Dạy và học kiểu hình thức

07/11/2010 22:10 GMT+7

Thiếu giáo viên chuyên trách nên việc dạy và học môn Thủ công - kỹ thuật bậc tiểu học không hiệu quả.

Con học, ông hàng xóm giúp

Theo nhận xét của đa số hiệu trưởng các trường tiểu học (TH), chương trình sách giáo khoa hiện nay được xây dựng chung cho các vùng miền nên có một số nội dung chưa phù hợp. Chẳng hạn như thêu không thu hút được học sinh (HS) nam, HS ở thành phố, thị trấn. Nơi không có đất đai, vườn… trường khó thực hiện nội dung trồng rau, hoa. Hay nội dung nuôi gà phù hợp với HS nông thôn, miền núi nhưng chưa phù hợp với HS vùng thành phố, thị xã… 

Ông Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng trường TH Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) cho rằng: “Môn học vẫn mang tính hình thức, nặng về lý thuyết mà ít tính thực hành. Trong quá trình thực hiện, nhà trường thấy nội dung nào không tiếp cận thực tế được thì chỉ giới thiệu với HS qua bài giảng hoặc thực hiện trong quy mô nhỏ”.

 
GV chủ nhiệm hướng dẫn HS lớp 2 trường TH Phan Văn Trị (Q.1) trong giờ học môn Thủ công - Ảnh: B.Thanh

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu giáo viên (GV) đánh giá kết quả học tập môn học này của HS bằng nhận xét, tuyệt đối không giao bài tập về nhà, nhưng thực tế lại rất khác. Một phụ huynh HS trường TH Huỳnh Kiến Hoa (Q.5) cho biết: “Tôi làm nghề buôn bán, nói thật trình độ văn hóa mới hết lớp 4 nên khi cháu mang bài tập về nhà nói cô giáo yêu cầu gấp con ếch, con chim… Nhìn vào hướng dẫn trong sách giáo khoa, tôi chịu chết. Từ trước đến giờ, mấy bài tập thủ công của cháu tôi đều nhờ ông hàng xóm lớn tuổi làm giúp”.

Môn học vẫn mang tính hình thức, nặng về lý thuyết mà ít tính thực hành
Ông Lý Văn Huệ (Hiệu trưởng trường TH Lương Thế Vinh - Q.1, TP.HCM)

Trong khi đó, do cha mẹ đi làm xa, em T.T.P, học sinh trường TH Trần Quốc Toản (Q.5) phải nhờ bác làm giúp những bài tập thủ công chương trình lớp 3 mà cô giáo cho về nhà làm.

Một GV ở Q.5 cho rằng với những bài đơn giản, HS có thể làm trên lớp còn bài phức tạp, không thể hướng dẫn được tất cả HS thì GV thường cho các em mang về nhà làm.

Giáo viên không chuyên

Phần lớn các trường không có GV chuyên trách cho môn học này nên GV chủ nhiệm phải kiêm nhiệm. Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5) có tổng số 20 lớp học thì 20 GV chủ nhiệm kiêm luôn GV môn thủ công.

Tại trường TH Phan Văn Trị (Q.1), bà Trần Thị Bé, Phó hiệu trưởng, cũng cho biết: “Mấy năm trước nhà trường có GV chuyên trách môn học này, nhưng do đặc thù công việc không phát triển được tay nghề nên các thầy cô đã chuyển sang dạy các trường trung cấp nghề. Vì vậy, nếu GV nào còn dôi dư hay có lý do sức khỏe không làm công tác chủ nhiệm được, nhà trường sẽ xem xét để phân công giảng dạy bộ môn”.

Ông Lý Văn Huệ thì lập luận: “Kiêm nhiệm là giải pháp tình thế vì nếu không phải chuyên môn thì sẽ không chuyên sâu, không có sự đầu tư cho bài giảng. Đó là chưa kể đến việc không phải GV chủ nhiệm nào cũng có thể dạy được”.

Về vấn đề này, ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM tâm tư: “Hằng năm Sở đều tuyển GV cho bộ môn Thủ công - kỹ thuật nhưng nhận được rất ít hồ sơ tuyển dụng”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.