Cỏ bên trời

23/11/2007 18:28 GMT+7

Cơn gió mạnh thốc qua song cửa ùa vào thư phòng, thổi tung những túm cỏ mật, cỏ gà mà gã treo trên tường, bên giá sách. Đã vào mùa gió rải đồng. Ngoài ấy, triền đê Yên Phụ, Đông Anh, Yên Viên... đang xao xác cỏ may, cỏ dầy...

Mọi chuyện được bắt đầu vào một chiều cả gió. Đồng chiều hanh nắng vàng, gió lộng, và hăng hắc mùi rơm rạ khô, cỏ úa, đất ải. Gió vi vút đo sức của những cánh diều, cánh chim chao liệng trên bầu trời u uẩn.

Con bé có mái đầu xơ xác, bù xù. Những sợi tóc thay vì mềm mại tung bay thì cứ bết chặt vào nhau, khô khốc như đám rơm rạ phơi mình qua mùa nắng. Mang đôi mắt trong veo, to tròn, đen láy và háo hức, nó hòa cùng lũ bạn đang hò hét đến mê tơi trên triền đê để nhập hội đá gà cỏ. Những tụm cỏ chụm lại từ một thân khẳng khiu lẩn khuất trong đám cỏ ken rì dọc các bờ đê, bờ mương, bờ ruộng.

Lũ trẻ háo hức tìm kiếm chúng như đi tìm kho báu. Chia phe xong, cả đám hớn hở lục soát từng bờ cỏ như lũ chim sẻ sà xuống những thửa ruộng nứt nẻ mà nhặt thóc rụng mỗi mùa gặt.

Những cuộc chiến gà cỏ ác liệt và nảy lửa, cũng lắm chiêu, nhiều kế y như một trận chiến thật. Máu không đổ, nhưng có "đầu" rơi. Đầu gà cỏ tả tơi, rơi rụng xanh tan tác trên gò sau mỗi buổi chiều. Có chiến binh nằm lại mãi nơi chiến trường. Có kẻ thắng cuộc được phong tướng. Và dĩ nhiên lũ trẻ con tôn vinh vị tướng ấy, mang vị tướng về trồng ở bờ ao nhà hoặc dành hẳn một cái chậu cho vị tướng ấy ngự trị.

Thường thì sau một thời gian, chiến tích oanh liệt của cụm cỏ gà oai dũng ấy cũng rơi vào quên lãng. Trẻ con vốn hay quên mà.

Ấy thế mà có một người còn nhớ. Cô bé mắt đen tròn ấy, 6 tuổi thì theo gia đình đi biệt xứ vì cha mẹ vỡ hụi nên phải dắt díu nhau đi trốn nợ ngay trong một đêm tối mịt mùng. Hai mươi năm sau, cái nghiệp chữ nghĩa vốn dĩ bạc bẽo là thế, mà nhờ nó, nhờ cái tên độc của gã, đôi mắt đen thăm thẳm ấy đã tìm ra gã.

Lần đầu tiên gặp lại sau hai chục năm trời xa xa diệu vợi ấy, cô bé kể vanh vách về những cụm cỏ gà, những chận đá gà cỏ nảy lửa trên triền đê, gò đống quê nhà. Gã lặng người đi khi biết rằng kỷ vật của tuổi thơ mà cô bé mang theo khi cùng gia đình bôn ba tít vào những vạt rừng Tây Nguyên xa thăm thẳm, là khóm cỏ gà nhổ từ chậu cảnh trong vườn nhà mà gã đã tặng cô trong một chiều giông gió.

"Cụm cỏ gà chiến thắng của anh đã tiếp sức cho em suốt những năm tháng khốn cùng, buồn tủi. Và chắc chắn rằng sở thích trồng cỏ gà sẽ theo em suốt cuộc đời".

Những triền đê Yên Viên, Đông Anh vẫn xao xác cỏ gà, cỏ may, cỏ dày, cỏ mật. Xuân hạ thu đông, tốt tươi-khô cháy, hoan lạc-đìu hiu, tấm thân gầy có thể khác nhưng lòng thì vẫn vẹn nguyên sự bình dị, chân thành.

Cuộc sống mỗi ngày một phát triển, thành phố mỗi lúc một trang hoàng nhưng hình như đời sống sôi động không có chỗ cho những nỗi lòng tấc cỏ. Đê Yên Phụ thì đã lạnh ngắt bê tông rồi, hình ảnh những chú trâu, bò đứng ngạo nghễ trên đê nhìn xuống dòng xe cộ chảy dưới đường u Cơ, Lạc Long Quân như mươi năm trước giờ đã thành dĩ vãng.

Những gốc cây trên phố, xưa xanh rì và mềm mại những vạt cỏ thì nay nếu không bị gạch lát vỉa hè, bê tông bao phủ, cũng bị những khối sắt thâm sì, lạnh ngắt bao choàng.

Cô bé mắt đen tròn, nay đã là người có vai vế của một công ty xây dựng cầu đường. Mỗi con đường mà nàng góp sức thi công, gốc những hàng cây trồng hai bên, sau khi xây bao cho gọn gẽ, không bao giờ thiếu màu xanh của cỏ.

Những vạt cỏ, khi là khóm cỏ dày, cỏ mật, lúc là vạt cỏ may, cỏ lưỡi gà ấy không chỉ làm xanh mát và mềm ánh mắt của người lại qua mà những hàng cây tỏa bóng mát cho đời ấy, cũng lớn nhanh hơn và đỡ đơn độc hơn khi đứng sừng sững nơi dọc đường gió bụi.

... Khóm cỏ gà của tuổi thơ mà nàng mang theo trong đêm biệt xứ, đã hóa thân thành bao nhiêu kiếp, vạt cỏ gà um tùm trên mộ mẹ nơi quê nhà, có dây mơ dễ má gì với nhau không mà sao hai đứa cứ ám ảnh về chúng thế, dù ở hai phương trời cách biệt.

Thảo Lư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.