Duyên Dáng Việt Nam 19 sẽ rất mới lạ

27/12/2007 23:46 GMT+7

Sáng 27.12, Báo Thanh Niên đã tổ chức họp báo về chương trình Duyên Dáng Việt Nam (DDVN) 19 - chủ đề Phố, sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) vào lúc 20 giờ từ ngày 3 đến 6.1.2008.

Hơn 40 phóng viên đại diện các báo, đài trung ương và  TP.HCM đã tới dự. Mở đầu buổi họp báo, anh Nguyễn Quang Thông (Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên) cho biết: "DDVN lại tái ngộ khán giả TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Chuẩn bị cho DDVN 19 chúng tôi rất tự tin vì vừa tổ chức DDVN 18 rất thành công tại Singapore, được khán giả và Chính phủ Singapore đánh giá cao đồng thời tạo được hiệu quả về quan hệ quốc tế, về quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài. DDVN 19 chắc chắn cũng sẽ để lại dấu ấn, không chỉ bởi một sân khấu được dàn dựng hoành tráng, mới lạ mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống và hiện đại".  

Đại diện Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, bà Nguyễn Thế Thanh (Phó giám đốc Sở) phát biểu: "Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã coi DDVN là một chương trình mang tính hiệu quả nhất qua 3 góc độ: Thứ nhất là ý nghĩa xã hội với Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình được thực hiện từ doanh thu của các chương trình DDVN. 15 năm qua, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã hỗ trợ một cách tích cực cho rất nhiều sinh viên - học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thứ hai là chất lượng nghệ thuật: DDVN luôn là một "thương hiệu" chất lượng cao về mặt nghệ thuật. Ở đó quy tụ hầu hết các ngôi sao trong nhiều lĩnh vực: ca nhạc, thời trang, đạo diễn... Nội dung chương trình cũng như cách thiết kế, dàn dựng đều đạt đẳng cấp cao. Thứ ba là việc huy động nguồn lực xã hội, không dùng ngân sách Nhà nước. Báo Thanh Niên đã hết sức thành công trong mô hình xã hội hóa các chương trình nghệ thuật cho dù  khi mới ra đời nhiều người còn dè dặt, không biết DDVN sẽ "sống" được bao lâu. Thế nhưng, đến nay DDVN đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật đầy uy tín không chỉ với khán giả trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế bởi không ngôn ngữ nào tạo được sự đồng cảm, thuyết phục bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Báo Thanh Niên cũng đã hiện thực hóa việc gắn kết dân tộc Việt Nam qua việc có các ca sĩ, nhạc sĩ trong nước lẫn ca, nhạc sĩ người Việt ở hải ngoại diễn chung trong các chương trình DDVN".

Giá vé gồm 5 loại:

  *Loại 1: 750.000đ/vé (tầng trệt)

  *Loại 2: 400.000đ/vé (tầng trệt)

  *Loại 3: 250.000đ/vé (tầng trệt và lầu)

  *Loại 4: 150.000đ/vé (lầu)

   *Loại 5: 100.000đ/vé (lầu)

Vé được bán tại Báo Thanh Niên (248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) và Nhà hát Hòa Bình (14-16 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM).

Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền sau khi giới thiệu ê-kíp thực hiện đã bộc lộ ý tưởng xây dựng chủ đề, bắt nguồn từ những điều anh bắt gặp trong cuộc sống. Theo Huỳnh Phúc Điền, những chương trình khác chỉ cần một vài điểm nhấn nhưng ở DDVN 19 thì có rất nhiều (theo từng phần). Ở Phố xưa là những khắc khoải của một người trẻ nhớ về một miền quê với các chú tễu, mục đồng qua các ca khúc của Lê Minh Sơn (Làng tôi nghèo lắm, Ôi! Quê tôi). Hoặc nói đến "phố" thì rất nhiều người nghĩ đến Phố Phái trong hội họa. Phố xưa thanh bình, tươi đẹp nhưng cũng đã có một thời gian dài bị đổ vỡ... Đó là giai đoạn của Phố chiến tranh. Một nhóm kỹ thuật 3D của Hà Nội sẽ kết hợp với nhóm 3D ở TP.HCM tái tạo cảnh phố trong bối cảnh chiến tranh. Phố tâm linh là những hoài niệm, một chút gì đó sau chiến tranh... Và sau những đổ nát của chiến tranh là một Phố nay với những nét trẻ trung của ca sĩ, của các căn nhà cao tầng hiện ra rực rỡ (Phố xa, thời trang). Tuy nhiên, điểm nhấn của phần này lại nằm ở ca khúc Sau bão (nhạc Lê Minh Sơn, Thanh Lam thể hiện) với những ánh mắt buồn của các em bé bất hạnh cần sẻ chia. Phần cuối Phố hội nhập là sự hòa nhập của phố Việt vào tần số chung của thế giới với sự xuất hiện của xe kéo, xe đạp rồi xe hơi...

Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết khi anh nhận lời tham gia DDVN thì đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đã làm xong rất nhiều việc nên anh chỉ sẽ cùng với ê-kíp thực hiện ý tưởng đó trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình một cách thật cụ thể. Riêng nhạc sĩ Lê Quang thì rất tâm đắc với các phần Phố chiến tranh và Phố tâm linh bởi anh đã đề xuất và được Huỳnh Phúc Điền đồng ý đưa một số Ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn trong 2 phần trên. Có khá nhiều ca khúc nước ngoài được sử dụng trong DDVN 19, trong đó ca khúc cuối cùng - Image (của John Lennon) là lời nguyện cầu cho hòa bình toàn thế giới.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đặt nhiều câu hỏi về chương trình DDVN 19 cũng như Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình:

* Nhà báo Xuân Thái (Báo Sài Gòn giải phóng): Theo tôi được biết số tiền của Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình có được hơn 15 tỉ, khoảng 1 triệu USD, trong khi đó chúng ta chi hơn 9 tỉ cho 6.501 suất học bổng, không biết là chúng ta đã sử dụng phần tài chính còn lại cho các chương trình học bổng gì khác không?

- Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế: Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã được thành lập trước khi có chương trình DDVN. Quỹ có tài chính từ nhiều nguồn, các chương trình DDVN đóng góp một phần vào đó. Hoạt động của Quỹ rất đa dạng, ngoài việc trao các suất học bổng cố định, chúng tôi còn hỗ trợ tài chính cho các thủ khoa, các sinh viên giỏi, tài trợ một số nhân tài đi nước ngoài học tập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều trường học tại các vùng bão lụt, thiên tai, nghèo khó. Chúng tôi đã tổ chức và quản lý Quỹ một cách rất hiệu quả. Tôi xin khẳng định là chắc chắn không có một xu nào trong Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình bị dùng sai mục đích. Thậm chí, khi chở vật liệu xây dựng đi xây các trường học, chi phí xăng nhớt chúng tôi cũng dùng tiền của Báo Thanh Niên để lo, ăn một bữa cơm chúng tôi cũng tự bỏ tiền túi.

* Nhà báo Vũ Duy Giang (Chủ nhiệm CLB Phóng viên văn hóa - nghệ thuật Hội Nhà báo TP.HCM): Lần đầu tiên tôi nghe nói đến việc xử lý sân khấu bằng kỹ thuật 3D, xin ê-kíp giải thích rõ hơn về vấn đề này?

- Anh Đinh Nguyễn Ngọc Bảo - Giám đốc kỹ thuật của chương trình: 3D có hai mảng, một là chế tác, hai là thể hiện trên sân khấu. Có thể hình dung một cách đơn giản là từ trước đến nay, ca sĩ diễn với video thì video ở phía sau, làm nền minh họa sau lưng ca sĩ nhưng với kỹ thuật 3D thì diễn viên đứng trong không gian hình ảnh của video. Cụ thể như trong phần Phố chiến tranh, ban nhạc đứng trước một ngôi nhà đổ nát, phía trước ban nhạc là đám lửa. Khán giả sẽ có cảm giác như là ban nhạc đang chìm trong  lửa. Dĩ nhiên là ban nhạc sẽ không bị... cháy thật. Đó chỉ là những hình ảnh ước lệ để thể hiện những ý tưởng một cách thật hiệu quả về mặt thị giác, giúp khán giả có thể sống trong không gian như thật của ca khúc mà chương trình tạo ra.

* Nhà báo Phạm Thị Thu Thủy (Thông tấn xã Việt Nam): DDVN luôn là bệ phóng cho ca sĩ trẻ, tôi thấy lực lượng ca sĩ năm nay đều là những người quen biết, chỉ có Trà My mới, vì sao ê-kip thực hiện lại chọn Trà My để giới thiệu? Đó có phải là nhân tố mới mà các anh quan tâm trong nền ca nhạc Việt Nam năm 2007 không?  

- Nhạc sĩ Lê Quang: Một năm ở Việt Nam có nhiều cuộc thi âm nhạc, DDVN muốn ủng hộ cho các nhân tố mới trong đời sống âm nhạc, chúng tôi đã sàng lọc và xin ý kiến ban tổ chức đồng thời, sau khi tính bài vở thì thấy Trà My phù hợp với ca khúc Phố xa nên BTC và chúng tôi đã thống nhất mời Trà My. 

H.Đ.N - H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.