Câu hỏi dành cho mẹ

07/11/2009 17:01 GMT+7

(TNTS) Đến bây giờ, khi ba đứa con đã lớn, đầu đã lấm tấm sợi bạc, chị vẫn chưa thể giải đáp được câu hỏi về tình cảm của người mẹ ngày xưa dành cho mình. Tất cả vẫn chỉ là đoán định, để chị không bao giờ lặp lại “vết xe đổ” với những đứa con mình.

“Con Mẫn đâu, nấu cơm chưa, muộn thế này mà chưa nấu hả? Mày là đứa lười nhất trên đời. Nhìn cái mặt mày tao chỉ muốn đập cho một trận!”. “Con Mẫn đâu? Bỏ ngay quyển sách xuống! Một đống hộp chưa dán xong, mai phải giao hàng mà mày học, học cái gì? Học để lấy... cứt vứt vào mồm cả nhà à?”. “Con Mẫn đâu?”... Có lẽ cả tuổi thơ của chị lớn lên trong nỗi ám ảnh vì những câu chửi bới, quát tháo, sai bảo riết róng của mẹ. Mỗi lần như thế, chị lại líu ríu chạy đi làm tất cả những gì mẹ sai bảo, chỉ chậm một tí là ăn đòn ngay. Việc gì trong nhà bà mẹ cũng “túm” lấy chị. Đi mua gạo, than, củi là việc nặng; việc nhẹ là dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, nấu cơm, hay dậy sớm từ nửa đêm xếp hàng mua thịt cá thời bao cấp... tất tật bà đều sai “con Mẫn”. Trong khi đó, chị cả cứ việc ngồi rảnh rang soi gương chải tóc hoặc ngủ nướng say sưa, còn cậu út cứ việc đi chơi, đòi mẹ tiền tiêu xài, coi phim... Nhiều khi trong lòng ấm ức, nhưng lỡ nói ra một câu là sau đó chị tha hồ mà ân hận, vì mẹ sẽ chửi tơi bời, thậm chí vớ được cái gì đánh bằng cái đó. Không ít lần chị đi ngủ với cái mông ê ẩm thâm tím, với những vết sưng trên má, trên tay chân. “Mày nhìn chị mày yếu ớt, mỏng mảnh thế kia, em mày là con trai mai mốt còn đỡ đần tao lúc về già... Thế mà mày dám tị nạnh hả”. Chị cả và cậu út được mẹ bênh cũng được thể “ăn theo”, sai bảo, thậm chí mắng mỏ chị những lúc không vừa ý.

Thời đó, phải thừa nhận rằng mẹ chị rất vất vả khi một mình nuôi ba đứa con. Đôi khi sau này chị nghĩ chính nỗi truân chuyên trong cuộc sống riêng đã khiến mẹ chị tâm tính bất ổn, nhưng chị chịu, không thể hiểu tại sao gánh nặng ấy lại trút vào chỉ mỗi đôi vai mình. Ba chị là người quê miền Nam, tập kết ra Bắc, trước đó đã có vợ ở quê nhà. Ở với mẹ chị 6 năm, sinh ba đứa con liền, khi cậu út được hai tuổi, đất nước thống nhất, ông trở về quê và không bao giờ quay lại thăm mẹ con chị nữa. Có người nói ông đã đi nước ngoài với bà vợ đầu, và cuộc sống vất vả xứ người khiến ông chẳng còn nghĩ đến mẹ con chị. Nhưng có lẽ mẹ chị vẫn nhớ đến ông quay quắt dù không bao giờ nhắc về ông. Chị cũng từng nghĩ đến một lý do khiến mẹ không yêu chị là vì chị cả và cậu út có khuôn mặt giống bố, còn chị thì giống... mẹ. Có phải chăng vì chị là hình ảnh thua thiệt của mẹ nên mẹ ghét chị như vậy? (Nhưng chính điều này khiến chị tin rằng chị là con của mẹ chứ không phải con rơi nhặt về).

Mẹ chị mất sau hai năm nằm bệnh liệt một chỗ. Chị cả đi lấy chồng, sống khá giả, ít về nhà. Cậu út vào Nam sinh sống. Chỉ có chị bên cạnh hằng ngày lau mặt, đút cháo, đổ bô cho bà. Ấy vậy mà bà vẫn lạnh tanh, vẫn ghét chị. “Tao không cần sống để mày hầu, mày cho tao thuốc ngủ liều cao tao uống chết đi cho rồi”, bà cay độc như vậy. Nhưng bản tính thật thà, hiền lành, chị nín nhịn, ngậm đắng nuốt cay chăm mẹ đến giờ phút cuối cùng. Chỉ đến đám tang bà, hai người con kia mới về bàn chuyện chia chác ngôi nhà.

Dù hơi muộn, nhưng chị may mắn lấy được người chồng tốt và thương chị. Với ba đứa con, y như mẹ - hai gái, một trai - chị thương đều, lo đủ. Đôi khi nhớ lại những ngày xưa, chị lại tìm những lý giải cho mẹ, mong rằng dù thua thiệt nhưng lòng chị dần cũng chỉ còn đọng lại tình thương yêu chứ không phải oán giận.

Huệ Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.