Hai tên tuổi lừng danh của nhạc jazz Mỹ đến Việt Nam

17/11/2005 22:03 GMT+7

Những ngày cuối tháng 11 này, người yêu nhạc jazz và R&B Việt Nam hồi hộp chờ đợi 2 tên tuổi lừng danh của âm nhạc Mỹ: Herbie Hancock (piano), Wayne Shorter (saxo). Họ là những nhân vật mà bất cứ nghệ sĩ Mỹ nào cũng ngưỡng mộ và mong muốn được cộng tác.

Bất cứ ai khi nhìn vào danh sách những giải thưởng mà Herbie đã giành được sẽ không khỏi thán phục: 10 giải Grammy, giải Oscar nhạc phim Round Midnight, 5 giải MTV Video Award, Soul Train Music Award, giải thưởng lớn Festival nhạc jazz Montreal năm 1997, giải NEA Jazz Masters Award 2004. Video ca khúc Rockit của ông đứng thứ 10 trong Top 100 ca khúc vĩ đại nhất của kênh truyền hình danh tiếng VH1. Còn Wayne Shorter cũng đã có tới 13 lần được đề cử Grammy và chiến thắng 8 lần.

Herbie Hancock sinh năm 1940 ở Chicago. Ngay từ những năm 50 thế kỷ trước, Herbie đã bộc lộ tài năng của mình không chỉ trong lĩnh vực biểu diễn piano cổ điển mà còn nổi trội trong những buổi trình diễn nhạc jazz và R&B. Ngay từ những ngày đó, Herbie đã cộng tác với những huyền thoại khác như Coleman Hawkins và Donarl Byrd. Và chính tay trompette D.Byrd là người giới thiệu và khuyến khích Herbie đến với New York và phát hành album Free Form năm 62 với hãng đĩa Blue Note Records. Sau này, hãng đã phát hiện ra tài năng sáng tác của Herbie và lần đầu tiên Blue Note phát hành một đĩa nhạc jazz tập hợp các ca khúc sáng tác mới - đó là album đầu tay Talkin' off của Herbie Hancock (1963).

Wayne Shorter sinh năm 1933, tại bang New Jersey, là nghệ sĩ saxophone trứ danh và cũng là một nhạc sĩ sáng tác. Rất nhiều tác phẩm và phong cách hòa âm của ông sau này được coi là những chuẩn mực của nhạc jazz Mỹ. Shorter từng chơi nhạc từ những năm 50-60 thế kỷ trước cùng với Art Blakey. Năm 1964, Miles Davis là người đã vời Shorter và Herbie về, phối hợp cùng với Tony Williams (trống), Ron Carter (bass) trở thành một nhóm ngũ tấu vĩ đại của nhạc jazz suốt những năm 60. Tình bạn của các thành viên trong nhóm đã được họ duy trì khiến cho danh tiếng của từng thành viên đều lên đến đỉnh cao. Và bộ năm Miles Davis trở thành một nhóm ngũ tấu kỳ cựu, uy tín và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử nhạc jazz.

Tuy làm việc cùng nhau nhưng bất kỳ một thành viên nào của nhóm cũng đều phát triển được sự nghiệp cho riêng mình một cách độc đáo và đạt nhiều thành tựu. Herbie Hancock vốn có những hiểu biết về điện tử nên ông đã có nhiều tìm tòi cho nhạc jazz điện tử. Ông kết hợp nhạc điện tử với dòng nhạc funk trở thành jazz fusion. Ngoài ra, Herbie còn thành công trong việc viết nhạc nền cho điện ảnh và phim truyền hình từ cuối những năm 60-70 khi ông chính thức rời hãng Blue Note và đầu quân cho Warner Brothers Record. Giai đoạn này ông đầu tư sáng tác cho nhóm Mwandishi với 3 album Mwandishi (1970), Crossings (1971) và Sextant (1973)... Sau này, Herbie còn nghiên cứu đạo Phật, tìm tòi nhạc R&B... và kết hợp nhiều phong cách âm nhạc trong những sáng tác của mình. Những năm 70, khi nhạc dance lên ngôi, ca khúc của Herbie vẫn mang nét nhạy cảm duyên dáng của jazz và tiết tấu của funk vẫn luôn được yêu thích.  Đến năm 1983, sự nghiệp riêng bắt đầu khởi sắc với giải Grammy đầu tiên trong đời cho ca khúc jazz - hip-hop Rockit trong album Future shock. Và từ đó đến nay, ông được coi là điển hình của những nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa nhạc cụ thường và nhạc cụ điện tử, truyền thống và hiện tại.

Album mới nhất Possibilities của ông vừa phát hành tháng 8.2005 có sự góp sức của Carlos Santana, Sting, Paul Simon, Annie Lennox và Christina Aguilera.

Còn Weyne Shorter khi khởi nghiệm solo đã thu âm nhiều với Steely Dan và góp nhiều công sức cho sự thành công của nữ ca sĩ Joni Mitchell. Album Alegria của anh đã giành Grammy 2004 cho Album hòa tấu jazz hay nhất.

Trong thời gian ở Việt Nam, Herbie Hancock và Wayne Shorter sẽ tham gia 2 buổi trình diễn trong khuôn khổ giao lưu văn hóa kỷ niệm 10 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại TP.HCM (26.11) và Hà Nội (29.11).  Ngoài ra, hai ông sẽ lên lớp trao đổi với các sinh viên Nhạc viện Hà Nội và TP.HCM.

Chu Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.