Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chống lệnh Chính phủ

25/12/2007 22:43 GMT+7

Đến hôm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn kiên quyết thực hiện lệnh cấm đưa khoáng sản ra khỏi tỉnh này, bất chấp ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương rà soát và bãi bỏ chủ trương cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương.

Cho vào rồi "cấm"!

Theo quy trình khai thác hiện tại, Nhà máy gang thép Thái Nguyên cho bóc lớp đất trên mặt (hàm lượng quặng sắt thấp) để đào xuống sâu, lấy lớp quặng có hàm lượng cao. Đất trên mặt được chở đi đổ kín các khu vực xung quanh, thậm chí có nơi còn đổ sát chân trường học, đổ vào ruộng nhà dân (từng có hộ dân khiếu kiện về tình trạng này).

Nhận thấy hàng vạn m3 đất đá có lẫn từ 20-40% quặng sắt đang ngày đêm bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường, một số công ty trong và ngoài tỉnh đã làm hợp đồng mua đất thải của Công ty mỏ sắt Trại Cau (thuộc Công ty gang thép Thái Nguyên) về sàng, tuyển để tận thu, bán quặng cho các nhà máy nấu luyện. Đã có khoảng 10 công ty vào đầu tư dây chuyền, máy móc để sàng tuyển, tận thu quặng sắt.

Tuy nhiên, khi một số công ty đã ký hợp đồng với nhà máy gang thép, thậm chí đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý về chủ trương, và đã bỏ hàng chục tỉ đồng mua máy móc, công nghệ để sàng, tuyển thì ngày 25.7.2006, UBND tỉnh Thái Nguyên ra văn bản số 859 về việc tạm dừng vận chuyển, tiêu thụ quặng sắt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công văn này cũng không nêu rõ thời hạn tạm dừng, tất cả các doanh nghiệp đã đưa máy móc vào làm quặng tận thu đều phải án binh bất động chờ ngày... phá sản. Hơn 1 năm trời, lệnh "tạm cấm" của tỉnh vẫn chưa được dỡ bỏ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn cùng.


Các thiết bị gỉ sét vì lệnh cấm của tỉnh Thái Nguyên - ảnh: K.T.L
Giống như hơn chục công ty tận thu khoáng sản tại Thái Nguyên, ông Ninh Bách Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Thành Lộc (TP Thái Nguyên) giờ lâm vào cảnh bi đát với khoản nợ hàng tỉ đồng. Cách đây 2 năm, ông bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp taxi để đầu tư vào làm mỏ. Hợp đồng đã được ký kết với mỏ sắt Trại Cau (với sự chấp thuận của Công ty gang thép Thái Nguyên), theo đó, công ty của ông Lộc sẽ được mua đất thải (tầng đất mặt của mỏ quặng) để sàng, tuyển tận thu quặng. Ông Ninh Bách Lộc than thở: "Chúng tôi vừa bán hết tài sản, đầu tư 5 tỉ đồng vào làm xưởng tận thu khoáng sản được 25 ngày thì tỉnh ra lệnh cấm. Cả đống đất vừa mua về, chưa bán được đồng nào nằm đó suốt hơn một năm nay. Giờ tôi phải đi san nền thuê để lấy tiền trả lãi ngân hàng".

Tại sao tỉnh Thái Nguyên lại "đánh úp" nhà đầu tư như vậy? Lý do được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đưa ra là: Nhà máy gang thép đang và sẽ thiếu nguyên liệu khi nâng công suất; tình hình khai thác khoáng sản lậu chở ra ngoài tỉnh quá phức tạp nên phải cấm để siết chặt quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.  

Hiệu quả ở đâu?

"Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và bãi bỏ chủ trương cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương (nếu có) trái với quy định của luật pháp hiện hành". (Trích điểm 4, công văn số 6816 ngày 23.11.2007 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải).

Thực tế, suốt hơn 1 năm qua, dù đã siết chặt quản lý nhưng tình trạng khai thác khoáng sản lậu vẫn chưa hề chấm dứt. Chúng tôi đã vào tận mỏ sắt Trại Cau - mỏ sắt thuộc loại lớn nhất đang được khai thác tại Thái Nguyên - và ghi nhận hiệu quả ngược lại của các biện pháp "siết chặt quản lý". Chúng tôi đi cả ô tô lên trung tâm mỏ mà không ai hỏi giấy tờ. Trước mắt chúng tôi là hàng trăm người cặm cụi đào bới, nhặt quặng sắt tại các triền đồi. Một người nhặt quặng cho biết: "Chúng tôi nhặt về bán cho các đầu nậu, được 450 đồng/kg, ngày nào khá thì được 2 tạ, ít thì được 1 tạ". Lượng quặng thu mua từ những người dân nhặt quặng ước đạt hàng chục tấn mỗi ngày. Nếu tỉnh đã cấm triệt để thì lượng quặng trên đi đâu? Chính ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Dương Văn Khanh cũng phải thừa nhận, tình hình quặng lậu tuồn ra ngoài tỉnh vẫn còn tồn tại.

Trong thời hội nhập, các tỉnh thành đua nhau kêu gọi đầu tư thì Thái Nguyên vẫn giữ cách làm theo kiểu mời vào để "úp sọt", ít nhất là trong lĩnh vực khai thác tận thu khoáng sản. Hệ quả là những núi đất thải của mỏ sắt Trại Cau vẫn ngày một lớn lên, khi mưa xuống gây xói lở, ô nhiễm nguồn nước; tình trạng đào trộm phế thải vẫn tiếp diễn hằng ngày. Hàng trăm tấn quặng và nguyên liệu quặng của những công ty đặt xưởng tận thu chưa bán được, trong khi các nhà máy luyện gang tại Bắc Kạn và một số địa phương khác đang đói nguyên liệu trầm trọng.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.