Bắt thêm một chuyên viên của Vụ Xuất nhập khẩu

05/10/2004 00:04 GMT+7

Chiều qua 4/10, cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành bắt thêm một chuyên viên của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại là Nguyễn Việt Phú (SN 1979, ngụ tại phố Bạch Mai, Hà Nội), nâng tổng số người bị bắt giữ trong vụ án này lên con số 12 người. Trong những ngày gần đây, một số nguồn tin do phóng viên Thanh Niên thu thập được cho thấy: vụ án sẽ không dừng lại ở việc điều tra riêng chuyện mua bán quota trong nước...

Ngay sau khi bắt giữ Lê Văn Thắng - phó vụ trưởng vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, cơ quan chức năng đã tống đạt giấy triệu tập cho hai chuyên viên vụ Xuất nhập khẩu là Đỗ Thị Lan và Nguyễn Việt Phú, yêu cầu vào TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ điều tra. Ngày 23/9, chỉ có Nguyễn Việt Phú có mặt tại TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, Nguyễn Việt Phú đã tỏ ra thiếu thiện chí, không hợp tác tốt với cơ quan chức năng trong việc khai báo những chi tiết có liên quan đến đường dây mua bán quota... Chiều 4/10, một số cán bộ thuộc lực lượng an ninh, Bộ Công an đã cùng Nguyễn Việt Phú bay ra Hà Nội, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Việt Phú về hành vi "nhận hối lộ" tại đây. Sau khi bắt giữ Nguyễn Việt Phú, cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc và nhà ở của Phú. Việc bắt, khám xét hoàn tất vào lúc 21 giờ cùng ngày. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, Nguyễn Việt Phú đã tỏ ra rất bất ngờ khi bị bắt tạm giam. Trong những ngày tới, các bị can của vụ án đang bị tạm giam ở Hà Nội sẽ được áp giải vào TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác điều tra...

Tại TP Hồ Chí Minh, một số người thuộc các công ty dệt may cũng đã bị mời lên cơ quan điều tra để làm rõ một số vấn đề xung quanh đường dây chạy quota. Lê Văn Thắng và Bùi Hồng Minh đã khai nhận hành vi phạm tội đến từng chi tiết của mình trong đường dây chạy quota. Song song với lời khai của Thắng và Minh, những bị can khác trong vụ án cũng tiếp tục thừa nhận hành vi phạm tội, trong đó có những chi tiết cho thấy ngoài việc quota bị mua đi bán lại giữa các doanh nghiệp trong nước với giá rất cao, còn có những dấu hiệu cho thấy quota còn bị bán ra cả nước ngoài dưới hình thức làm hàng "chuyển tải”.

Ngày 4/10, theo nguồn tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, sau khi tiến hành khởi tố bắt tạm giam Mai Thanh Hải và Đặng Vũ Quang, cơ quan công an đã di lý 2 bị can này vào TP.HCM để phục vụ cho công tác điều tra vụ án đường dây tham nhũng lớn tại Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại. Một nguồn tin cho biết, cơ quan điều tra sẽ kiên quyết làm mạnh, làm triệt để; việc điều tra vụ án trên sẽ không "khoanh lại" ở số đối tượng đã bị bắt, sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ sự liên quan của nhiều đối tượng khác và một số đường dây chạy quota khác.

Nhóm PV Điều tra

Hàng "chuyển tải" - theo giới doanh nghiệp làm hàng dệt may xuất khẩu - là những mặt hàng dệt may thực chất là của nước ngoài, nhưng lại có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, xuất sang thị trường nước thứ ba. Những doanh nghiệp làm hàng "chuyển tải" chỉ việc đi ký hợp đồng mua những mặt hàng dệt may của các doanh nghiệp nước ngoài với giá rẻ, xuất sang thị trường Mỹ hoặc châu u với tư cách là hàng Việt Nam. Như thế, các doanh nghiệp làm hàng "chuyển tải" sẽ hưởng lợi lớn vì giá đầu vào thấp, đầu ra cao nhưng ngành dệt may Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số lượng quota không nhỏ sẽ phải được dành để xuất khẩu những lô hàng mạo nhận này - trong khi lẽ ra số quota hiếm hoi ấy phải được dùng để xuất khẩu hàng Việt Nam để kích thích sự phát triển ngành hàng dệt may xuất khẩu trong nước.

Một cán bộ lãnh đạo trong Ban chuyên án đã khẳng định: vụ án sẽ không chỉ bó gọn trong phạm vi điều tra các đường dây tham nhũng, mua bán quota xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, sang thị trường EU... mà còn tập trung làm rõ cả việc một số lượng rất lớn quota Việt Nam bị thất thoát qua con đường làm hàng "chuyển tải".

Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.