Hải đăng Cù Lao Xanh

15/11/2011 17:05 GMT+7

Cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) 24 km là xã đảo Nhơn Châu. Đảo có diện tích khoảng 365 ha, dân số 2.500 người, trước đây gọi là Cù Lao Xanh. Trên đảo, có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890.

Cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) 24 km là xã đảo Nhơn Châu. Đảo có diện tích khoảng 365 ha, dân số 2.500 người, trước đây gọi là Cù Lao Xanh. Trên đảo, có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890. 

Thời Pháp, người ta không gọi là hải đăng như bây giờ mà gọi là đèn pha Poulo Gambir. Kể từ khi được xây dựng, hải đăng Cù Lao Xanh chính thức đi vào lịch sử hàng hải quốc tế nhưng trước đó 4 - 5 thế kỷ, các nhà hàng hải phương Tây đã ghi lại trên các bản đồ đi về phương Đông địa danh Poulo Gambir. Hải đăng được đặt trên đỉnh núi cao nhất đảo, cao 119m tính từ mực nước biển, gồm 3 bộ phận: chân tháp có 32 bậc thang bằng gạch vồ; thân tháp hình trụ, cao 19m, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc; và đèn pha chiếu sáng 27 hải lý (gần 50 km). Đây là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất ở Việt Nam. Năm 1993, ngành bưu chính Việt Nam đã đưa hình ảnh của hải đăng Cù Lao Xanh vào bộ tem do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế.

 
Hải đăng Cù Lao Xanh - Ảnh: Đinh Xuân Thu

Đèn pha trên tháp hải đăng ban đầu dùng bằng gas, chuyển động do một quả tạ cơ năng để tạo nên vòng xoay. Năm 1957, đèn thay bằng bóng điện có công suất 1.000W, đến 1984, được thay bằng hệ thống mô tơ từ trường và hệ thống bán dẫn để điều khiển mâm quay giữ tốc độ cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây, hệ quay là 3 tia sáng ngắn rồi đến 1 tia sáng dài. Do đó, nhìn từ xa không thấy vệt sáng mà thấy ánh đèn như tia chớp.

Những năm gần đây, Cù Lao Xanh và hải đăng trên đảo đã trở thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến cho những bạn trẻ ưa khám phá. Đến Quy Nhơn, nếu có dịp thì bạn nên ra Cù Lao Xanh một chuyến. Chỉ sau vài chục phút đi bằng thuyền máy là bạn đã đặt chân lên đảo. Đảo nhỏ thanh bình, người dân thân thiện. Đặt chân đến đây, không chỉ được thoải mái giữa biển trời lồng lộng, thưởng thức các món hải sản tươi rói, mà còn được hổn hển leo núi để tận tay sờ vào ngọn đèn biển trên trăm tuổi.

Đinh Xuân Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.