Ông Saddam Hussein đối mặt với nhiều án tử hình

20/10/2005 00:19 GMT+7

Cựu tổng Thống Iraq Saddam Hussein bước tới micro khi được yêu cầu. Nhưng ông không chịu nói tên tuổi mà hỏi vặn lại thẩm phán: "Các ông là ai ? Phiên tòa này muốn gì ?". Phiên tòa xét xử ông Hussein về cáo giác thảm sát 143 người Iraq hồi năm 1982 đã bắt đầu như thế. Nó diễn ra tại ngay tại trụ sở trước đây của đảng Baath (do ông Hussein lãnh đạo). Khi chánh án R. Amin gọi ông Hussein là cựu Tổng thống, ông cắt lời: "Tôi đã nói rằng tôi là tổng thống của nước Cộng hòa Iraq. Tôi không nói rằng mình đã bị truất phế

 

Cựu tổng thống Hussein, 68 tuổi, trông già yếu hơn nhiều so với trước đây, đã ra trước tòa trong bộ com lê màu sậm, tay cầm cuốn kinh Koran. Trước giờ giải lao, 2 cận vệ định bước tới túm lấy tay ông dẫn đi, ông đã đẩy mạnh 2 người này và la lớn cho đến khi ông được đi ra khỏi phòng xử không bị kèm cặp. 2 cận vệ đi theo sau ông.
Hôm qua là ngày mà mọi sự chú ý của dư luận quốc tế đều chĩa về Iraq. Gần 2 năm sau khi rơi vào tay lính Mỹ, cuối cùng cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã phải ra trước tòa để đối mặt với tội danh “tội ác chống nhân loại”. Nhìn ở một góc độ khác, đây cũng là một phiên "xét xử" đối với Iraq, trong đó cộng đồng quốc tế sẽ có dịp "phán quyết" xem liệu nhà cầm quyền hiện nay, vốn chỉ toàn những người đối địch với ông Hussein và đang chịu sự ảnh hưởng sâu rộng từ Mỹ, có vượt được lên trên những tư thù, định kiến và ảnh hưởng chính trị để có được một phiên tòa công bằng hay không. Trước khi phiên tòa bắt đầu, hàng loạt tổ chức nhân quyền đã chỉ trích rằng việc nó được thành lập dưới thời Mỹ chiếm đóng và việc Mỹ cung cấp hậu cần cũng như tài chính cho phiên tòa sẽ khiến người ta phải đặt dấu hỏi về tính vô tư của nó. Nhiều người không ngần ngại gọi đây là thứ công lý của kẻ chiến thắng.

 

Quay trở lại phiên xử hôm qua, bản thân ông Hussein đã tố cáo phiên tòa là bất hợp pháp và không nhận tội thảm sát. Theo như cáo trạng, ông Hussein đã ra lệnh thảm sát 143 người và bỏ tù hàng loạt người khác mà không qua quy trình pháp lý sau vụ ông bị ám sát bất thành tại thị trấn Dujail năm 1982. Cùng bị xét xử còn có 7 cựu quan chức khác bị cho là dính tới vụ này. Nếu bị kết tội, ông Hussein sẽ phải lãnh án tử hình bằng hình thức treo cổ. Án phạt có thể được thi hành trong vòng 30 ngày nhưng ông Hussein có quyền kháng án.  Dù có được tuyên bố vô tội lần này đi chăng nữa, ông Hussein sẽ phải đối mặt với nhiều án tử hình khác trong tương lai vì các cáo giác thảm sát 180.000 người Kurd vào cuối thập niên 80, dùng hơi ngạt giết chết 5.000 người Kurd khác năm 1988, đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của người Kurk và Shiite năm 1991... Phiên tòa sẽ  được tiếp tục vào ngày 28.11 tới. (CNN, BBC, AP)

 

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.