Đánh trượt... giấc mơ

17/11/2008 00:47 GMT+7

Hôm rồi, một trường thuộc Đại học Huế tổ chức thi người đẹp thời trang thanh lịch. Đến phần ứng xử, khi trả lời câu hỏi về ước mơ của mình, một thí sinh hồn nhiên: "Em ước mơ mình có sức khỏe để... sống". Cả nghìn sinh viên ngồi dưới cười phá lên, đế vào: "Đúng! Có sức khỏe để sống, sống để rèn luyện sức khỏe, có sức khỏe lại sống tiếp, sống tiếp để rèn luyện sức khỏe...".

Ước mơ có sức khỏe để sống không có gì sai, nhưng vì sao các bạn lại cười phá lên như vậy? Có lẽ họ cười vì đây là cuộc thi người đẹp thời trang thanh lịch chứ không phải là cuộc thi chiến thắng... bệnh tật. Và người được chọn vào thi dĩ nhiên là phải có sức khỏe (và đẹp). Vấn đề ở đây là thí sinh cần nói thêm rằng, có sức khỏe để sống nhưng phải sống như thế nào, sống để làm gì... Thiếu đi vế đó thành ra nó... tức cười.

Cuộc thi vẫn tiếp tục nên thí sinh đó không biết có được vào tiếp vòng trong hay không. Và nếu các giám khảo có đánh trượt thí sinh này thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Nhưng chuyện này thì khác: 

Đài phát thanh - truyền hình của một tỉnh miền Trung gửi đi dự thi một chương trình thiếu nhi cũng với chủ đề ước mơ. Trong đó, khi phóng viên hỏi một em nhỏ 11 tuổi về ước mơ của mình, em nói: “Em có nhiều ước mơ, ước mơ làm một nhà báo giỏi, một MC truyền hình nổi tiếng, em cũng có ước mơ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước ta... Nhưng dù ước mơ gì thì trước mắt, là học sinh, em phải học tập và tu dưỡng thật tốt mới có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực”. Câu trả lời của em học sinh lớp 5 chặt chẽ cứ như... người lớn.

Chương trình được ban giám khảo chấm với tổng số điểm cao, lọt vào vòng xếp giải, dự định đoạt giải cao nhất. Lúc đó một thành viên trong hội đồng (là phó giám đốc một đài tỉnh) bèn đứng dậy nói rằng, chương trình đã vi phạm vào một vấn đề “nhạy cảm”, đó là ước mơ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên, vấn đề này nhạy cảm thế sao biên tập viên, hội đồng xét chọn tác phẩm dự thi có thể bỏ qua... Và theo ông phải kiểm điểm nghiêm túc, ngoài phóng viên thực hiện còn biên tập viên, người duyệt chương trình...

Tưởng mọi người phá lên cười, nhưng không, nét mặt ai cũng “nghiêm trọng”: “Đúng đúng đúng, nhạy cảm, nhạy cảm!”. Thế là, người ta đánh trượt chương trình xuống, nói thẳng ra là đánh trượt giấc mơ của em học sinh và cả những người thực hiện.

May là em học sinh không biết chuyện này. 

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.