Va chạm tại Copenhagen

12/12/2009 23:55 GMT+7

Nhiều bất đồng đã nảy sinh giữa các nền kinh tế lớn tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Đan Mạch.

Sau một tuần làm việc, các đại biểu dự hội nghị ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã có được bản dự thảo chính thức đầu tiên về cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, nhiều tranh cãi đã nảy sinh, đặc biệt là sự va chạm giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.

“Không khí rất tiêu cực. Ai cũng giữ lập trường cứng rắn, chỉ nói chuyện với thính giả trong nước họ”, biên tập viên Isabel Hilton của báo China Dialogue nói với hãng tin AFP. “Đã có sự đổi giọng đáng kể. Trước khi tới đây, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu tích cực, thậm chí còn ngụ ý rằng họ có thể đưa ra một thời hạn cụ thể về cắt giảm khí thải. Nhưng khi tới đây thì họ tỏ ra cứng rắn”.

Hồi tháng 11, Bắc Kinh nói rằng họ hướng tới việc giảm gần phân nửa khí thải CO2 trong thập niên tới, theo AFP. Tuy nhiên, khi đến Copenhagen, họ lại nhấn mạnh vị thế họ là một nước đang phát triển, cần được coi là nạn nhân của quá trình công nghiệp hóa đầy ô nhiễm của phương Tây. “Ưu tiên của các nước đang phát triển là giảm nghèo, là phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Á Phi nói.

Phía Mỹ nhìn chung thừa nhận trách nhiệm lịch sử của các nước giàu trong vấn đề ấm lên toàn cầu, nhưng đồng thời họ cũng gia tăng áp lực đòi Trung Quốc hành động quyết liệt để cắt giảm khí thải. “Mỹ sẽ không thể làm gì nếu không có các nước đang phát triển chủ chốt tham gia”, Trưởng đoàn Mỹ Todd Stern nói hôm thứ sáu. Ông này cũng chỉ ra rằng các nước đang phát triển có thể chiếm tới 97% khí thải toàn cầu trong vòng bốn thập niên nữa.

Đáp lại, Thứ trưởng Hà của Trung Quốc nói ông bị sốc khi ông Stern không thừa nhận rằng nhóm nhà giàu đang nợ các nước nghèo món nợ lịch sử và cần phải trả. “Chúng tôi không đòi bố thí. Các nước công nghiệp, có cả Mỹ, có nghĩa vụ pháp lý. Bất kể ai tạo ra rắc rối thì phải chịu trách nhiệm”.

Lập trường của Trung Quốc là các nước giàu đã gây ô nhiễm trái đất để phát triển kinh tế trong quá khứ, nên bây giờ phải có trách nhiệm cắt giảm khí thải nhiều hơn. Các nước nghèo cần ưu tiên cao nhất cho phát triển kinh tế, sau đó mới đến giảm khí thải. Trong khi đó, Mỹ và các nền kinh tế phát triển lại cho rằng nếu không có hành động mạnh mẽ từ những nền kinh tế lớn như Trung Quốc thì nỗ lực của nhóm giàu vẫn chẳng ăn thua. Những nước giàu cho rằng với quy mô kinh tế hiện nay, Trung Quốc không còn nằm trong nhóm đang phát triển nữa nên cần phải có trách nhiệm không ngang bằng thì cũng xấp xỉ các nước giàu. Nhưng “chừng nào thì chúng ta có thể nói với Trung Quốc rằng họ “đã tốt nghiệp”, họ không còn là nước đang phát triển nữa? Trung Quốc đang muốn trì hoãn việc đó càng lâu càng tốt”, bà Hilton phân tích.

Những bất đồng lớn giữa các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới này rất khó mà giải tỏa trong thời gian sớm, thế nên một cam kết đủ mạnh cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn rất xa vời đối với hội nghị ở Copenhagen. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.