Dọc đường mưu sinh - Bài 5: Người kéo xe ước mang được... dép

18/12/2008 23:56 GMT+7

Tôi hỏi, anh hay nghĩ đến điều gì nhất. Anh cười thật thà: “Tui nói thiệt, tui chỉ ước mình có thể mang được dép!”. Điều mà với tất cả mọi người là tất yếu, thì với anh lại là cả một ước mơ, nghe xót xa như một tiếng thở dài...

Ngã ba Trần Quốc Toản - Bạch Đằng (TP Đà Nẵng) có lẽ sẽ bình thường như bất kỳ một ngã ba đường nào khác nếu như không có sự hiện diện của mẹ con anh - một người đàn bà đã qua cái tuổi 75 với chứng bệnh Parkinson và một người đàn ông vừa qua tuổi 40 “lành như đất” với đôi chân tàn tật. Họ sống lay lắt giữa đời bằng cái nghề kéo xe bò, cái nghề đã là quá vất vả với người bình thường. Và hẳn nhiên, đối với mẹ con anh, đó là cả một thử thách!

1. Run rẩy trong cái lạnh của thời tiết cùng bệnh tật, bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi, phường Nam Dương, TP Đà Nẵng) ngồi co ro bên một góc đường. Gió từ sông Hàn phía trước mặt thổi thốc lên từng đợt khiến cái áo mưa tiện lợi bà mặc thay áo lạnh xao xác, càng mỏng manh đến lạ. Bà đang ngồi chờ thằng con trai duy nhất kéo xe về. Công việc một ngày thường bắt đầu từ 6 giờ sáng, kết thúc vào khoảng 6 giờ tối, chỉ toàn những mối quen chở thùng phuy, can nhựa, chuối, thêm cả dãy bán thùng xốp góc Thái Phiên - Bạch Đằng ở gần đó. Tính thì có vẻ nhiều nhưng có khi gần cả tuần hai mẹ con thất nghiệp, không ai gọi.

Người run run vì bệnh tật khiến bà Huệ khó có thể làm những công việc cơm nước hằng ngày, tất cả nhờ cậy vào anh Hùng. Còn anh, dù đôi chân tàn tật cũng phải cố gắng gượng qua ngày để kiếm cơm cho hai miệng ăn. Bà kể chồng chết sớm, năm mới 18 tuổi, anh Hùng lại lên trận sốt cao. Đến khi vay được tiền đi bệnh viện thì bệnh đã quá nặng. Chân trái của anh Hùng dần teo lại, bàn chân trở nên co quắp. Bà điếng người. Thương thằng con chịu thiệt thòi, hồi lớp 1 đã bị ngã từ trên cây khiến ngây ngô, chậm chạp, giờ lại thêm tai họa giáng xuống. Được cái anh Hùng tuy khờ khạo nhưng thật thà, hiền lành, ai cũng thương. Biết mẹ khổ, anh quyết tập đi, rồi thuê xe bò đi làm nghề kéo xe. Sau này, một người tốt bụng thương tình, cho chiếc xe bò cũ, anh dùng và tu sửa đến tận bây giờ.

 

Hai mẹ con anh Hùng - Ảnh: V.P.T

“Bác yếu rồi, ở nhà nghỉ ngơi”. Bà Huệ đáp lại câu hỏi của tôi bằng tiếng thở dài thườn thượt: “Tui ở nhà thì không có ai đẩy xe giúp thằng Hùng lên đoạn dốc kia”. Con đường dốc nối từ đường Bạch Đằng lên Trần Phú quá bình thường đối với mọi người, nhưng với anh Hùng, sao khó khăn quá đỗi, nhất là những lúc chở hàng nặng.

2. Từ xa, có thể nhận ra anh Hùng qua chiếc xe bò dựng sát lề đường. Ngày nào đi làm qua, không thấy xe, tôi biết anh đang có việc. Nhiều lúc chờ khách, anh ra bờ sông đứng tư lự nhìn xa xăm, có hôm thấy anh chống cằm bó gối ngồi bên cần xe, nhìn người qua lại. Suốt mấy năm qua, anh vẫn vậy, khi nào cũng mặc chiếc quần tây xanh lò xo quá mắt cá, áo thun cũng chỉ quanh quẩn 3 cái, một màu cháo lòng, một màu xanh và một màu đỏ. Mấy hôm nay trời lạnh, anh tròng thêm chiếc áo len màu lông chuột, có điều, nhìn qua đã biết là áo nữ. Anh cười hiền: “Áo này của cô Tám cho, mặc ấm lắm”. Theo mẹ con anh tính, dễ cũng đến 5-7 năm qua, hai mẹ con chưa một lần được mặc áo mới, quần áo là của nhiều người thương, cho đồ cũ, có gì mặc nấy. Thương hoàn cảnh, suốt mấy chục năm qua, dì Hoa bán xốp trên đường Thái Phiên thường tạo điều kiện cho anh chở hàng, tiền công lại được dì ưu tiên trả cao hơn bình thường. “Thằng Hùng tốt tính lắm, ai nhờ nó cũng giúp. Tội nghiệp, giá mà nó được mạnh khỏe như người bình thường”, dì Hoa chép miệng.

Căn nhà nhỏ của hai mẹ con anh nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, phía sau chùa Tĩnh Hội. Nhà trống hơ trống hoác, không có nổi chiếc giường để tựa lưng, chỉ trải chiếu. Tối đến, ăn cơm xong là tắt đèn đi ngủ, không dám thắp điện vì sợ tốn tiền. “Vậy mà tháng nào cũng 35.000 đồng tiền điện nước, có tháng không đủ tiền trả”. “Hồi xưa tui hay qua xem ti vi nhờ hàng xóm, nhưng sau này ngại quá”, anh Hùng tâm sự. “Hay là để cháu xin ai giúp đỡ cho tivi”, tôi khẽ hỏi. Lập tức, hai mẹ con lắc đầu quầy quậy với lý do: “Thích lắm, nhưng tui lấy tiền đâu mà trả tiền điện”.

3. Lần đầu tiên, tôi biết đến anh qua những bước chân loạng choạng, chấm phẩy trên đường phố. Lúc ấy đang giữa trưa, anh kéo một xe bò thùng xốp cao ngất ngưởng trên tuyến đường 2.9. Mặt đường nhựa bỏng rát, lấp loáng những bóng nước do ánh xạ mặt trời mùa hè trong nhiệt độ xấp xỉ 37-38oC. Người đi đường ai cũng mặc áo khoác, bịt mặt. Còn anh. Mồ hôi nhễ nhại. Lưng áo ướt đẫm. Anh vẫn cần mẫn với công việc của mình để kịp hàng với đôi chân trần. Cảm giác mặt đường nhựa nóng hầm hập như sẵn sàng nướng chín những lớp da cuối cùng trên đôi chân tật nguyền của anh khiến nhiều người đi đường không khỏi ái ngại. 

Những ngày này, trời đã chuyển đông. Tiết trời càng gần Noel càng lạnh như cắt da cắt thịt. Anh vẫn vậy: mưu sinh qua ngày trong những cơn mưa dầm dề của miền Trung khiến cái lạnh càng thêm thấu xương, với đôi chân trần quặt quẹo. Từ khi chiếc chân trái bị tật, anh đã không còn mang được dép.

 Tôi hỏi: anh hay nghĩ đến điều gì nhất. Anh cười thật thà: “Tui nói thiệt, tui chỉ ước mình có thể mang được dép, tui sẽ không còn sợ lạnh, sợ nóng, tui đi được xa hơn, kiếm tiền nhiều hơn để nuôi bà già (mẹ )”...

Dọc đường mưu sinh:

Bài 1: Vá xe có bảo hành
> Bài 2: Người cắt tóc lấy tiền công theo giá vé số
> Bài 3: Sống nhờ giếng cổ
> Bài 4: Phu đêm ở chợ Đông Ba

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.