Nếu thiếu đi sự ân cần

26/11/2006 14:06 GMT+7

Tôi bắt đầu chuyến công tác từ thiện qua các tỉnh miền Trung vào một ngày không lấy gì làm vui vẻ. Vốn dĩ cũng là một người có “chân đi”, nhưng lần này tôi không vui trọn vẹn vì chuyến đi rơi vào thời điểm nhạy cảm, tôi sẽ mất nhiều cơ hội mới và những mối quan hệ công việc của tôi có thể bị người khác lấy mất nếu tôi vắng mặt lâu ngày.

Chuyến đi kết hợp với một số bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Các bác sĩ đều còn rất trẻ. Trong số đó, tôi chú ý đến một anh chàng bác sĩ cao ráo, lúc nào cũng “bảnh toỏng” quần jean, áo pull trắng, chiếc mũ bê rê đội lệch một bên nếu buổi chiều nào đó đoàn ghé qua nơi có khí hậu lạnh. "Chẳng giống bác sĩ tí nào, đồ đỏm dáng", tôi lẩm bẩm và không ngại ngần “tung” ra mấy tia nhìn ác cảm (tất nhiên từ phía sau) về phía anh ta. Anh ta trông giống một top model hơn là một bác sĩ, từ ngoại hình đến thần thái.

Nhưng buổi chiều hôm đó ở Di Linh, khi anh ta khoác áo blouse vào, tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh mình nhìn thấy. Trông anh ta khác hẳn, từ dáng ngồi đến ánh mắt. Anh không ngồi thẳng lưng hay tựa vào ghế khi nói chuyện với bệnh nhân nhí mà cúi lưng xuống, hai khuỷu tay tựa vào gối, trông thật gần gũi với các em. Chiếc áo blouse trắng và dáng ngồi thân thiện ấy quả thật là một hình ảnh đẹp rực rỡ trong ánh nắng buổi chiều của một ngày sắp tắt mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên.

Anh trò chuyện rất thân thiện với trẻ em trước khi khám bệnh, và cái cách anh cầm tay, hay dùng tay nâng gương mặt từng em lên khiến tôi cảm thấy xấu hổ vì có lúc đã trót dành cho anh những suy nghĩ không mấy tốt lành. Một em bé bưng đến cho anh ly nước lọc. Anh nhìn ly nước, cười và ngước lên nói với chú bé: “Này, chú uống ly nước có ngâm móng tay của cháu đấy nhé!”. Quả thật, ly nước quá đầy và em bé bưng ly nước đã không khéo léo chút nào. Tôi nghĩ thầm, chắc chú bé sẽ phải ngượng lắm đây. Nhưng thật bất ngờ, anh vẫn cầm ly nước lên và uống cạn. Những ngày đi cùng đoàn, tôi để ý thấy việc đầu tiên các bác sĩ làm sau khi cởi áo blouse ra và đứng dậy là dùng cồn rửa tay thật kỹ lưỡng từ khuỷu tay cho đến từng ngón tay. Đó là an toàn nghề nghiệp và anh cũng không ngoại lệ, thế nên không thể nói hết tôi đã bất ngờ như thế nào khi chứng kiến hình ảnh ấy.

Mấy ngày sau, đoàn ghé vào xã Bác Ái, vùng sâu thuộc huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận để khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người dân. Bác Ái xa phố thị đến mức tôi đã rùng mình khi nghĩ đến cảnh người dân gặp tai nạn bất ngờ cần phải cấp cứu; chỉ có nước bó tay thôi, xung quanh toàn núi và cát đá, chơ vơ đến thê thảm. Có tiếng lao xao, một bà mẹ K’Ho bế con vào. Các bác sĩ lặng người khi khám vết thương cho em. Tháo băng ra, bên dưới đầu gối trái hầu như không còn thịt, những gì còn lại là mủ, là máu khô, là… một khúc xương khô héo, trắng phếu nhô ra. Vết thương xấu đến nỗi các bác sĩ không dám nhìn lâu vì đau lòng. Anh lập tức rửa vết thương cho đứa bé và gằn giọng: “Chị phải đưa cháu vào Sài Gòn ngay để bác sĩ tháo chi. Đây, tôi cho chị địa chỉ này, chị đến đây và người nhà tôi sẽ giúp đỡ chị”. Bà mẹ khóc ri rỉ, rằng tháo chi là thế nào, là cắt chân như các bác sĩ đã từng nói trước kia phải không, không được đâu, cắt chân thì tội nghiệp con tôi quá, thà để vậy còn hơn. Anh quát lên: “Thế chị muốn nó chết à?”. Thuyết phục lẫn quát nạt mà bà mẹ vẫn kiên quyết không thay đổi ý định, trên gương mặt rắn rỏi của anh, tôi thấy dường như đã có nước mắt. Những ngày sau đó, anh cứ băn khoăn với tôi liệu rồi bà mẹ ấy có chịu đưa con vào thành phố hay không, anh đã đưa địa chỉ cho ông trường thôn, liệu ông ấy có thuyết phục được chăng? Tôi đã nói một cách rất thật lòng rằng tôi nghĩ người ta sẽ không thể nào phụ lòng anh đâu, anh cứ yên tâm và nghĩ đến những kết quả tốt đẹp.

Đôi lúc ngẫm nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn cuộc sống đã đưa tôi đến chuyến đi năm ấy. Nhờ thế mà tôi có dịp trải nghiệm và ít nhiều được sống cùng mọi ngóc ngách, mọi dáng vẻ của cuộc đời. Và hơn thế nữa là, chuyến đi mà thoạt tiên tôi không mong muốn ấy, cuối cùng lại mang đến cho tôi một người bạn vô cùng ân cần với tôi, cũng như vô cùng ân cần với những con người đã đến hay lướt qua cuộc đời anh.

S.C.T (maiaikhanh@yahoo.com.vn)

“Đem mọi người đến gần nhau hơn” - diễn đàn mới trên Thanhnien Online

Với mục tiêu tạo sự thân thiện trong quan hệ xã hội, giúp mỗi cá nhân nâng cao sự tự tin, tạo lập lòng tin nơi những người xung quanh, Thanhnien Online phối hợp cùng nhãn hàng sing-gum Doublemint mở Diễn đàn với chủ đề “Đem mọi người đến gần nhau hơn”. Đây là nơi dành cho bạn đọc chia sẻ, đóng góp ý kiến... xung quanh nội dung mang mục tiêu trên.  

Bạn đọc có thể tham gia viết bài với nhiều góc độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Từ cách xử sự giữa những người thân trong cùng gia đình, mở rộng ra là các mối quan hệ, đối kháng giữa mọi người trong công việc, cơ quan, đến ngoài xã hội...

Theo dự kiến, diễn đàn sẽ mở trong thời gian 9 tuần, kể từ 6/11/2006. Mỗi tuần, Ban tổ chức sẽ chọn ra một bài viết hay và thiết thực nhất để trao thưởng với trị giá giải thưởng là 1 triệu đồng/giải. Kết thúc diễn đàn sẽ là một buổi bàn tròn trực tuyến trên Thanhnien Online, với khách mời là những nhà xã hội học có tên tuổi trong lĩnh vực chuyên môn. Ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được sự tham gia nhiệt tình của bạn đọc và các nhà nghiên cứu xã hội học, chuyên gia tâm lý, các nghệ sĩ…

Bạn đọc tham gia diễn đàn gửi bài viết, ý kiến về hộp mail: dengannhauhon@thanhnien.com.vn (nội dung gửi xin vui lòng gõ dấu - font chữ unicode, độ dài dưới 800 chữ).

Lưu ý: Các bài viết tham gia diễn đàn được chọn đăng trên Thanhnien Online sẽ được chấm nhuận bút. Thanhnien Online có quyền biên tập đối với các bài viết chọn đăng.

*Mời bạn đọc vào đây để xem toàn bộ bài viết tham gia diễn đàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.