TTCK Việt Nam rất thuận lợi !

23/11/2007 23:30 GMT+7

Đó là nhận định của chuyên gia phân tích chiến lược chứng khoán Garry Evans vào hôm qua tại hội thảo "Tiếp cận đầu tư Việt Nam" do Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) tổ chức tại Singapore.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, Phát triển doanh nghiệp Trung ương, cho biết: tính đến nay, đã có 3.800 doanh nghiệp (DN) nhà nước được cổ phần hóa (CPH), chiếm 70% số DN cần được sắp xếp; chiếm 25% số vốn nhà nước tại các DN. "Từ nay đến 2010 và 2015, chúng tôi sẽ đẩy mạnh CPH phần lớn các DN, chỉ giữ lại một số ít DN nhà nước - không quá con số 400 DN - trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực mà Nhà nước phải giữ độc quyền", ông Muôn nói. 

Cũng theo ông Muôn: "Các DN CPH của chúng tôi rất cần các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược là các NĐT có tên tuổi của nước ngoài. Không chỉ là vấn đề về vốn mà kỹ năng quản trị DN để tái cấu trúc, làm nên diện mạo mới cho các DN VN.  Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng đã có bài phát biểu giới thiệu về tình hình phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với các NĐT nước ngoài. Theo ông Sinh, ngày càng có nhiều quỹ, công ty quản lý quỹ, các ngân hàng nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam như: JP Morgan, CitiGroup, ANZ... Nhiều biên bản hợp tác giữa HOSE với các Sở giao dịch chứng khoán của thế giới như: Thượng Hải, Singapore, Tokyo... đã và đang mở ra một tầm vóc hợp tác phát triển mới về hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, niêm yết chéo giữa các sở. 

Trong cuộc họp báo được tổ chức sau phiên họp, trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về tác động của một số chính sách như: đánh thuế thu nhập cá nhân 20% vào lợi nhuận chuyển nhượng chứng khoán; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thắt chặt hơn chính sách hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán, ông Garry Evans nói: "Tất nhiên đó không phải là chính sách tích cực vào thời điểm phát triển của TTCK lúc này, còn việc đánh giá tác động tiêu cực của nó ra sao thì cần có thời gian. Nhưng theo tôi, việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào giá trị chuyển nhượng cổ phiếu không phải là nguyên nhân dẫn đến VN-Index mất điểm mấy hôm trước mà đó là do ảnh hưởng chung của việc TTCK thế giới và khu vực đi xuống".

Đánh giá về TTCK Việt Nam, ông Garry Evans, chuyên gia phân tích chiến lược chứng khoán của HSBC nói: "Chúng tôi rất tin tưởng về tương lai của TTCK Việt Nam. Đây thực sự là thị trường có tiềm năng phát triển lớn. Song, TTCK Việt Nam cũng là một thị trường mới nổi, có nhiều dao động nên cần phải tính toán đầu tư dài hạn". Theo chuyên gia này: "So với Ấn Độ hay Trung Quốc - cũng là thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam rất thuận lợi cho việc tiếp cận của NĐT nước ngoài như mức thuế cho NĐT gia nhập rất thấp, chỉ 0,1%". Ông này cũng cho  rằng, giá nhiều loại cổ phiếu đã niêm yết trên TTCK Việt Nam "không rẻ cũng không đắt" trong khi ở Trung Quốc, một số loại cổ phiếu được định giá rất cao.  Tuy nhiên, theo ông Garry Evans, nếu nhìn vào ngắn hạn, TTCK Việt Nam hiện có nhiều vấn đề khó khăn như: lạm phát tăng cao, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ, sự chậm trễ, trì hoãn tiến trình CPH nhiều DN lớn ví dụ như Vietcombank đang làm cho các NĐT lo lắng. Ông nhận xét: "Các chính sách và vấn đề khó khăn như vậy, lại rơi đúng lúc TTCK thế giới ảm đạm, không thuận lợi lắm cho sự phát triển TTCK của Việt Nam và làm cho thị trường trái phiếu tỏ ra hấp dẫn hơn".

Ông Garry Evans cũng nêu lên một số vấn đề khác của TTCK Việt Nam đang làm các NĐT có quan tâm tỏ ra e ngại như vấn đề tìm kiếm, xác định tính chính xác của thông tin về thị trường, về các công ty niêm yết. Ngoài ra, ông này còn nhấn mạnh: "Hiện nay, các NĐT nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa là 49% đối với các công ty cổ phần và 30% đối với các ngân hàng. Nếu Việt Nam có thể nới lỏng tỷ lệ này thì đây sẽ là điểm hấp dẫn lớn cho các NĐT nước ngoài". 

Mạnh Quân (từ Singapore) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.