Tranh luận về việc thay đổi chỗ ngồi học sinh

08/10/2009 00:03 GMT+7

Từ năm học 2009 - 2010, trường Tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM bắt đầu cải tiến việc sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh.

Thay vì ngồi theo kiểu truyền thống là sắp xếp bàn theo từng hàng ngang, HS hướng mặt về phía bảng đen như trước kia thì bây giờ bàn ghế được sắp xếp theo từng cụm, HS hướng mặt vào nhau. Cách làm này đang gây nhiều tranh luận...

Có mặt tại trường ngày 7.10, chúng tôi chứng kiến một phối cảnh lớp học hoàn toàn lạ so với các lớp học truyền thống ở các trường công lập. Tùy theo diện tích và chủng loại bàn ghế của từng lớp mà bàn ghế được ghép từ 2 đến 4 bàn lại với nhau theo từng cụm. Có phòng từng cụm bàn xếp theo hình vuông học sinh ngồi ở 4 góc, có phòng bàn lại được xếp theo hình chữ I  (xoay ngang, xoay dọc so với vị trí bảng đen).

Bác sĩ Vũ Viết Chính - khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho rằng: Việc sắp xếp chỗ ngồi dẫn đến việc ngồi sai tư thế không phải là nguyên nhân gây hại đến cột sống của trẻ. Bệnh vẹo cột sống có 2 loại: Vẹo tư thế và vẹo cấu trúc. Vẹo cấu trúc là trẻ đã có bệnh về cột sống thì dù cho ngồi đúng hay sai cũng bị vẹo. Còn vẹo tư thế là khi trẻ ngồi học sai tư thế. Loại này chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như làm trẻ mệt mỏi hơn, có thể vẹo nhưng cơ thể sẽ tự cải thiện được bằng cách tự vận động.

Theo bác sĩ Chính, thông thường ngồi sai tư thế trong khoảng thời gian lâu như 1 giờ liên tục cũng không ảnh hưởng gì đến cột sống nếu sau đó chúng ta phải vận động bằng cách đi lại, chạy nhảy... Nếu chịu khó vận động, thì cho dù ngồi sai tư thế kiểu như vậy kéo dài liên tục từ ngày này sang ngày khác cũng không ảnh hưởng gì. Tuy không hại cho cột sống nhưng nếu ngồi sai tư thế thường xuyên sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị lực do mắt phải điều chỉnh nhiều.

Với kiểu sắp xếp bàn ghế theo từng cụm này có thể nhận thấy trong lớp có nhiều lối đi hơn giúp giáo viên có thể đến tận các bàn học của học sinh thay vì chỉ có 1 lối đi để xuống cuối lớp như trước kia. Tuy nhiên khi giáo viên đứng trên bục giảng thì những học sinh ngồi không đối diện với bảng đen sẽ phải xoay lưng, ngoái cổ để nhìn hướng về cô giáo giảng bài. Đây cũng là lý do mà nhiều phụ huynh phản ứng khi cho rằng ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình.

Trước phản ứng của phụ huynh, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Việc sắp xếp bàn ghế theo kiểu mới này để thực hiện phương pháp dạy học tích cực trên tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra từ 5 năm nay. Thay vì GV giảng bài, viết lên bảng rồi HS nhìn lên bảng đọc và chép như trước đây thì bây giờ HS nghe GV giảng bài rồi thảo luận theo nhóm và làm bài tập trên sách. Với cách học này, vừa giảm tải được gánh nặng bài vở cho HS và góp phần giải quyết vấn nạn đọc - chép, giúp HS được chủ động, tạo sự hứng thú, vui vẻ hơn trong học tập. Đồng thời, giúp GV năng động hơn, thường xuyên đi xuống lớp tiếp cận với HS hơn”.

Trả lời Thanh Niên về việc Sở GD-ĐT TP.HCM có đồng tình đối với phương pháp cải tiến chỗ ngồi tại trường Tiểu học Lương Định Của hay không, ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Về chuyên môn, có thể phụ huynh chưa rõ, phương pháp học hiện nay khác trước, GV giao việc cho HS làm, tổ chức cho các em hoạt động học tập và nhắc nhở, giúp đỡ, đánh giá kết quả. Do vậy, GV hạn chế sử dụng bảng và HS cũng không nhất thiết phải quay lên nhìn lên bục giảng. Trong trường hợp phải tập trung nhìn lên bảng đen, GV nhắc nhở HS đổi tư thế ngồi mà không phải quay lưng, ngoái cổ”.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.