Mình quyết định mình

17/12/2008 10:02 GMT+7

Tốt nghiệp một trường cao đẳng, ra trường nộp đơn khắp nơi nhưng Nhàn không sao xin được việc chỉ vì tai cô nghe rất kém. Chưa hết, cặm cụi học tiếng Anh, nhưng thi chứng chỉ B ba lần Nhàn đều rớt môn nghe (listening).

Còn với Cường, nỗi buồn còn là chuyện tình cảm. Yêu nhau cả chục năm, cuối cùng Cường ngậm ngùi chia tay người yêu bởi sự ngăn cản từ phía gia đình cô gái: hai vợ chồng “điếc” lấy gì nuôi con! Thậm chí khi được hỏi, bạn trẻ khiếm thính tên Tấn Hải không ngần ngại múa dấu (ngôn ngữ ký hiệu) trước đám đông “Tôi không dám ước mơ!”.

Gần 250 người khiếm thính tham dự hội thảo “Mất thính lực-cuộc sống có trọn vẹn?” (do Chương trình khuyết tật và phát triển-DRD tổ chức sáng 14-12) là cũng chừng ấy câu chuyện buồn. Hàng loạt nguyên nhân được nêu ra: ít học hành, kỹ năng kém, gia đình không tin tưởng, phân biệt đối xử, xã hội chưa quan tâm đúng mức... Nhưng bao trùm hết thảy là rào cản về giao tiếp. Sự hạn chế về giao tiếp đã ngăn cản nỗ lực học tập văn hóa, tay nghề, kỹ năng sống khiến người khiếm thính khó xin việc. Không công ăn việc làm họ thêm tự ti mặc cảm, thiếu niềm tin vào ngay chính bản thân mình.

Một số chuyên gia công tác xã hội nước ngoài có mặt tại buổi hội thảo cho biết tại các nước phát triển, người khiếm thính sống rất thoải mái vì rất ít rào cản. Trước mắt, cộng đồng người khiếm thính VN chỉ dám ước mơ được học hành, hỗ trợ giao tiếp và ưu tiên việc làm.

Mặc dù còn ý kiến khác nhau nhưng số đông cho rằng cách tích cực để thay đổi cuộc đời không phải là thái độ trông chờ sự trợ giúp từ phía cộng đồng xã hội, mà là nỗ lực vươn lên của chính bản thân người khiếm thính.

Theo bà Trish Summerfield, giám đốc chương trình “Giáo dục các giá trị sống” tại VN, người khiếm thính cần chú trọng và chủ động tìm cách phát huy những gì “ta có”, thay vì cứ ngồi than thân trách phận với những gì “ta không có” (kém và mất thính lực). Cho nên việc hỗ trợ tham vấn kết hợp sinh hoạt nhóm, huấn luyện kỹ năng sống nhằm giúp họ khám phá những giá trị của bản thân có khi còn quan trọng hơn những thứ khác.

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.