“Cách mạng xanh” vùng biên ải

27/11/2009 14:08 GMT+7

Chè Tuyết San, cá hồi, hoa ly - những sản phẩm tưởng chừng chỉ có ở xứ lạnh như Đà Lạt hay Sapa, nay đã xuất hiện và thích nghi tốt ở xứ sở gió Lào.

Chuyện khó tin đang xảy ra tại Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) 8 và Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi ở miền biên giới Nghệ An.

Chè Tuyết San giúp xóa nghèo

5 giờ chiều, sương mù trắng xóa núi rừng. Từ quốc lộ 7, chiếc xe phải vật vã hơn giờ đồng hồ, đánh vật với những ổ voi khủng khiếp và đường dốc khúc khuỷu mới chạm đích. Bên lưng núi Pù Xai Lai Leng - ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn, Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) hiện ra như nét chấm phá giữa vùng núi rừng hoang vu.

Hơn 2 năm trước, khi được điều động đến vùng đất này, anh Nguyễn Trọng Cảnh - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8 kiêm Trưởng BQL dự án Làng thanh niên lập nghiệp - không khỏi ái ngại. Đất đai ít vì hầu hết đã giao cho dân, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Đi thị sát, lãnh đạo Tỉnh Đoàn vỗ vai anh bảo: “Có khó mới cần đến cậu”. Vậy là Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi ra đời. Dự án có vốn 29 tỉ đồng này do T.Ư Đoàn đầu tư với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng và trồng 1.000 ha chè Tuyết San cho dân bản được phê duyệt vào năm 2008. Nó là “con đẻ“ của Tổng đội TNXP 8 ở xã Huồi Tụ, cùng thuộc huyện Kỳ Sơn.

 

Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi - Ảnh: K.H

6 năm về trước, Nguyễn Trọng Cảnh cùng với những cộng sự đắc lực ở Tổng đội 8 được giao nhiệm vụ khai hoang vùng đồi heo hút ở Huồi Tụ. Đó là những kỹ sư, cử nhân, những thanh niên tình nguyện lên giúp đồng bào vùng cao. Họ được giao sứ mệnh cầm tay chỉ việc cho dân bản, giúp họ tìm lối thoát nghèo. Dự án trồng chè Tuyết San cuối cùng cũng thành hiện thực. Khi những mảnh đồi dựng đứng dốc mọc lên những khoảnh chè, mang lại những khoản thu nhập nhiều đến bất ngờ, người dân mới “tâm phục, khẩu phục” tin theo. Cây chè của Tổng đội đã giúp dân bản bỏ được tập tục trồng cây thuốc phiện của người Mông vùng cao. Sau 7 năm khai sinh Tổng đội, đến nay đã có 300 hộ dân bản trồng hơn 400 ha chè, cho thu nhập mỗi hộ trên chục triệu đồng hằng năm. Tổng đội đã có 45 người, trong đó có nhiều kỹ sư trẻ từ miền xuôi lên và 20 thanh niên dân bản.

Cá hồi, hoa ly “leo” núi

Cây chè Tuyết San “đứng” được ở đất Huồi Tụ, tiếp tục lan sang vùng Na Ngoi. Cuối năm 2007, khi dự án Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi còn ở thời sơ khai, Nguyễn Trọng Cảnh đã nghĩ phải tìm thêm hướng đi khác. Anh ra Sapa, vào Đà Lạt dò dẫm học cách trồng hoa ly, địa lan, nuôi cá hồi, cá tầm với hy vọng tạo bước đột phá, mang những giống cây, giống cá này về nuôi trồng trên vùng núi rừng cằn cỗi. Đây là những mục tiêu ban đầu không có trong dự án. Một vạn cây hoa ly giống mua về từ Đà Lạt được trồng trên đất Tổng đội và Làng thanh niên lập nghiệp. Cây bén rễ, mọc nhanh trông thấy. Giáp Tết, hoa được mang về TP Vinh và thật bất ngờ khi cành hoa ly ở đây lại đẹp hơn cành hoa ly được trồng ở Đà Lạt. Trừ chi phí, vụ hoa ly này một đồng vốn cho một đồng lãi.

Hoa ly mọc được thì cá hồi cũng sẽ sống tốt. Nguyễn Trọng Cảnh nghĩ vậy và ra Sapa để tìm hiểu công nghệ nuôi loài cá này. Anh tìm đến Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ để xin được hỗ trợ kỹ thuật. Đầu năm 2009, 4.200 con cá hồi lấy giống từ Phần Lan đã được đưa về Làng. Chúng được thả xuống 6 bể, sống bằng nguồn nước suối được dẫn về cách đó khoảng 4 cây số. Vòng đời của cá hồi ở tự nhiên rất lạ. Nó được sinh ra ở sông suối, lớn lên thì di cư ra biển và cuối đời lại quay về nơi nó được sinh ra để thực hiện chức năng sinh sản rồi chết. Nuôi trong bể, cá hồi cũng tỏ ra khó tính. Mưa lũ kéo theo nước suối đục về là chúng bỏ ăn. Nhiệt độ ngoài trời lên quá 22 độ C, bón thức ăn chúng cũng không thèm đớp. Những kỹ sư trẻ tình nguyện lên đây đã phải xoay xở nhiều cách mới chiều được chúng. Sau gần một năm, cá hồi đã gần 2 kg mỗi con, bán giá 150.000 đồng/kg.

Lấy ngắn nuôi dài. Trên khu đất 8 ha thuộc tổng hành dinh của Làng, những vườn rau xanh, bí xanh, gừng đã mọc lên và cho thu nhập. Các kỹ sư trẻ, thanh niên tình nguyện còn hướng dẫn cho dân bản trồng 30 ha lúa lai đầu tiên. Vụ đầu trúng, nhiều hộ dân đã đến xin được hướng dẫn trồng loại lúa mới này...

Cá hồi, hoa ly và sắp tới là cá tầm, địa lan - những mục tiêu không nằm trong dự án nhưng lại mang đến hướng đi mới cho tương lai vùng biên ải này. Một trong những người đóng góp nhiều công lao chính là Vừ Xa Lì - tên mới được dân bản yêu mến đặt cho thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.