“Để tôi đi...”

10/12/2008 10:11 GMT+7

Hôm qua 9-12, cả thị xã Cẩm Phả, cán bộ công nhân viên ngành than xúc động tiễn đưa người cứu hộ dũng cảm Trần Văn Thản. Anh đã ra đi sau những nỗ lực quên mình vì đồng nghiệp.

Sau gần một ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏ TKV Phạm Văn Huyên vẫn bàng hoàng vì sự cố trong lúc cứu hộ đồng nghiệp cuối cùng trong vụ nổ lò than rạng sáng 8-12. Ông Huyên kể: sau khi hội ý chớp nhoáng và điều nghiên phương án cứu hộ, các nhân viên cứu hộ đeo mặt nạ và bình dưỡng khí lao nhanh vào trong hầm lò.

Đã từng chỉ huy cứu hộ nhiều lần các vụ sập lò, nổ lò nhưng lần này giám đốc Huyên cũng sững sờ vì sức nổ quá mạnh trong hầm lò than Khe Chàm. “Đi sâu vào trong lò chúng tôi gặp nhiều cột chống lò đổ sập, chiếc ghế chỉ huy của lãnh đạo công trường bị oằn cong, chiếc biến áp đặt trong lò nặng hàng tấn cũng bị nghiêng hẳn một bên” - giám đốc Huyên kể.

Từ 3g-10g, lực lượng cứu hộ của Trung tâm cấp cứu mỏ thay nhau làm việc không ngơi nghỉ. Trong môi trường đặc quánh khí độc CO, họ tìm kiếm và chuyển được hơn 20 người bị thương và bảy nạn nhân bị thiệt mạng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khoảng 11g trưa 8-12, kiểm lại số công nhân đi làm ca trong vụ nổ lò, phát hiện công nhân Phạm Văn Hiệu vẫn chưa tìm thấy.

Rất thuộc đường lò

 

Trần Văn Thản (trái) trong một cuộc diễn tập cứu hộ ngành than - Ảnh tư liệu gia đình anh Trần Văn Thản

Lúc này anh em trong lực lượng cứu hộ đều mệt mỏi rã rời. Nhưng không thể để một đồng nghiệp vẫn bị mắc kẹt trong lò vì không biết tình trạng ra sao. Giám đốc Huyên yêu cầu tiếp tục vào lò tìm kiếm và đề nghị một nhóm cứu hộ do ông Huyên dẫn đầu. Tiểu đội trưởng của Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả là Trần Văn Thản (quê ở Tứ Xuyên, Tứ Kỳ, Hải Dương) nhanh nhẹn đứng dậy, nói: “Để tôi đi, vì các đường lò công trường này tôi rất thuộc”.

Ông Huyên gật đầu đồng ý và chọn thêm hai nhân viên Nguyễn Đức Quân và Đặng Văn Thắng vẫn còn khá sung sức sau thời gian nỗ lực cứu hộ. Nhóm cứu hộ gồm bốn người nhanh nhẹn tiến vào hầm lò vẫn sặc mùi khí độc và bóng tối đậm đặc vì mất điện.

Ông Huyên nhớ lại khi nhóm vào tới độ sâu -128m, bỗng thấy hoa mắt, ngạt thở. Ông chỉ kịp ra hiệu cho Thản báo hiệu cho đồng nghiệp rồi gục xuống. Hai nhân viên Nguyễn Đức Quân và Đặng Văn Thắng cũng lả đi trong tình trạng bị nhiễm khí CO khá nặng. Theo dõi ở bên ngoài cửa lò, đồng nghiệp chứng kiến tín hiệu từ Thản phát đi cuối cùng “vào ứng cứu ngay…” rồi sau đó tắt ngấm. Và khi đồng nghiệp vào lò đưa được nhóm cứu hộ ra ngoài thì cả bốn người mê man không biết gì nữa.

Nuôi em ăn học

Do bị nhiễm khí CO nặng nhất trong nhóm cứu hộ quên mình, anh Thản đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đi cấp cứu đến Bệnh viên đa khoa khu vực Cẩm Phả trong vòng tay thương yêu của đồng nghiệp ngành than.

Nhận được tin từ công trường đưa về, người vợ trẻ của anh, chị Đinh Thị Hồng Biên, ngất đi ngất lại mấy lần. Chị không tin người chồng thân yêu, người cha của bé Trần Văn Thi chưa tròn 2 tuổi lại rời bỏ mẹ con chị nhanh như thế.

Ông Bùi Thanh, cậu ruột của Thản, lặn lội từ quê vào, ôm lấy quan tài người cháu mà nước mắt ngập tràn. Ông Thanh cho hay: do nhà nghèo, đông em, Thản không dám thi đại học mà ra Quảng Ninh học nghề mỏ để chóng đi làm có tiền nuôi em ăn học. Sau khi học nghề mỏ, Trần Văn Thản được nhận làm công nhân Công ty than Khe Chàm. Với tinh thần chịu khó, trách nhiệm hết mình vì công việc, hơn một năm sau anh được tuyển làm nhân viên cứu hộ của Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả (thuộc Trung tâm cứu hộ TKV). Tại đây anh phấn đấu để tốt nghiệp đại học tại chức ngành mỏ. Ngày 2-9 vừa qua, anh vinh dự được kết nạp Đảng và được cấp trên phân công làm tiểu đội trưởng cấp cứu mỏ của trạm.

Chiều qua, nhiều người đến thăm gia đình Thản và viếng anh trước khi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ không cầm được nước mắt khi chị Đinh Thị Hồng Biên ôm đứa con nhỏ, miệng nói như vô thức: “Chiều nay anh không về nữa sao anh?”. Bé Trần Văn Thi cứ ngoái lại nhìn ảnh bố không chớp mắt…

Bộ Y tế hỗ trợ điều trị nạn nhân

Ngày 9-12, Bộ Y tế cho hay ba đoàn công tác, trong đó có các bác sĩ từ hai bệnh viện đầu ngành là Việt Đức và Viện Bỏng quốc gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh điều trị cho nạn nhân vụ nổ mỏ than. Theo Bộ Y tế, đến hôm qua có thêm một nạn nhân tử vong, nâng tổng số tử vong lên chín người. Trong số 24 công nhân bị thương, hai người bị chấn thương sọ não kèm gãy xương đã được chuyển về Bệnh viện Việt Đức; hai trường hợp cùng 28 tuổi, bỏng khí mêtan 90-95% diện tích cơ thể kèm gãy xương đùi và tróc da đầu được chuyển về Viện Bỏng quốc gia. Giám đốc Viện Bỏng Lê Năm nói đang tập trung cứu chữa hai công nhân này, nhưng tiên lượng khó khăn vì tình trạng của hai người đều rất nặng - L.Anh

Theo Đỗ Hữu Lực (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.