Rộng cửa vào thị trường Campuchia

03/12/2008 22:43 GMT+7

Từ 4.12.2008, Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về miễn thị thực (visa) cho người mang hộ chiếu phổ thông bắt đầu có hiệu lực. Các doanh nghiệp Việt Nam xem đây như một cơ hội mới cho hoạt động của mình.

Tăng tour đến Campuchia

Trước ngày 4.12, công dân Việt Nam khi nhập cảnh Campuchia phải xin visa với phí 20 USD/lần. Hiện có khá nhiều công ty du lịch tại TP.HCM có tour du lịch đến Campuchia (4 ngày bằng xe khách) với giá phổ biến từ 210 - 220 USD (đã bao gồm phí visa). Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho biết tour du lịch đến Campuchia hiện khá dễ dàng vì quá gần và ẩm thực cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Việc bỏ khoản phí xin visa sẽ kích thích được thêm nhiều người đi du lịch vào nước này. "Tôi nghĩ lượng khách Việt Nam du lịch Campuchia sẽ tăng khoảng 30% sau khi được miễn thị thực. Ngoài việc giảm phí, công ty du lịch cũng như du khách Việt Nam còn giảm được nhiều thời gian làm thủ tục visa ngay tại cửa khẩu như hiện nay" - ông Mỹ nói. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Marketing Công ty du lịch Fiditour cũng nhận định Campuchia hiện là thị trường được du khách Việt Nam lựa chọn nhiều bởi phong cảnh đẹp, khoảng cách gần, giá cả phù hợp. "Năm 2008, khách đăng ký tour Campuchia chiếm 27% lượng khách du lịch nước ngoài của Fiditour. Công ty dự kiến năm 2009, sẽ tăng tour Campuchia lên 3 - 4 tour/tuần (hiện nay 2 tour/tuần). Nếu thực hiện được, lượng khách sẽ tăng gấp đôi hiện nay" - bà Tuyết Mai nói.

Từ ngày 4.12, Công ty xe khách Sài Gòn (Sapaco Tourist) tăng từ 10 lên 14 chuyến/ngày (tính cả 2 đầu bến) đối với các tuyến xe buýt từ TP.HCM đi Phnom Penh và ngược lại. Cụ thể, tại đầu bến TP.HCM, tăng từ 5 lên 7 chuyến/ngày (xuất bến lúc: 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11:30 và 13 giờ); tại đầu bến Phnom Penh, xe buýt về TP.HCM xuất bến lúc: 6 - 7 - 8 - 9 - 11:30 - 13 và 14 giờ. Ngoài ra, tuyến xe buýt TP.HCM đi Siem Reap cũng tăng từ 2 ngày/chuyến lên 1 ngày/chuyến, xuất bến lúc 7 giờ. (N.Đ.Mười)
Ngược lại, khách du lịch từ Campuchia vào Việt Nam dự báo có thể tăng nhưng sẽ không nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, hiện tại người dân Campuchia làm hộ chiếu phổ thông rất khó khăn và chi phí từ 100 - 200 USD nên sẽ khó có đông người đi du lịch nước ngoài.

Doanh nghiệp còn thăm dò

Hàng hóa Việt Nam có mặt từ lâu tại thị trường Campuchia và chỉ đứng sau hàng Trung Quốc, Thái Lan. Từ mì gói, hóa mỹ phẩm, hóa chất đến nhôm, nhựa, cao su... đều có nhưng chủ yếu vẫn vào theo đường tiểu ngạch. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều cho biết sức tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường Campuchia khá tốt sau những lần khảo sát, tổ chức hội chợ.

Công ty cổ phần cao su Miền Nam (Casumina) hiện có 2 đại lý phân phối độc quyền sản phẩm tại Campuchia và cũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường này. Doanh số tại Campuchia của Casumina luôn tăng 50%/năm và chiếm khoảng 10% trên tổng doanh thu xuất khẩu của công ty. Theo ông Lê Văn Trí - Phó giám đốc Casumina - đây là một thị trường mở nên nguồn cung hàng hóa đến từ các nước khá nhiều. Do đó sự cạnh tranh cũng khá gay gắt. Tuy nhiên hiện tâm lý nhiều người tiêu dùng Campuchia không thích sử dụng hàng Thái Lan nên đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dù cơ hội ở thị trường này ngày càng mở ra nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Ông Đặng Chí Hùng - phụ trách kinh doanh Công ty nhôm Kim Hằng - cho biết sản phẩm của công ty có mặt tại Campuchia đều do thương lái tự lấy hàng qua bán. "Hiện mức thuế nhập khẩu vào Campuchia đối với sản phẩm nhôm quá cao, đến 35%. Với mức thuế này, nếu nhập khẩu chính thức thì giá bán không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại từ các nước khác hoặc của các cơ sở nhỏ" - ông Hùng nói. Ngoài ra, hệ thống thanh toán qua ngân hàng của nhiều doanh nghiệp Campuchia vẫn chưa được thiết lập. Ông Đặng Chí Hùng kể có nhiều đối tác tại Campuchia đã đặt vấn đề làm nhà phân phối cho Kim Hằng nhưng khi đụng đến vấn đề thanh toán phải mở L/C qua ngân hàng thì họ lại từ chối. Tương tự, sản phẩm của Công ty cổ phần Điện Quang hiện cũng chỉ được phân phối không chính thức qua các đại lý, nhà phân phối của công ty này ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc Marketing Công ty Điện Quang thì năm 2009, công ty sẽ có kế hoạch chi tiết để phát triển hệ thống kinh doanh chính thức tại thị trường Campuchia.

Dù có những khó khăn nhất định để đẩy mạnh việc kinh doanh tại thị trường Campuchia nhưng nhiều doanh nghiệp nhận định việc miễn visa cũng là một bước hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đi lại thuận tiện hơn. Vấn đề là doanh nghiệp cần được hỗ trợ thêm trong các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu tại thị trường này.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.