Cao xương ngựa bị "thổi phồng"

22/10/2007 20:01 GMT+7

Thời gian gần đây, sản phẩm cao xương ngựa được bán rất nhiều trên thị trường. Cao xương ngựa được quảng cáo trị đủ thứ bệnh. Thực tế thì thế nào?

Ngựa từ đâu đến?

Chị Nguyễn Thị Lương (ngụ ở tỉnh Hà Tây) cho chúng tôi biết: "Gia đình tôi làm nghề nấu cao từ nhiều năm nay. Gần đây, có rất nhiều người tìm mua cao ngựa, một cơ sở ở tận phía Nam cũng đặt mua cao xương ngựa và xương ngựa của chúng tôi".

Chị Lương cùng chồng là anh Nguyễn Duy Chiến thường đi tìm mua ngựa tại một số địa phương miền núi phía Bắc. Việc tìm mua nguyên liệu này cũng lắm công phu, phải đi đến từng bản làng, xem chọn được con ngựa ưng ý, mời kiểm dịch đến kiểm tra. Sau đó mới đưa ngựa về xuôi. Có ba loại ngựa: ngựa bạch kim (còn gọi là ngựa kim) - là giống ngựa có da, lông toàn một màu trắng, mũi trắng hồng, chân móng trắng, mắt hồng, lông đuôi cũng tuyền màu trắng. Ngựa bạch kim là giống quý nhất, rất hiếm và khó mua được. Thứ đến là bạch lai cơ bản trắng, nhưng trên thân có đốm màu khác.  Xếp hạng ba là giống ngựa có màu vàng nâu, nâu...

Chị Lương cho biết thêm: cao xương ngựa bạch kim (cao ngựa kim) là có giá trị nhất, đắt nhất. Tiếp đến là cao xương ngựa bạch lai (ngựa bạch), rồi mới đến cao xương ngựa màu. Giá bán của các loại này cũng khác nhau, từ 1,5-2,5 triệu đồng/lạng, tùy loại. Một bộå xương ngựa kim có giá trung bình 15-17 triệu đồng. Nếu là ngựa bạch kim lớn, già thì giá lên đến 20 triệåu đồng. Xương ngựa màu giá thấp nhất - khoảng 7 triệu đồng/bộ. Còn ngựa bạch lai một bộ khoảng 10 triệu đồng. Thông thường, 10 kg xương sẽ cho 1 kg cao. Một bộ xương ngựa nặng khoảng 25-30 kg. 

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế: "Thời gian qua, cao xương ngựa được quảng cáo quá mức cho phép, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm có khả năng trị bệnh. Nếu công dụng như vậy, nhà sản xuất cần phải chứng minh trên cơ sở khoa học, thử nghiệm lâm sàng với sự giám sát của Hội đồng khoa học chứ không thể lấy khách hàng ra để khẳng định công dụng sản phẩm. Chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm đối với những chuyên gia có bài viết thổi phồng về công dụng của sản phẩm cao xương ngựa, những chuyên gia này cũng sẽ phải chứng minh nội dung bài viết bằng những bằng chứng khoa học".

Để nấu được cao, ngựa sau giết mổ, bỏ da, thịt, tủy xương, chỉ lấy nguyên xương. Xương được luộc chín, phơi khô rồi mới cho vào nồi nấu. Xương đã qua sơ chế đạt yêu cầu được ninh trong 7 ngày đêm để trở thành cao ngựa có màu đen nâu sẫm.

Quảng cáo quá chức năng

Đến thời điểm này, giá trị thực của cao xương ngựa đến đâu cũng mới chỉ trên cơ sở truyền miệng. Một số gia đình thường sử dụng theo cách gia truyền, chọn bộ xương ưng ý để nấu cao. Phụ nữ, người già ốm yếu cắt một miếng nhỏ hấp với mật ong để dùng. Tuy nhiên, việc xác định loại cao thì chỉ người nấu mới biết, vì khi đã thành cao, không phân biệt được đâu là cao xương ngựa kim, bạch hay ngựa màu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra mộåt cơ sở tại TP.HCM chuyên bán cao xương ngựa các loại như: cao xương ngựa kim, ngựa bạch, ngựa màu. Cơ sở này khi bán chỉ ghi là xương ngựa, chứ không ghi rõ loại xương tương ứng với loại cao thành phẩm. Sản phẩm cao xương ngựa được công ty này quảng cáo không đúng với nội dung đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thẩm định, nhãn mác cũng không ghi thành phần"

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nói: "Gần đây một số cơ sở quảng cáo cao xương ngựa có khả năng chữa trị được nhiều loại bệnh như: xương khớp, thoái hóa cột sống... là chưa đủ căn cứ khoa học. Đặc biệt, sản phẩm này còn được giới thiệu tốt cho mọi lứa tuổi già trẻ, nam nữ, người lớn trẻ con lại càng không đúng".

Bà Trần Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể khẳng định thành phần cũng như giá trị dinh dưỡng của cao xương ngựa; chưa khẳng định chính xác hữu ích, bổ lợi cho sức khỏe như thế nào".

N.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.