Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Những bước ngoặt cơ duyên

26/11/2005 16:25 GMT+7

Trong số 25 tác giả xuất sắc nhất thế giới về thể loại ảnh trắng đen do Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) bầu chọn vào cuối năm 2004, Việt Nam có hai tác giả vinh dự được xếp vào bảng vàng của làng nhiếp ảnh thế giới đương đại.

Với những bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao trình làng trong nhiều cuộc triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt được xếp hạng 14 (tác giả Lê Hồng Linh - TP.HCM, xếp hạng 8). Năm 2005, niềm vui bất ngờ lại đến với người nghệ sĩ có thâm niên vỏn vẹn 7 năm trong nghề này khi tác phẩm Bước ngoặt 2 của anh đoạt một lúc 4 huy chương từ 2 cuộc thi ảnh quốc tế khác nhau...

Sự nhập cuộc muộn màng


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt

Bức ảnh Bước ngoặt 2 lọt vào "mắt xanh" của hội đồng giám khảo các cuộc thi quốc tế vốn do Đào Tiến Đạt tình cờ "chộp" được trong một lần đi... chơi cho "biết đó biết đây" cùng những người bạn. Vào đầu mùa hè năm 2002, lần đầu tiên đến xứ cát Hòa Thắng, Bắc Bình (Bình Thuận), Đạt mê mẩn trước vẻ đẹp huyền ảo của những đồi cát ngút ngàn tầm mắt, anh đã lang thang gần trọn một ngày mong ghi lại một vài cảnh đẹp để về nhà khoe... với vợ. Đi mãi vẫn không chụp được bức nào ưng ý. Trên đường quay về, nhìn xa xa thấy hai người phụ nữ thấp thoáng trên triền đồi với hai mảng sáng - tối xen lẫn bởi nắng chiều hắt xuống, anh tiến lại gần, bấm liền mấy kiểu ảnh cho đến lúc họ dần khuất vào làng. Hai năm sau, Bước ngoặt 2 mới được trình làng và đoạt giải vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức ở Mỹ và Brazil.  

 * So với những đồng nghiệp của mình, anh gia nhập làng nhiếp ảnh khá muộn?

- Sinh ra và lớn lên ở làng quê - xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định - thời niên thiếu cũng như những năm trưởng thành, tôi ít khi nghĩ đến chuyện theo nghề chụp hình, trở thành nhà nhiếp ảnh nghệ thuật. Suốt nhiều năm, công việc chính của tôi vẫn là... làm ruộng và thu mua phế liệu! Khái niệm về nghệ thuật nhiếp ảnh lúc ấy rất mơ hồ trong tôi.

Trong đời mỗi người, đôi khi có những "bước ngoặt" thay đổi cả số phận. Đào Tiến Đạt tâm sự rằng, anh cảm thấy mình như bị hụt hẫng khi người mẹ thân yêu của anh sớm qua đời vì bạo bệnh và sau đó không lâu, người cha cũng qua đời. Một hôm, vào khoảng cuối năm 1997, tình cờ anh đọc được bài viết Những tấm ảnh của Lewis W.Hine đăng trên một tờ báo. Bài viết đã khơi gợi trong tiềm thức của anh những nghiệm sinh cuộc sống và anh nghĩ đến chuyện bước vào làng nhiếp ảnh nghệ thuật để tìm cơ hội sẻ chia, giãi bày những nỗi niềm sâu kín. Từ đó, niềm đam mê ảnh nghệ thuật đã gắn chặt đời anh.

Không biết cách... lắp phim

Cho đến bây giờ, tuy người nghệ sĩ này đã có những tác phẩm đoạt giải cao ở các cuộc thi, được nhiều người biết đến nhưng khi nhớ lại, anh không khỏi buồn cười vì một "tai nạn" khó quên: đó là việc anh không biết cách... lắp phim vào máy trước lúc lên đường "săn" ảnh. Năm 1998 (lúc này, nghệ sĩ Đào Tiến Đạt 42 tuổi), sau khi được một người anh có thâm niên trong làng nhiếp ảnh chọn mua giúp chiếc máy ảnh Nikon FG, Đào Tiến Đạt bắt đầu thực hiện chuyến đi thực tế sáng tác đầu tiên của mình. Một mình với "con ngựa sắt" trong tâm trạng đầy háo hức, trên đường đi lên Kon Tum, Đào Tiến Đạt ghé lại một tiệm ảnh ở ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn) mua hai cuộn phim. Cầm phim trên tay nhưng anh cứ loay hoay mãi bên chiếc máy ảnh của mình, chẳng thể nào lắp được vào máy. Ông chủ tiệm ảnh thấy vậy đã lắp hộ. Lắp phim xong, ông chủ tiệm ảnh nhiệt tình chỉ luôn những kỹ năng cơ bản về sử dụng máy và chụp ảnh. Những bức ảnh của chuyến đi ngày hôm ấy, đến nay anh vẫn cất giữ, nâng niu như những kỷ vật quý giá. Thỉnh thoảng, anh lại mang ra nhìn ngắm nó để hồi tưởng lại buổi đầu vào nghề.

Mấy năm sau, bài học vỡ lòng này được Đào Tiến Đạt kể lại trong một bài tự thuật và được in trong tập san của Hội Văn nghệ Bình Định. Một người thân của anh khi đọc tập san đã trêu bằng câu thơ vui rằng: "Tiến Đạt chụp ảnh tài ba/Nhưng khâu khó nhất vẫn là... lắp phim!". "Những bức ảnh của chuyến đi đầu tiên ấy đến nay Đạt vẫn còn cất giữ, nhưng quả thật là chẳng có bức nào thật sự ưng ý!. Nhưng có lẽ Đạt rất có "duyên" trong con đường nghệ thuật mà anh đã lựa chọn. Sau ba năm tập tễnh vào nghề nhiếp ảnh, đến năm 2001, anh được gia nhập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

* Giới chụp ảnh nghệ thuật vẫn hay truyền nhau nghe về một giai thoại khá "độc" của anh, đèo cả bà xã và con trai theo làm... người mẫu để sáng tác ảnh?


Khát sống

- (Cười) Cũng chỉ duy nhất có một lần là vào khoảng tháng 10.2000. Khi đó, tôi dự định chụp một tác phẩm mà từ lâu hằng ấp ủ trong đầu. Nhan đề mà tôi sẽ đặt cho tác phẩm là Quan niệm với hai nhân vật chính là vợ và con trai của tôi, nhưng dự định ấy không thành. Cũng may là trong chuyến đi hôm đó, tôi chụp được bức ảnh khá ưng ý: Gửi hương cho gió. Cô ấy vận áo dài, tay cầm nón lá đi trong không gian Bảo tàng Quang Trung. Trên đường về, ba người chúng tôi lại gặp mưa bão...

"Bước ngoặt" cuộc đời

7 năm sáng tác ảnh nghệ thuật, với anh, mỗi bức ảnh đều có một kỷ niệm riêng đáng nhớ. Trong đó, chuyến đi sáng tác ở Lâm Đồng vào cuối năm 2002 đã để lại tình cảm sâu đậm nhất. Đi xe của một người bạn lên Lâm Đồng dự đám cưới, được đồng nghiệp giới thiệu, Đào Tiến Đạt đến làng B'Lao, vùng ngoại ô thị xã Bảo Lộc để tìm gặp cụ bà tên K'Ngói. Cụ bà sống một mình trong căn chòi nhỏ tối mịt, khuất lấp giữa khu vườn. Nằm co rúm trên sàn, cụ cố ngoái nhìn lên người khách lạ bước vào nhà. Sau một hồi hỏi chuyện, anh mời cụ ra phía cửa để chụp một bức hình. Dáng hình còm cõi của cụ run rẩy khi ánh nắng rọi vào, duy chỉ có đôi mắt là lóe lên, ẩn chứa niềm khát khao sự sống mãnh liệt. Thấy bà cụ sức yếu, ngồi không vững, Đào Tiến Đạt quay ra sân nhặt một thân cây mì (sắn) đã khô để cụ tựa vào. "Bức ảnh Khát sống tôi chụp cụ K'Ngói sau đó đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi ảnh quốc tế ở Ba Lan và Hungary. Tôi gọi điện cho anh bạn đồng nghiệp muốn lên thăm và tặng cụ tấm hình đoạt giải nhưng không may bà cụ đã qua đời" - anh tâm sự...

* Dường như khi bắt gặp ánh nhìn của cụ K'Ngói, anh lại hồi tưởng về "bước ngoặt" của đời mình?

- Ánh mắt đầy thao thức, nỗi niềm ấy thật sự đã gây xúc động mạnh khi tôi bấm máy. Hình ảnh mẹ tôi chợt ùa về trong ký ức nên giữa tôi và cụ K'Ngói lúc đó, tình cảm như cộng hưởng lẫn nhau.

Vẫn sống nhờ... vợ !

Đào Tiến Đạt cho rằng, nhiếp ảnh nghệ thuật với anh là một nhu cầu tự thân để sẻ chia và giãi bày. "Trong hành trình nghệ thuật, phận người là cảm xúc, là sự giằng xé nội tâm cho mỗi lần bấm máy. Bản thân tôi chưa bao giờ xem nhiếp ảnh là một nghề đơn thuần. Sáng tác ảnh nghệ thuật thật sự là một niềm đam mê lớn trong tôi". Vì đam mê nên theo nghiệp, chứ đến nay anh vẫn không thể sống nhờ vào nhiếp ảnh nghệ thuật. Hỏi anh "bật mí" một chút về gia đình của mình, anh kể: "Những anh em thân quen hay trêu tôi là người giỏi... nịnh vợ, mà vợ chồng thì "nịnh" một tí cũng tốt chứ sao (cười). Sau ngày lập gia đình, tôi có ba người con, hai gái, một trai; cả ba đều học đại học. Bà xã đang "sở hữu" một tiệm tạp hóa nhỏ trên đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn. Đến bây giờ, tôi vẫn là người sống nhờ... vợ!".

Ngọc Toàn - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.