Hy vọng cho bệnh nhân phình mạch máu não

25/12/2006 12:21 GMT+7

Nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Phẫu thuật thần kinh của khu vực ASEAN lần thứ 12, bác sĩ Timothy Lee của Bệnh viện Mount Alvernia (Singapore) đã có dịp gặp lại chị Đoàn Thị Thu Hồng, nữ bệnh nhân 27 tuổi bị phình mạch máu não mà ông đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật 6 tháng trước đó.

Tháng 2.2006, chị Thu Hồng, 27 tuổi, kiến trúc sư Viện Nghiên cứu thiết kế trường học Hà Nội, phải nhập viện do đột nhiên bị đau đầu dữ dội kèm theo nôn mửa, được các bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết não do phình động mạch và tiến hành phương pháp chữa trị không cần phẫu thuật. Chị Hồng kể: "Tôi được điều trị 2 lần bằng X-quang can thiệp, bằng cách chèn các cuộn thần kinh vào động mạch, nhưng không hiệu quả. Sau đó tôi bị xuất huyết 2 lần nữa. Lần sau cực kỳ nghiêm trọng, tôi phải thở bằng oxy". Dù được các bác sĩ khuyến cáo là trường hợp của Thu Hồng khó cứu chữa do vị trí tổn thương nằm rất sâu phía bên phải của bán cầu não chính và rất khó tiếp cận, nhưng gia đình chị vẫn tiếp tục hy vọng và chuyển bệnh án của chị vào các bệnh viện của Huế, TP.HCM. Qua giới thiệu của một bác sĩ thần kinh tại TP.HCM, chồng chị Hồng đã liên hệ với giáo sư bác sĩ Timothy Lee, Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Mount Alvernia (Singapore).  

Tháng 6.2006, chị Hồng sang Singapore và một lần nữa được điều trị không cần phẫu thuật, nhưng cũng không thành công. Giáo sư Timothy Lee nhận định phẫu thuật là phương pháp duy nhất để cứu tính mạng của chị Hồng, và ông cũng báo trước với gia đình đây là một ca khó, thậm chí có thể sẽ cần phải ngưng tim để tiến hành phẫu thuật. Giáo sư Timothy Lee cho biết: "Để có thể tiếp cận trực tiếp đến vùng bị tổn thương ở não, tôi đã sử dụng phương pháp phẫu thuật ENT để tiếp cận não từ phía sau tai, kết hợp với phương pháp tiếp cận thông là trực tiếp qua phần trước của não bộ. Đại tĩnh mạch đã được tách ra một cách an toàn để có hướng tiếp cận hiệu quả nhất. Chỗ phình động mạch được kẹp chặt thông qua 2 công đoạn phẫu thuật và sự hỗ trợ của tia X-quang đặc biệt để chắc chắn chỗ phình động mạch đã được loại trừ". Rồi ông mỉm cười nói tiếp: "Rất may là cuối cùng chúng tôi đã không phải ngưng tim của cô ấy. Và phải nói rằng cô ấy rất dũng cảm và sức sống của cô ấy cũng rất mãnh liệt. Trong 2 ngày, chúng tôi đã phẫu thuật cho cô ấy 3 lần, mỗi lần kéo dài 10 tiếng đồng hồ".

Ngay sau phẫu thuật, chị Thu Hồng có trải qua một thời gian bị chóng mặt hậu phẫu, nhưng nay đã hoàn toàn khỏe mạnh và sẵn sàng để đầu năm tới trở lại với công việc yêu thích của chị tại Viện Nghiên cứu thiết kế trường học Hà Nội.

Hạnh Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.