Chương trình giáo dục: Bao giờ mới vừa nhẹ, vừa sâu?

16/11/2007 19:12 GMT+7

(TNO) Chiều 16.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bắt đầu thực hiện chất vấn các thành viên Chính phủ. Đã có 2 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: "Làm nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ vẫn phải tìm ra cái mới, nếu không làm được thì đừng làm tiến sĩ”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD-ĐT đã có chương trình xây dựng hệ thống sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, tuy nhiên cần phải có thời gian triển khai thực tiễn để đánh giá đúng. Về một số ý kiến của ĐBQH cho rằng học sinh bậc phổ thông phải mang, vác sách quá nặng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Tôi cho là không nặng vì qua kiểm tra, thực tế nếu cặp của các em không quá 1kg thì trọng lượng cả cặp không quá 3kg. Có trường hợp cân lên 4kg là do em học sinh còn để cả chai nước và quyển sách khá nặng vào trong đó”.

ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) chất vấn: “Bộ trưởng nói chất lượng sách giáo khoa là phù hợp lắm rồi nhưng đại đa số cử tri có ý kiến là chất lượng, nhất là sách giáo khoa phổ thông, không phù hợp cả về nội dung, ngữ nghĩa... Ngay cả chuyện in sách cũng không phù hợp thực tế. Trước đây chúng tôi 2-3 anh em trong nhà dùng chung một bộ sách được, nhưng giờ  dùng 1 năm bỏ đi ngay. Đúng hay không đúng?”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Theo tôi, đánh giá đó là sai vì chúng tôi không hề có chương trình nào 1 năm thay sách giáo khoa một lần. Ví dụ sách giáo khoa lớp 1 năm nay học thì năm sau, lớp sau vẫn dùng sách ấy”.

Trả lời chất vấn của nhiều ĐBQH về việc miễn, giảm học phí cho học sinh các vùng nghèo, khó khăn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, ngân sách cấp cho ngành giáo dục như  “một tấm chăn”. Tấm chăn đó đắp không hết cho nên nếu diện miễn giảm phí quá lớn thì cứ 4 em được miễn học phí thì một em phải ở nhà. Cho nên, chính sách hiện nay là  hộ ở vùng nghèo, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thì miễn học phí, còn các hộ diện cận nghèo thì giảm phí.

Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk)  tỏ ý chưa bằng lòng: “Ngay báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng đã nêu chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy không đáp ứng nhưng chậm khắc phục. Nhiều phụ huynh, nhà giáo cũng cho rằng chương trình giáo dục của ta không bằng nhiều nước: vừa nặng vừa thấp. Bộ trưởng có đồng tình với ý kiến nhiều ĐB là ta có thể nghiên cứu, áp dụng chương trình của thế giới để vừa nhẹ và sâu hơn? Và một chương trình có thể áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa như ở các nước khác không?”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Tôi biết là đội ngũ tham gia biên soạn chương trình đều là những người có uy tín trong ngành. Nhưng cũng có câu chuyện là phần lớn người tham gia biên soạn lại không tham gia dạy ở bậc phổ thông thì khả năng nội dung đưa vào không phù hợp là có. Thông thường, chúng ta phải đưa vào dạy thử rồi mơi áp dụng đại trà. Nhưng có thể trong quá trình dạy thử, có những vấn đề chưa nói hết. Tôi thấy là chương trình đã đảm bảo tính dân tộc nhưng để đánh giá, phải có thời gian thực tiễn”. “Tuy nhiên, chúng ta có thể mời các chuyên gia tham gia tổ đánh giá độc lập với ngành. Tranh luận, lấy từng môn học ra để đánh giá thì nhanh hơn”, ông nói thêm.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nói với ĐBQH: “Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, ngành giáo dục cũng có chương trình đào tạo, cấp bằng cho 20.000 tiến sĩ trong thời gian tới. Một số nước như Nhật Bản, Singapore, Mỹ... cũng đã hứa hợp tác với Việt Nam trong việc đào tạo”.

ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) hỏi: “Xin cho biết là đến năm 2006  đã có bao nhiêu luận án tiến sĩ được áp dụng vào thực tế? Bộ trưởng đánh giá chất lượng cấp bằng tiến sĩ  hiện nay thế nào?”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Là nhà giáo và cũng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu, thú thực tôi cảm thấy rất buồn về việc ở ta, nghiên cứu, làm luận văn tiến sĩ nhưng lại không đặt nặng vấn đề khoa học, phát hiện cái mới. Nó dễ dẫn đến tình trạng làm tầm thường hóa chất lượng bằng tiến sĩ”. Trầm giọng, ông nói: “Khi tôi nêu yêu cầu về bằng tiến sĩ thì có vị hiệu trưởng trả lời là về khoa học, tiến sĩ thế giới họ làm hết rồi, chúng ta không thể làm mới khoa học được. Điều này rất là đau xót. Tại sao có những luận án tiến sĩ dày hàng trăm trang mà yêu cầu ghi ra một vấn đề là cái gì mới lại không làm được?”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, làm nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ vẫn phải tìm ra cái mới, nếu không làm được thì đừng làm tiến sĩ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Hiện nay, chất lượng đầu ra của ngành giáo dục vẫn không đảm bảo thì đó có phải lãng phí lớn? Bộ trưởng có cho rằng còn phổ biến tình trạng bằng thật, học giả không? Biện pháp ngăn chặn của Bộ ra sao?”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Có bằng cấp về ngành nghề nào mà không làm được nghề đó thì đúng lãng phí lớn. Cho nên chúng tôi cũng nghĩ là phải đào tạo theo chuẩn và phù hợp với nhu cầu xã hội. Sắp tới, ngành giáo dục sẽ có rà soát lại, nhất là lĩnh vực đào tạo không chính quy, tại chức. Bởi vì nhiều nơi đào tạo thời gian ít trong khi nhu cầu đào tạo, cấp bằng nhiều thì làm sao đảm bảo chất lượng thực sự. Nhưng cũng có vấn đề là nhiều nơi vẫn tuyển dụng theo bằng cấp. Nếu đào tạo theo năng lực thực tế, cho thử việc hợp đồng một thời gian mà không đáp ứng thì cũng sa thải, qua đó mới chọn được người làm việc có năng lực”.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: “Sẽ tiếp tục miễn giảm phí, lệ phí cho nông dân”

Do không còn nhiều thời gian, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh chỉ kịp trả lời một số câu hỏi chất vấn đã gửi trước. Một số ĐBQH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc miễm giản thủy lợi phí và các khoản đóng góp của dân.

Bộ trưởng Ninh nói: “Về việc miễn giảm thủy lợi phí, Bộ Tài chính đã làm việc với các bộ, kiến nghị Chính phủ và vừa qua, Chính phủ đã quyết định miễn thủy lợi phí trong hạn điền cho nông dân. Thủ tướng cũng đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương bãi bỏ các phí và lệ phí không trong danh mục phí và lệ phí hiện hành”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói tiếp: “Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ chúng tôi tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, rà soát để tiếp tục miễn, giảm các khoản phí và lệ phí trong danh mục hiện hành. Trước mắt sẽ miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí như lệ phí an ninh quốc phòng, phí phòng chống lụt bão, lệ phí chứng minh thư...”. Ông cũng đã báo cáo trước QH về tình hình giải ngân chậm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tình hình giá cả tăng cao trong 10 tháng qua của năm 2007.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết ai chịu trách nhiệm ở Bộ Tài chính về sai phạm trong việc giải ngân khống đề án 112? Khi có kết quả kiểm tra, kiểm toán thì  Bộ xử lý sai phạm cán bộ như thế nào và làm thế nào để sau này không xảy ra tình trạng đó?”. Tuy nhiên, do hết thời gian làm việc buổi chiều nên ngày mai (17/11), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới trả lời câu hỏi này.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.