Vượt qua rào cản của Mỹ

09/12/2010 23:48 GMT+7

Tuần qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ một số nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, sau giai đoạn “đánh giá hoàng hôn” (sunset review).

Theo đó, DOC vẫn giữ nguyên phán quyết đối với sản phẩm tôm của Việt Nam, tức vẫn duy trì thuế chống bán phá giá sau 5 năm áp dụng. Lý giải cho quyết định trên, DOC nói rằng việc chấm dứt lệnh “phạt” sẽ gây nguy hại cho các nhà sản xuất tôm nội địa của Mỹ. Từ phán quyết của DOC, liệu con tôm Việt Nam có tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trong vòng 5 năm tiếp theo?

Một số người bi quan cho rằng khó tránh khỏi, nhưng những người lạc quan không cảm thấy lo lắng nhiều, thậm chí họ còn không ngạc nhiên với quyết định của DOC. Bởi để phán quyết của DOC có hiệu lực cần phải có sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ (ITC), hay nói cách khác ITC cũng phải có phán quyết tương tự, tức đồng ý tiếp tục áp thuế đối với tôm Việt Nam. Vậy con tôm Việt Nam có thể trông chờ vào đâu để tránh “đại họa” lần thứ hai đến từ các cơ quan giải quyết tranh chấp của Mỹ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng có thể xem WTO là “bùa hộ mệnh”.

Hồi tháng hai vừa qua, Việt Nam đã chính thức kiện Mỹ lên WTO. Tranh chấp mà Việt Nam muốn đưa ra xét xử ở WTO không phải là thuế chống bán phá giá của Mỹ lên con tôm Việt Nam mà là cách tính thuế của Mỹ. Đó là kỹ thuật tính “zeroing”. Cách tính này không hợp lý và gây bất lợi cho DN Việt Nam.

Theo cách tính “zeroing”, các chuyên gia quốc tế cho rằng nhiều điểm có lợi trong cách tính biên độ phá giá (đồng  nghĩa với thuế chống bán phá giá) không được xem xét. Kết quả là thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng thường ở mức cao hoặc rất cao. EU từng kiện Mỹ về kỹ thuật tính “zeroing” và được WTO ủng hộ. Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... cũng đã có những vụ kiện tương tự và cũng có những kết quả tích cực, Mỹ phải bỏ “zeroing” ra khỏi cách tính thuế chống bán phá giá. Ông Hòe cho rằng tôm Việt Nam cũng sẽ có kết quả tương tự như các vụ kiện kia. Và ông cũng hy vọng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế cao khi Mỹ loại bỏ kỹ thuật tính này.

Theo VASEP, dự kiến WTO sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Việt Nam vào tháng 5 năm sau trước khi ITC của Mỹ đưa ra kết luận cuối cùng (dự kiến tháng 6 hoặc 7) của mình đối với tôm Việt Nam. Theo ông Hòe, hai kịch bản có thể xảy ra đối với con tôm Việt Nam. Đó là ITC sẽ cùng quan điểm với DOC hoặc WTO. Cũng theo ông Hòe, bất luận là kịch bản nào, con tôm Việt Nam cũng sẽ không bị mức thuế cao.

Minh Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.