Văn hóa với thiếu nhi

22/11/2008 23:51 GMT+7

Tôi thật sự cảm kích Ban quản lý công viên Tao Đàn (TP.HCM) và quỹ Unilever mỗi khi đi ngang qua công viên này, thấy một sân chơi nho nhỏ lúc nào cũng đông kín trẻ em.

Cái sân chỉ chiếm khoảng vài trăm m2, được đổ đầy cát và có chừng trên 10 tổ hợp trò chơi. Cũng cầu tuột, đu quay, xích đu, bập bênh… nhưng cách bố trí, cách thiết kế cũng như nơi bố trí sân chơi (nằm bên dưới những tán cây cao lúc nào cũng được che nắng) toát lên tấm lòng quý mến, nâng niu dành cho các em bé. Chính vì vậy mà sân chơi bé nhỏ này lúc nào cũng thu hút đông đảo các em. Từ sáng, trưa đến chiều tối lúc nào tôi đi ngang qua cũng thấy trên vài chục em bé chen chúc hoặc xếp hàng chờ bên các trò chơi. Con gái nhỏ của tôi ít trèo nhảy, nghịch ngợm nhưng hầu như tuần nào cũng đòi đưa đến đây chơi ít nhất một lần.

Tôi cũng đã từng đưa con tôi đến chơi tại sân chơi của nhà văn hóa thiếu nhi TP.HCM. Ở đây cũng có các trò chơi như ở sân chơi công viên Tao đàn, lại không phải chen lấn chờ đợi nhưng con tôi chỉ đến một lần và không bao giờ đòi đến nữa. Và không phải chỉ con tôi. Sân chơi ở đây hầu như lúc nào cũng vắng bóng trẻ con. Mà trớ trêu, nhà văn hóa thiếu nhi lại là nơi để cho trẻ con đến vui chơi.

TP.HCM đã không tiếc khi bỏ ra một khu công thự đẹp trong một khuôn viên đất rộng lớn chiếm nguyên cả một block nằm giữa bốn con đường đẹp nhất nhì thành phố là Nam Kỳ khởi Nghĩa, Tú Xương, Lê Quý Đôn và Võ Thị Sáu để làm nhà văn hóa thiếu nhi.

Thế nhưng nhà văn hóa thiếu nhi chỉ dành một miếng đất bé tẹo làm sân chơi cho trẻ con. Miếng đất ấy lại nằm sát đường xe chạy đầy bụi bặm và phơi dưới nắng suốt cả ngày vì không hề có một bóng cây nào che mát. Những thiết bị trò chơi trong đó thì sơ sài và làm cho lấy có. Thậm chí có cái, lúc nào đó hư hỏng khá lâu không thấy ai quan tâm sửa chữa.

Thế thì trong cái nhà văn hóa thiếu nhi to lớn ấy có cái gì? Xin thưa đó là nơi gửi xe gắn máy và các lớp học. Rất nhiều lớp học. Hầu như các em sau khi rời lớp học ở nhà trường là đến nhà văn hóa thiếu nhi để… học.

Không ai phản đối chuyện kinh doanh thêm của nhà văn hóa thiếu nhi nhưng chức năng chính của nhà văn hóa thiếu nhi là nơi để các em đến vui chơi và sinh hoạt văn hóa. Chức năng sinh hoạt văn hóa ở đây chưa biết như thế nào chứ chức năng vui chơi thể hiện qua cái sân chơi bé tẹo và hoang vắng đó thì e rằng nhà văn hóa thiếu nhi cần nên xem xét lại.

Một sân chơi cho thiếu nhi đàng hoàng và đúng nghĩa như sân chơi ở công viên Tao Đàn mà cả TP.HCM với trên 5 triệu dân dường như chỉ có một cái mà lại do đơn vị nước ngoài tài trợ làm ra thì quả là không hiểu nổi. Liệu chúng ta đã ứng xử có văn hóa với các cháu thiếu nhi hay chưa?

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.