Làm giàu từ rác

31/12/2011 01:48 GMT+7

Ở phố núi Buôn Ma Thuột có một kỹ sư nặng lòng với… rác, đứng ra lập một hợp tác xã chuyên biến rác thành tiền và góp phần làm sạch môi trường.

Ở phố núi Buôn Ma Thuột có một kỹ sư nặng lòng với… rác, đứng ra lập một hợp tác xã chuyên biến rác thành tiền và góp phần làm sạch môi trường.

Đó là anh Bùi Thanh Quang, 40 tuổi, đã có hơn 6 năm kinh nghiệm “lăn lộn” với nghề chế biến rác. Anh còn vận động thành lập hợp tác xã (HTX) môi trường Hòa Thắng (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột), HTX đầu tiên ở Tây nguyên chuyên thu gom, chế biến rác thải đô thị.

Khởi đầu vào năm 2005, anh Quang từ bỏ công việc của một kỹ sư lâm nghiệp để bắt tay lập cơ sở chế biến rác thải khi nghe một người thân ở TP.HCM gợi ý thu mua các loại nhựa thải loại. Những năm đầu, cơ sở chỉ có 5 người làm, nhưng khi khối lượng sản phẩm ngày một lớn thì số lượng lao động cũng tăng dần lên vì vậy tổ hợp tác được “nâng cấp” thành HTX. Điểm đặc biệt là trong số 32 lao động hiện nay của HTX, có đến 27 người là dân tộc thiểu số ở địa phương. Chị H’Lát Niê, người Êđê ở buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng, vui vẻ cho biết: “Nhà có hai chị em làm tại HTX; hiện mỗi lao động ở đây có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng; nhờ vậy nhiều gia đình đỡ khó khăn lúc nông nhàn”.

 
Anh Bùi Thanh Quang tại cơ sở chế biến rác - Ảnh: Trung Chuyên 

Mỗi tháng, HTX môi trường Hòa Thắng thu gom, chế biến khoảng 40 tấn nhựa phế liệu, theo phương thức phân loại, sơ chế thành các loại nhựa ABS, PS, HIPS… Các loại sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ tại TP.HCM, phục vụ công nghiệp tái chế. Công việc chế biến rác của HTX còn giúp xử lý nhiều chai lọ nhựa chứa hóa chất độc hại, tránh thải ra môi trường.

Anh Quang khiêm tốn khi nói đến chuyện lợi nhuận: “Mỗi năm, trừ chi phí HTX chỉ thu lợi chưa đến nửa tỉ đồng. Nhưng làm giàu không phải là mục tiêu đầu tiên, cái chính khiến tôi hài lòng và gắn bó với nghề chế biến rác này là góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho bà con địa phương và chung tay làm sạch môi trường đô thị”. Anh cũng cho biết, sang năm 2012 HTX có kế hoạch đầu tư vài tỉ đồng để trang bị máy móc, hệ thống xử lý nước thải để nâng công suất chế biến rác; đồng thời sản xuất tại chỗ các sản phẩm gia dụng từ nhựa tái chế.

 Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.