Khu xử lý rác công nghệ cao đi vào hoạt động

29/10/2007 00:08 GMT+7

Tại một vùng đầm lầy toàn dừa nước, một Việt kiều Mỹ đã đầu tư vào đó cả trăm triệu USD để hình thành nên một khu xử lý rác lớn nhất nhì châu Á.

Nước rỉ rác thành... nước sinh hoạt

Toàn bộ dự án xử lý rác có diện tích đến 140 ha, tọa lạc tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng trên diện tích 43 ha, trong đó có 15 ha là nơi xây dựng nhà xưởng, nhà máy xử lý môi trường, phần còn lại 28 ha là khu chôn lấp rác hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn môi trường theo công nghệ tiên tiến của Mỹ. "Trước khi xây dựng, dừa nước mọc đầy như rừng, phải nhổ từng bụi lên cả gốc lẫn rễ. Phải kỹ lưỡng như vậy, vì nếu chặt ngang, còn gốc rễ sau này nó tiếp tục mọc lên, có thể làm hỏng các lớp phủ kỹ thuật được lót bên dưới bãi rác". Ông David Dương (Việt kiều Mỹ), Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Waste Solutions cho biết như vậy.

Công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại bắt đầu từ ý thức bảo vệ môi trường và những kinh nghiệm từ bên Mỹ của David Dương. Trước khi về Việt Nam đầu tư, David Dương là chủ nhân một công ty xử lý rác nổi tiếng ở Mỹ - Công ty California Waste Solutions, có trụ sở tại Oakland, California, kinh doanh ngành thu gom, tái chế và quản lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường trong 24 năm qua. "Là một người Mỹ gốc Việt, tôi rất hân hạnh và tự hào vì có thể đem lại một dự án đầy lợi ích như thế cho quê hương tôi" - David Dương nói.

Ông David Dương - ảnh: M.V

 
Công việc ban đầu đầy vất vả, khó khăn. Nào phải đắp đê bao quanh khu đất của dự án để thủy triều không tràn vào, rồi phải chở cát từ Vĩnh Long lên, đến hàng trăm nghìn tấn, dùng để san lấp mặt bằng trước khi trải vải địa. Bảo vệ tầng nước ngầm là một trong những tiêu chí hàng đầu khi triển khai xây dựng khu xử lý rác. Để thực hiện điều này thật "chắc ăn", khu vực bãi chôn lấp rác được đóng xuống trên 1.800 cọc bấc thấm. Ngoài ra, còn có lớp bấc thấm chiều ngang bãi rác, với tổng chiều dài tính ra đến 180 km! Nước ngầm từ các bấc thấm này sẽ được rút lên và bơm xả ra ngoài. Để gia cường nền đất, dưới bãi rác còn có 2 lớp lưới, để bảo vệ nền đất không bị lún. Ông Dương cho biết, trong nền đất dưới bãi rác còn có 4 chiếc máy quan trắc giúp cán bộ kỹ thuật biết nền đất có lún hay không, nhằm có biện pháp xử lý, tránh xảy ra sự cố núi rác bị sạt lở như đã từng xảy ra ở bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Theo ông Dương, ở khu vực này xung quanh là sông rạch, để rác sạt lở xuống sông là nguy.

Dưới bãi rác còn được phủ 1 lớp lót bằng nhựa HDPE, loại nhựa đặc biệt, do một công ty của Mỹ sản xuất tại Đài Loan cung cấp. Chỉ riêng tiền lót lớp nhựa này đã tốn 7,4 triệu USD. Lót lớp nhựa này phải làm kỹ từng ly từng tí, các mối nối phải được hàn sao cho không có chỗ nào bị xì. Các kỹ thuật viên từ Singapore đã bay sang kiểm tra từng mối nối, bằng cách bơm không khí vào, chỗ nào phát hiện bị xì hơi là vá lại ngay và được kiểm tra lại một lần nữa bằng loại thiết bị chuyên dụng. Ông Dương cho biết: Nếu để sót một chỗ thủng thì nước rỉ từ rác sẽ thấm xuống gây ô nhiễm tầng nước ngầm, phải xử lý rất tốn kém. Trên lớp nhựa HDPE là lớp cát dày 1m, bên dưới có hệ thống những ống thu nước rỉ rác, có lớp đá bảo vệ ống. Như vậy, nước rỉ rác sẽ thấm xuống lớp cát, đi qua lớp đá, chảy vào hệ thống đường ống nằm dọc ngang bãi rác. Máy bơm sẽ bơm nước rỉ rác lên 2 hồ chứa, trước khi được chuyển ra nhà máy xử lý có công suất 1.500m3/ngày.

Trong công nghệ chôn lấp rác, khó xử lý nhất là nước rỉ và mùi rác. Nước rỉ đã có công nghệ xử lý đạt tiêu chuẩn đến mức, theo ông Dương là sẽ được dùng làm nước sinh hoạt cho toàn bộ khu liên hợp. Còn về mùi rác, theo ông Dương, không có bãi rác nào là không bốc mùi. Vấn đề là phải khống chế mùi như thế nào cho không phát tán ra bên ngoài. "Chúng tôi có cách để cho mùi rác chỉ quanh quẩn trong khu vực bãi rác mà thôi" - ông Dương khẳng định.

Rác, không có gì là bỏ!

Đó là khẳng định của David Dương. Tại khu liên hợp xử lý rác Đa Phước sẽ có một nhà máy phân loại rác, công suất 1.000 tấn/ngày để tái chế thành nhiều sản phẩm có ích. Rác hữu cơ được chuyển sang nhà máy sản xuất phân bón compost, công suất dự kiến 100 tấn/ngày, sau đó sẽ tăng lên 1.000 tấn/ngày. Rác vô cơ, nhựa, túi nilon... dùng để sản xuất gỗ mủ, hạt nhựa và giấy. Gỗ mủ tái chế từ rác rất thông dụng ở Mỹ, vì nó chịu được mọi khí hậu, chống mục chống mòn. Người ta dùng gỗ mủ để làm nhà, ghế, ban công ở vùng biển.

Những loại rác không thể tái chế được thì đem ra bãi chôn lấp. Nhưng rác chôn cũng không phải là thứ bỏ đi. Bãi chôn có hệ thống thu hồi khí gas. Thời gian đầu, lượng gas sinh ra còn ít, nên sẽ được đốt bỏ để tránh gây ô nhiễm không khí. Khoảng 2 năm sau, khi lượng gas nhiều lên sẽ được chuyển về một nhà máy để sản xuất ra điện. Điện từ gas được dùng cho khu xử lý và có dư để bán ra ngoài cho ngành điện. Sau 24 năm, khi bãi rác đóng cửa thì nhà máy vẫn tiếp tục khai thác gas. Khoảng 15 năm sau khi đóng cửa, trên bãi rác này sẽ đầu tư xây dựng sân golf. Như vậy, bãi chôn rác không là chỗ bỏ đi như nhiều người vẫn nghĩ.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết: Ngày 1.11.2007, khu xử lý rác Waste Solutions sẽ bắt đầu tiếp nhận rác. Trong 11 ngày đầu tiên, mỗi ngày công ty sẽ tiếp nhận 60 -100 tấn rác. Tuần lễ tiếp theo, khối lượng tiếp nhận lên 200 tấn/ngày và tiếp tục tăng lên 750 tấn ngày trong tuần lễ tiếp theo. Từ 26.11, công ty sẽ tiếp nhận 3.100 tấn/ngày. Toàn TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 6.000 tấn rác. Hiện toàn bộ lượng rác này được chôn lấp ở bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

Ông Lê Thanh Hải đang nghe David Dương (người ngồi) giới thiệu về công nghệ chôn lấp rác - ảnh: M.V

Chiều 28.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Thế Ngọc cùng các vị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM và các sở, ngành đã đến kiểm tra tình hình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (rác) Đa Phước. Ông Lê Thanh Hải phát biểu: "Tôi rất vui vì thành phố đã có thêm một địa điểm xử lý rác mới, trong khi thời gian qua chúng ta luôn thấp thỏm về địa điểm đổ rác. Ý nghĩa quan trọng hơn đối với khu xử lý rác Đa Phước là công nghệ đảm bảo không bị ô nhiễm môi trường cả về nước mặt, nước ngầm và không khí. Tôi cho đây là tín hiệu rất tốt, để có thể nói rằng từ nay trở đi thành phố có thể chủ động được trong vấn đề xử lý rác. Dự án này là điển hình rất tốt trong việc kêu gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa và là dự án đầu tiên đầu tư trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường với quy mô lớn cả trăm triệu USD. Điều này mở ra hướng tốt cho việc mời gọi đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường".

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.