Hàng trăm người dân Đà Nẵng phải di tản vì sạt lở

26/11/2005 10:56 GMT+7

Ông Trương Văn Chi, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã gửi công văn đến UBND TP Đà Nẵng, cho rằng việc khai thác cát tại khu vực cửa sông Cu Đê gây sạt lở, đe dọa nhà cửa của nhân dân sống dọc bờ biển Nam Ô. Hàng trăm người dân đã phải di tản vì sạt lở trước đó.

Rạng sáng 20/11, hàng trăm người dân sống quanh khu vực cửa sông Cu Đê - biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã phải di tản người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.

Trong đêm ấy, tại trại tôm giống của ông Nguyễn Dũng, toàn bộ phần đầu ngôi nhà bị sóng đánh sập sát chân móng, gây đổ cả một mảng tường lớn. Những ngôi nhà nằm ven cửa sông này cũng trong tình trạng bị sóng “liếm” sát chân tường trong suốt gần một tuần. Hơn 200 cây dương liễu gần 30 tuổi đã bị triều cường làm trốc gốc.

Dọc theo cửa sông từ chân cầu đường sắt Nam Ô về hướng đông gần 1km, bờ biển đã bị xói lở một cách nghiêm trọng. Lượng đất, cát bị xâm thực vào đất liền ước chừng 30 m, điểm sâu nhất có nơi hơn 3m. Tình trạng này khiến hơn 40 ngôi nhà của các hộ dân sống tại tổ 29 nằm trong nguy cơ bị xóa sổ.

Sáng 20/11, chính quyền sở tại đã huy động trên 1.000 lượt người đóng 1.100 cọc tre và lồng 12.000 bao đất, 500 rọ sắt để chống sạt lở. Thế nhưng vẫn không ngăn được sự đe dọa của sóng và triều cường.

Sống ở đây suốt 25 năm, ông Phan Thanh Phú cho biết: “Trước đây, từ mép nước đến nhà dân là bãi biển sâu vào khoảng 100m cộng với một rừng dương lớn nên vào mùa mưa bão rất an toàn. Thế nhưng kể từ khi những chiếc tàu, xà lan đến hút cát tại đây đã gây nên độ hổng lớn giữa lòng sông. Điều này đã khiến cửa sông bị mất “chân” dẫn đến xâm thực vào đất liền khi có triều cường”. Ông Phú nói, mỗi ngày có không dưới 12 tàu, xà lan hút cát ở giữa dòng.

Tuy nhiên, một cán bộ của Phòng quản lý tài nguyên, Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng, cho rằng, nếu nói vì hút cát dẫn đến sạt lở như trên là chưa đúng. Bởi trước khi cấp giấy phép chúng tôi đã thông qua Sở Thủy sản nông lâm và quận Liên Chiểu. Vị cán bộ này còn nói: “Nếu không hút cát thì triều cường vẫn có thể gây xâm thực như thường”. 

(Theo Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.