Phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư da

14/11/2005 22:03 GMT+7

* Lạm dụng "tắm trắng", "lột da" có thể gây bệnh về da Tại Việt Nam, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất với tỷ lệ trung bình 2,9-4,5 ca/100.000 dân. Nguy cơ mắc bệnh có ở tất cả những người mà da của họ không thường xuyên được bảo vệ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các nguồn hóa chất và cũng có thể do làm đẹp không an toàn.

TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E, người có nhiều công trình nghiên cứu về ung thư cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư da: tiếp  xúc với các sản phẩm nhựa, than đá, thạch tín, phải làm việc nhiều ngoài trời, các vết sẹo bỏng cũ lâu ngày do vôi, xăng, acid, vết loét hay ổ viêm nhiễm lâu ngày. Đặc biệt, da chịu nhiều tác động của ánh nắng mặt trời bởi tia cực tím cũng có thể dẫn đến ung thư. Tia cực tím xuyên qua da làm tổn thương các tế bào sống, làm gãy gien trong tế bào da. Với những người da yếu hoặc bề mặt da chịu tác động lâu dài, những vết gãy sẽ không thể sửa chữa được". 


TS Đoàn Hữu Nghị
(ảnh: CTV)

TS Đoàn Hữu Nghị cũng lưu ý: một số thói quen làm đẹp không an toàn cũng có thể dẫn đến các bệnh về da. Tắm nắng để có làn da bánh mật là một thói quen rất cần được hạn chế và chỉ vào thời điểm thích hợp. Chỉ nên tắm nắng vào lúc sớm, khi nắng chưa gay gắt. Đặc biệt hạn chế  tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian  từ 10-16 giờ. Ngoài ra, việc tắm trắng, lột da không an toàn cũng có thể gây hại cho da. Da bao gồm các lớp tế bào đáy, gai, sừng. Lột da làm trắng chính là loại bỏ lớp tế bào sừng, làm lộ lớp tế bào dưới - nơi chứa ít các hắc tố khiến da có vẻ trắng, mỏng và mịn. Thực chất, việc này đã khiến cho các tế bào non phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường, ánh nắng mà không được bảo vệ. Do vậy, lạm dụng lột da trắng dễ dẫn đến các bệnh về da.

Dự phòng và điều trị 

Theo TS Đoàn  Hữu Nghị: "Ung thư da thường biểu hiện ở những vùng da hở, trắng hơn trên thân thể, hiếm gặp hơn ở vùng kín có màu da sẫm. Bệnh có thể được điều trị khỏi


Ung thư da
hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách".  Biểu hiện ung thư da vùng đầu cổ có thể là những khối u ở mi mắt, tai, mũi, gò má. Việc  phẫu thuật cắt bỏ rộng tổn thương là phương pháp được lựa chọn thông thường nhất. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kèm xạ trị hỗ trợ. Các chuyên gia cũng lưu ý: ung thư da ở thân và chi có tỷ lệ thấp hơn nhưng thường phát hiện muộn nên mức độ phẫu thuật cắt bỏ thường rộng hơn vùng đầu - cổ. Với trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ chi.

Các biểu hiện sớm của ung thư da được phát hiện bởi những vết loét dai dẳng lâu lành; hiện tượng chảy máu, chảy nước vàng hay nổi cục nhỏ tại những vùng sẹo cũ; sự xuất hiện vết đốm đỏ nhạt có xước, trợt nhẹ trên bề mặt da. Những nốt ruồi đang chuyển màu, to nhanh, bề mặt không còn nhẵn đều, là những dấu hiệu đặc biệt nghi ngờ của ung thư da.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.