Bỗng nhiên mờ mắt

02/12/2011 08:38 GMT+7

Nhìn vật bị méo cong, mờ, biến dạng, giảm thích ứng sáng tối... là những biểu hiện của bệnh lý về mắt ở nam giới nhưng dễ bị bỏ qua.

(TNTS) Nhìn vật bị méo cong, mờ, biến dạng, giảm thích ứng sáng tối... là những biểu hiện của bệnh lý về mắt ở nam giới nhưng dễ bị bỏ qua.

Bệnh phổ biến

Là một chuyên viên công nghệ thông tin nên hằng ngày anh Hùng phải tiếp xúc với máy tính ở cường độ cao. Dạo gần đây, anh thấy mắt mình có những biểu hiện lạ như đang làm việc đột nhiên thấy màn hình máy tính nhòe đi, có đám mờ và tối trước mắt, sau đó thì trở lại bình thường. Cho rằng do mỏi mắt hoặc bị choáng nên anh đã bỏ qua. Tuy nhiên, một năm sau thì hiện tượng trên quay trở lại, lúc này mắt giảm thị lực thấy rõ, một bên mắt thị lực 10/10 nhưng bên khác chỉ còn 3/10. Đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết anh bị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch.

Bệnh nhãn giáp nhẹ thường xảy ra ở bệnh nhân nữ trẻ. Có diễn tiến âm thầm nên khó phát hiện. Thông thường bác sĩ sẽ cho điều trị bảo tồn với nước mắt nhân tạo hay chườm lạnh, kê cao đầu khi ngủ và dùng kháng viêm non - steroid. Thời gian điều trị trung bình khoảng 9 tháng. Nếu bệnh nhân có hút thuốc thì cần ngừng hút.

Còn bệnh nhãn giáp nặng thường xảy ra ở người lớn tuổi với các dấu hiệu đi kèm như phù mi kết mạc, hạn chế vận nhãn tiến triển và lồi mắt… rất cần được điều trị sớm. Bác sĩ sẽ cho dùng corticoid uống hoặc tiêm, thuốc ức chế miễn dịch, hoặc xạ trị. Thời gian điều trị trung bình là 2 năm.

Trao đổi về loại bệnh có cái tên khá lạ này, bác sĩ Nguyễn Thị Mai (Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng) nhấn mạnh, hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (còn gọi là viêm võng mạc trung tâm tái phát) có cái tên khó nhớ, nghe không quen nhưng là một bệnh rất phổ biến, thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi từ 20 - 50 với tỷ lệ 1/10 (cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh).

Điều đáng nói là bệnh nhân thường chủ quan do bệnh không có biểu hiện rõ ràng, thường xảy ra ở nam giới khỏe mạnh nên họ chỉ tìm đến bác sĩ khi mắt đã giảm thị lực đáng kể. Thông thường, bệnh xảy ra một bên mắt và giảm thị lực từ 3 - 7/10. Bệnh dễ tái phát, theo y học ghi nhận tỷ lệ tái phát là 30%.

Nguyên nhân hiện vẫn chưa được xác định. Đây là một bệnh lành tính nên chỉ cần bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị thì thị lực sẽ được phục hồi, ngược lại nếu không điều trị sớm và đúng cách bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Bệnh có thể không có triệu chứng nếu như trung tâm hoàng điểm không bị tổn hại, chỉ biểu hiện những triệu chứng cơ năng khi bọng bong thanh dịch lan tỏa tới vùng trung tâm, biểu hiện bằng hội chứng hoàng điểm như: nhìn mờ; có hiện tượng giả viễn thị do võng mạc bị đội lên bởi dịch rỉ dưới võng mạc; nhìn vật bị biến dạng, méo, cong, thu nhỏ và ra xa, giảm sắc giác, thích ứng sáng tối giảm sút (đôi khi nhìn màu sắc thấy thay đổi, nhất là các màu vàng nhạt, màu sáng và vàng).

Tránh xa tác nhân gây bệnh

Bác sĩ Mai khẳng định, nếu mắt tập trung với cường độ cao với máy tính thường xuyên thì phải thay đổi nghề nghiệp. Bởi việc điều trị chỉ có tác dụng khi hạn chế thức khuya và tránh tiếp xúc với máy tính.

Hiện y học đang áp dụng hai phương pháp điều trị là nội khoa và laser. Nội khoa là phương pháp dùng thuốc trong một thời gian dài (thuốc dãn mạch, giảm phù nề …). Theo bác sĩ Mai, những loại thuốc được khuyên dùng là thuốc acetazolamide có tác dụng làm tăng vận chuyển ion và dịch qua biểu mô sắc tố, rút ngắn thời gian tiêu dịch dưới võng mạc; thuốc ưu trương (glucose 30% hoặc manitol 20% tiêm tĩnh mạch); thuốc tăng cường tuần hoàn.

Nếu tuân theo chế độ điều trị một cách nghiêm ngặt thị giác sẽ được cải thiện trở lại, tuy nhiên nếu có dùng thuốc mà vẫn thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (như tiếp xúc máy tính, chất kích thích …) thì bệnh ngày càng nặng thêm.

Trường hợp khác, bác sĩ sẽ chỉ định dùng phương pháp quang đông laser, quang đông vị trí rò giúp bệnh giảm nhanh, dịch dưới võng mạc có thể tiêu trong vòng vài tuần. Ngoài ra cũng nên kết hợp chế độ dinh dưỡng tốt hoặc sử dụng bài thuốc từ đông y có lợi cho mắt. Điều nguy hiểm là nếu để bệnh tái phát nhiều lần, thị lực sẽ giảm chỉ còn 2/10, thậm chí là 1/10.

Việc phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh các môi trường khiến mắt tập trung quá mức. 

Bệnh nhãn giáp

Hiện nay, tỷ lệ bệnh hốc mắt liên quan đến tuyến giáp là 16 nữ và 3 nam/100.000 dân/năm. Điều đáng nói là các bệnh nhân không biết địa chỉ đáng tin cậy để được tư vấn và giai đoạn nào thì cần phải điều trị - PGS-TS Lê Minh Thông (Phó chủ nhiệm bộ môn Mắt ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết.

Bệnh nhãn giáp có thể nhận biết qua các đặc điểm lâm sàng như sung huyết hốc mắt, phù quanh hốc mắt, lồi mắt, co trợn mí, lộ giác mạc, hạn chế vận nhãn…

Khi thấy những biểu hiện như trên, bệnh nhân nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ để có lời khuyên cụ thể, không được tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt bán sẵn. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán bằng cách xét nghiệm chức năng tuyến giáp và siêu âm.

Việc điều trị bệnh nhãn giáp sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên 2 đặc điểm quan trọng là độ nặng và giai đoạn hoạt động của bệnh.

Theo bác sĩ Thông, nếu biểu hiện bệnh nhãn giáp ở mức độ nhẹ thì không cần điều trị phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa tích cực vì có nhiều bằng chứng cho rằng đây là một loại bệnh tự miễn. Còn nếu bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng như trên thì chuyển sang điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.