Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ: Sau vụ PMU 18, lấy lại lòng tin nhà tài trợ

14/12/2006 23:43 GMT+7

Hôm qua, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 14 với chủ đề "Phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010: từ kế hoạch đến hành động" đã khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 5 bộ trưởng cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đã tham dự, đối thoại với các nhà tư vấn tài trợ về những vấn đề phát triển của Việt Nam, định hướng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong giai đoạn mới...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng trong 20 năm đổi mới vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đạt được những thành tựu rất to lớn, là công sức của toàn dân tộc... nhưng không thể tách rời với những hỗ trợ, đóng góp của cộng đồng quốc tế". Thủ tướng bày tỏ lòng cảm ơn các nhà tài trợ song phương và đa phương đã "đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo".

Sau phiên khai mạc, các thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trình bày các báo cáo về các vấn đề kinh tế-xã hội, cải cách tư pháp, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Theo ông Võ Hồng Phúc, năm 2006, kinh tế Việt Nam tiếp  tục  có mức tăng trưởng vượt bậc, ước khoảng 8,1-8,2%, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của kế hoạch 2006-2010 là 7,5-8%/năm. Các cân đối lớn của nền kinh tế như ngân sách Nhà nước, cán cân thanh toán quốc tế, vốn đầu tư... tiếp tục được ổn định. Các chỉ số về nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn an toàn cho phép. Các hoạt động đối ngoại rộng mở và việc trở thành thành viên WTO đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới cho Việt Nam. Ông Phúc nhấn mạnh đến những cải cách về các thể chế, khuôn khổ pháp lý về việc sử dụng nguồn vốn ODA như Nghị định 131/NĐ-CP về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ, ban hành tháng 11.2006.

PMU 18: hoàn trả cho nhà tài trợ tiền mua xe sai chế độ

Nhắc đến vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua liên quan đến việc sử dụng vốn ODA, đặc biệt là vụ PMU 18, ông Phúc nói: "Chúng tôi có thể khẳng định là các vụ việc này không liên quan đến chất lượng các công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA. Qua các vụ việc này, đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam kiên quyết chống tham nhũng, bảo đảm các nguồn vốn đầu tư nói chung và nguồn vốn ODA được quản lý,

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm 2006, các bộ, ngành đã tiến hành 346 cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm về kinh tế trên 6.267 tỉ đồng, gần 4,2 triệu USD và 395.890 euro. Bộ Công an đã tiến hành điều tra 7.772 vụ phạm tội về kinh tế, ngành kiểm sát phát hiện, khởi tố 338 vụ án tham nhũng.

sử dụng chặt chẽ, không thất thoát, lãng phí và có hiệu quả".

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng trình bày riêng về PMU 18. Ông cho biết, hiện nay Bộ GTVT đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 17 tổ chức và 40 cá nhân (riêng PMU 18 có 30 cá nhân). "Qua vụ việc này, chúng tôi rút ra được những bài học, kinh nghiệm để từ đó củng cố lại tổ chức quản lý ODA ngành giao thông, đặc biệt là tổ chức của  PMU 18. Đến nay PMU 18 đã trở lại bình thường" - ông Dũng khẳng định. Bộ GTVT cũng đã phối hợp với các bộ khác chính thức đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn ngân sách để hoàn trả vốn vay của JBIC cho việc PMU 18 mua 4 xe sai chủng loại với số tiền trên 4,2 tỉ đồng và sắp tới sẽ "bán hóa giá 4 xe này, yêu cầu những người làm trái bồi hoàn lại phần còn thiếu để trả ngân sách", ông Dũng nói rõ.

ODA không "mua" được cải cách

Đại diện của nhiều nhà tài trợ song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế tại hội nghị đánh giá cao những thành tựu về kinh tế, đặc biệt là những cố gắng về xóa đói, giảm nghèo, đấu tranh chống tham nhũng. Về việc sử dụng vốn ODA, báo cáo chung của các nhà tài trợ tại hội nghị cho rằng, "Việt Nam là một trong những nước nhận nhiều ODA nhất trên thế giới nhưng lượng ODA Việt Nam nhận được không phải là quá cao so với hiệu quả của nó". Các nhà tài trợ nhất trí đánh giá Việt Nam là một nước "không lệ thuộc vào viện trợ"; các nhà tài trợ không thể "mua" các chính sách cải cách cho Việt Nam và điều đó có nghĩa "Việt Nam khẳng định được sự tự chủ rất lớn đối với chương trình”.

Tuy nhiên, từng nhóm các nhà tài trợ đa phương và các nhà tài trợ song phương cũng đưa ra các khuyến cáo. Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam thận trọng trong việc phát triển hệ thống tài chính, ban hành và thực hiện có hiệu quả các quy chế quản lý để loại trừ các loại tội phạm rửa tiền và tham nhũng; khắc phục tình trạng xuống cấp của môi trường. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng đưa ra thông điệp mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường "tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", kết nối giữa tăng trưởng bền vững và xóa đói, giảm nghèo.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.