Định mệnh vì đã sinh ra một vạn chài tình nghĩa ở đây. Định mệnh vì có những người tưởng chết đi đã được sống lại vì có người ra tay cứu giúp. Và nỗi đau của những người có thân nhân chết đuối trôi dạt qua đây cũng được vơi đi phần nào khi tìm được thi thể để chôn cất đàng hoàng.

Làm việc phúc đức này, anh Xảo, ông Long cùng dân vạn chài từng chứng kiến những vụ chết đuối rất đỗi thương tâm. Như lần một gia đình giàu có con trai duy nhất 14 tuổi bị chết đuối, dân vạn chài huy động hết người ra mò thi thể, mất dăm bảy giờ tìm vẫn không thấy. “Mãi ba ngày sau mới nổi lên, thương lắm! Hay có gia đình ở Hà Nội gửi con trai về quê chơi. Đứa bé ra tắm sông và bị chết đuối, chúng tôi tìm thấy thi thể ở lùm cây đằng kia” - anh Xảo nhớ lại.

“Hộ phúc, không phải nghề”

Nhà anh Xảo đã có bốn đời làm nghề chài lưới trên khúc sông này. Tuổi nhỏ cứ lớn lên rồi theo cha đi làm, con cái lớn lại ra thuyền riêng, thành nghề riêng. Đánh cá vẫn là nghề kiếm sống chính và rồi như một lẽ tự nhiên ở đời, họ làm việc cứu hộ, cứu nạn.

Cả vạn chài bây giờ đã có 16 chiếc thuyền chuyên làm nghề trục vớt những chiếc tàu đắm, tàu mắc cạn. Người dân ở đây gọi chúng là những chiếc thuyền điều tốc, đa số trục tàu chở cát bị cạn dọc sông Lô lên Hòa Bình.

Mỗi lần vớt thi thể chẳng ai đòi tiền công và thường người thân của nạn nhân gửi chút chi phí dầu mỡ. Còn những người được cứu sống thường xin được kết nghĩa con nuôi, em nuôi với ân nhân đã ra tay cứu mạng mình. Ông Long nói: “Con nuôi của vạn chài này hiện có tới vài chục người. Ông bà cụ nhà tôi có năm người con nuôi. Tôi có một người chị nuôi ở xã Tân Đức mà ngày xưa mẹ tôi đã cứu khi chị ấy suýt chết đuối vì vớt củi trên sông. Giờ chị đã hơn 70 tuổi, ông bà cụ nhà tôi đã mất rồi nhưng vẫn đi lại tình cảm với nhau”.

Ở đâu đó từng có những chuyện kể rằng những người kiếm sống trên sông nước thường không làm thêm việc cứu người chết đuối bởi quan niệm “thế mạng”: nếu thần hà bá đã nhắm đến ai mà mình cứu người ta thì sẽ phải chết thay. Lòng sông mênh mông thăm thẳm, phận người nhỏ nhoi khó lường. Ông Long nói rất thô mộc theo kiểu dân sông nước: “Chúng tôi thấy làm như vậy nó có tình cảm con người với nhau. Đây không phải nghề nghiệp gì, chỉ là hộ phúc mà thôi”.

Mùa này sông nước thanh bình vậy đó, chứ vào mùa bão gió thuyền bè phải thường xuyên nháo nhào lên như chạy loạn, phải thường xuyên tìm bãi cạn để kéo lên neo đậu. Bà Hoa, một người dân ở xã Cổ Đô, bày tỏ sự khâm phục bà con vạn chài: “Họ sống vất vả trên sông nhưng thật phúc đức. Dân trong vùng này có rất nhiều người mang ơn họ. Tôi chưa thấy nơi đâu mà dân đánh cá lại sẵn lòng cứu người gặp nạn như ở đây”.

Ruộng không có, làm cá cũng theo mùa mà nghỉ ngày nào là con cái đói ngày đó, chứ không có rau cỏ, con gà con qué như những người sống trên cạn. Vạn chài đêm thắp sáng bằng bình ăcquy và đánh cá trên sông trắng đêm. Đang mùa cá, nếu kiếm được cá lăng, cá chiên hay ba ba thì những ngày đó “ấm”. Chim trời cá nước, chẳng biết trước thế nào. Hơn chục năm nay dân vạn chài ở Cổ Đô đã được cấp đất, vì vậy bên cạnh chiếc thuyền họ đã có một căn nhà trên cạn để làm nơi đi về. “Có nhà trên cạn cuộc sống đỡ vất vả hơn”, ông Long nói.

Theo Vũ Thanh Bình / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau
>> Kỳ 2: Cây sấu thiêng của làng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.