"Phù thủy" Mười Lời và những bông quỳnh nở ngày

09/12/2005 21:58 GMT+7

Trong lễ khai mạc Festival Hoa-Đà Lạt 2005 (diễn ra vào trung tuần tháng 12.2005), TP Đà Lạt đã bầu chọn ra 10 nghệ nhân trồng hoa nhằm tôn vinh ngành nghề trồng hoa và rước họ lên 10 chiếc xe hoa để diễu hành trên đường phố Đà Lạt. Một trong số họ là nghệ nhân rất nổi tiếng: ông Mười Lời - chủ nhân của Thung lũng đào hoa và là người đã "phù phép" khiến loài hoa quỳnh nở được vào... ban ngày !

 Hầu như tất cả cư dân Đà Lạt ai cũng biết nghệ nhân Mười Lời, họ chỉ đường cho chúng tôi đến Thung lũng đào hoa nằm kẹp giữa hai con đường Lê Hồng Phong và Triệu Việt Vương. Phải đi xuống những con dốc dài rồi cúi người, luồn lách giữa những luống hoa đào chi chít cây cành, chúng tôi mới gặp được "con người nổi tiếng" - chủ nhân của thung lũng hoa này: ông Bùi Văn Lời (tên thật của ông Mười Lời) khi ông đang cùng một số công nhân làm các thao tác thủ công chăm sóc vườn hoa. Mũ phớt, chân giày ủng, dáng thấp đậm, nước da rám nắng đen giòn... Năm nay 70 tuổi nhưng lão nghệ nhân vẫn còn tinh anh, nhanh nhẹn lắm. Giọng nói vẫn còn rặt âm Quảng, dù đã có nửa thế kỷ gắn bó với Đà Lạt, vừa dẫn chúng tôi khắp thửa vườn rộng 6.000 m2, ông vừa say sưa giới thiệu với chúng tôi loại cây này, loại cây nọ - và chúng tôi thật sự bị "choáng" trước những "tác phẩm thần kỳ" do bàn tay tài hoa và sự kiên trì lao động của ông tạo ra. Có những cây thật "kỳ lạ": gốc là cây hồng Đà Lạt, khúc giữa là cây hồng trứng (Pháp) nhưng ngọn, cành


Hoa Nhật quỳnh

đang trĩu quả là cây hồng đào Fuju (Úc), ông bảo loại quả này có giá 60.000 đồng/kg (mỗi kg chỉ khoảng 4 quả) nhưng không đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Cách đây gần 10 năm, ông được mời ra Hà Nội "báo cáo điển hình" (nông dân giỏi), ông đã bị cuốn hút trước vẻ đẹp quyến rũ của hoa đào Nhật Tân, xin được 300 mầm hoa về miệt mài nghiên cứu, ghép với gốc hoa anh đào Đà Lạt. Thành công hơn cả mong đợi ! Mùa xuân 1997, lần đầu tiên Đà Lạt có hoa đào giống mới: hồng đào, bích đào và liễu đào. Báo chí hồi đó xưng tụng nghệ nhân Mười Lời là "người bắc nhịp cầu Đà Lạt - Hà Nội bằng nghệ thuật ghép cây hoa đào". Sự đam mê nghiên cứu, nắm vững kỹ thuật chiết ghép các loài thực vật của ông Mười và thổ nhưỡng của "Thung lũng đào hoa" là những điểm rất đáng tin cậy để các nhà khoa học ủy thác cho ông thực hiện bao điều kỳ diệu. Cuộc "hôn phối" giữa đào Nhật Tân và đào Đà Lạt có công sức của tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I - Hà Nội); Cây hồng Fuju, đào Nestarin (Úc), cây sapôchê Mexico, cây bưởi da xanh ruột đỏ, cây bơ Hass (Úc), quýt, cam, chanh, khế ngọt không hạt của Thái Lan là do tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - Bộ Nông nghiệp) đem từ nước ngoài về... Cây hạnh nhân, cây cam, quýt không hạt có công của ông Phan Hữu Giản (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt)...


Hoa Quân tử lan

Nghệ nhân Mười Lời còn "làm xiếc" trên rất nhiều loại cây khác: đào Thất thốn (Mỹ), nhất chi mai, sakura (Nhật), mận Tam Hoa (Sơn La), mơ chùa Hương ghép trên gốc đào Đà Lạt, cây chanh ngọt của Úc ghép trên cây bưởi, cây hồng ăn quả ghép 3 chân, cây bưởi cho ra trái có kích thước, hương vị riêng của 5 miền đất nước (Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Biên Hòa, miền Tây)... Riêng về hoa, ngoài vườn đào hơn 1.000 gốc, ông còn có những khu vườn ươm hồng môn, địa lan... Ông đặc biệt khoe với chúng tôi loài Quân tử lan có gốc từ Trung Quốc, loại lan này không bao giờ ra hoa vào dịp tết nhưng ông nói "chắc... như đinh đóng cột" rằng sẽ "bắt" nó nở hoa và đem dự Hội hoa xuân Bính Tuất 2006. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng vừa đưa tin "sốt dẻo": nghệ nhân Mười Lời vừa ghép tạo thành công giống Nhật quỳnh (từ trước đến nay quỳnh chỉ nở ban đêm, nay thì đã có giống quỳnh nở ban ngày (nhật), chữ "Nhật" còn do nguồn gốc loài hoa quỳnh đến từ nước Nhật - ông giải thích). Nhật quỳnh của ông Mười được ghép trên cây thanh long của tỉnh Bình Thuận và phải mất 5 năm mới ra hoa ở những nách lá, có tới 5 màu riêng biệt: vàng, đỏ, hồng, trắng, tím... Ông khoe: Tết này ông được một thành phố phía Bắc đặt hàng một con rồng dài 50 mét bằng hoa Nhật quỳnh vàng. Ý tưởng ông đang ấp ủ là sẽ "sáng tác" cây hoa đào ghép bởi các loài đào từ 5 quốc gia: Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Có một điều "dở cười, dở mếu" là trong khi được UBND thành phố Đà Lạt tôn vinh ở Festival hoa thì nghệ nhân Mười Lời cũng đang như "ngồi trên lửa" khi "Thung lũng đào hoa" sắp bị di dời theo quyết định ngày 8.7.2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng, dẫu có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học là nên giữ lại cái "vương quốc của kỳ hoa, dị thảo" này.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.