Cơn "sốt" đường tiếp tục tăng nhiệt

30/12/2005 23:28 GMT+7

Đến hôm nay, nhiều chợ và siêu thị tại TP.HCM đã không có đủ lượng đường để bán trong khi giá đã tăng lên đến xấp xỉ 13.000 đồng/kg. "Sốt" đường chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay.

Tình hình thiếu hụt đường trong năm nay đang trở nên nghiêm trọng. "Giá mía cao đã đẩy giá đường tăng" - ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ giải thích. Nhu cầu đường phục vụ mùa Tết bắt đầu gia tăng, buộc các nhà máy phải tung hết lượng hàng dự trữ ra thị trường. Do nguồn cung nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều nhà máy bắt đầu tranh nhau mua nguyên liệu - kể cả loại mía chưa đạt chữ đường, tạo ra cơn sốt và đẩy giá mía nguyên liệu lên đến 500 đồng/kg, cao gấp đôi năm ngoái. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐVN) lý giải thêm: "Năm nay, nguồn đường cung cấp cho thị trường đang rất khan hiếm. Nguyên nhân do thiên tai xảy ra liên tiếp suốt từ giữa năm, hết hạn hán rồi bão lụt. Mưa muộn thời gian gần đây cũng làm cho mía chín chậm, các nhà máy vào vụ chậm theo, rồi chữ đường không đạt yêu cầu, vì vậy đến nay vẫn còn 6-7 nhà máy chưa hoạt động vì thiếu mía. Mọi năm nhu cầu tiêu thụ đường thời điểm này khoảng 100.000 tấn/tháng, năm nay có thể tăng lên 120.000-130.000 tấn nhưng các nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 80%". Theo ông Lê Văn Tam, năm nay Chính phủ cho phép nhập khẩu khoảng 50.000 tấn đường nhưng quyết định đưa ra quá trễ, các doanh nghiệp không tìm được nguồn hàng để nhập về. Thị trường thế giới cũng đang trong tình trạng khan hiếm đường tương tự Việt Nam. Theo quy luật, khi giá đường trong nước tăng, đường nhập lậu từ Thái Lan sẽ tràn vào để "cân đối". Nhưng năm nay, đường Thái Lan có vào Việt Nam thì cũng không đủ cung cấp.

Ông Phan Văn Thiện - Giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho biết: Giá đường tăng "phi mã" khiến công ty khó có thể giữ được giá bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đặc biệt là giá kẹo. Có khả năng công ty sẽ phải tăng giá kẹo lên khoảng 10%. Điều này sẽ làm công ty gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu. (T.Xuân)

Ông Lê Văn Tam cho biết HHMĐVN đã thống nhất "các nhà máy chỉ được bán đường với giá 9.000 đồng/kg và phải bán hết hàng trong kho, không được găm giữ để tăng giá". Tuy nhiên trong thực tế, các nhà máy đường lại liên tục tăng giá. "Cơn sốt đường hiện nay không nằm ngoài dự đoán, nhưng việc tăng giá liên tục và ở mức cao chưa từng có như hiện nay thì ít ai nghĩ đến" - một doanh nghiệp kinh doanh đường ở Cần Thơ nhận xét. Trong hơn tháng qua, Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng đã 3 lần điều chỉnh giá và hiện giá đường loại 1 là 11.500 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg so với tháng trước. Còn giá đường loại trung bình của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cũng ở mức 10.800 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các chợ, tiệm tạp hóa từ 12.0000 - 13.500 đồng/kg.

Ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu (Q.6, TP.HCM) cho biết, lượng đường về chợ trong hai ngày 29 và 30.12 dù đã tăng khoảng 40 tấn/ngày so với vài ngày trước, lên  90 - 100 tấn/ngày, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Giá bán đường các loại hiện tăng 70 - 90% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, đường Biên Hòa RE giá 11.600 - 11.700 đồng/kg, đường Runa RE giá 11.500 đồng/kg, đường Mỹ Tho giá 12.000 đồng/kg... Theo một số tiểu thương tại chợ, đường về bao nhiêu là các cơ sở làm bánh, mứt tết lấy hết bấy nhiêu, phải có thêm ít nhất là 50% lượng đường hiện nay mới có thể đáp ứng nhu cầu làm bánh, mứt tết đang vào cao điểm hiện nay.

QUANG THUẦN - TẤN ĐỨC - CẨM NHI

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.