Cuộc chiến với ung thư - Kỳ 1: Xuôi theo dòng chảy

21/11/2010 10:31 GMT+7

Mấy hôm trước tôi được xem Đường Sơn đại địa chấn. Phim hay quá, không cầm được nước mắt. Bi thảm thiên tai, sâu nặng tình người. Phim kết với đài tưởng niệm hơn 240.000 người chết do trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn, Trung Quốc. Chợt nghĩ năm 2008 con số tử vong toàn cầu do ung thư hằng năm ước 7-8 triệu người. Không có đài tưởng niệm. Loài người vẫn thờ ơ?

Năm 1974, tôi được dự Hội nghị Ung thư thế giới lần 11 tại Florence (Ý) do Hiệp hội Quốc tế phòng chống ung thư (UICC) tổ chức. Năm nay 2010 tôi đến Shenzhen (Thâm Quyến, Trung Quốc) dự Hội nghị UICC lần 21. Ngay cửa vào đã thấy tượng David thu nhỏ, kiệt tác để đời của Michelangelo, người con yêu dấu của Florence.

Vào bên trong lại gặp quảng trường Piazza della Signoria. Thương nhớ Florence, nơi đây hơn 30 năm trước tôi bắt đầu mở rộng tầm nhìn về bệnh ung thư. Từ Florence đến Shenzhen, đi gần trọn quãng đời nghề nghiệp tôi ngẩn ngơ vui sướng trước dòng chảy hiểu biết về ung thư và cuộc chiến đấu chống căn bệnh khó.

Nặng gánh ung thư

Đã biết căn bệnh khó đè nặng loài người cỡ nào, kiểu nào. Cơ quan Quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) công bố gánh nặng ung thư toàn cầu 2002 tại hội nghị UICC 2004 ở Oslo, Na uy. Tại Shenzhen 2010, IARC cập nhật gánh nặng ung thư toàn thế giới 2008. Trĩu nặng hơn, ung thư là sát thủ mạnh tay nhất gây tử vong hơn cả HIV/AIDS, lao, sốt rét gộp lại.

Hiệp hội Quốc tế phòng chống ung thư (Union for International Control là tên mới dùng từ năm 2010, trước kia tên La tinh là Unio Internationalis Contra Cancrum - UICC) là tổ chức quốc tế phi chính phủ lớn nhất có mục tiêu phòng và chống ung thư trên toàn cầu.

Thành lập vào năm 1933, nay UICC nối kết trên 300 tổ chức thành viên của trên 100 quốc gia. Bệnh viện K Hà nội, BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu TP Cần thơ là thành viên. UICC tổ chức Hội nghị Ung thư thế giới lớn nhất mỗi bốn năm. Đến 2006 thì rút ngắn hai năm một lần. Đến Shenzhen trước hội nghị một ngày, chúng tôi tham gia bầu chủ tịch, ban chấp hành nhiệm kỳ mới và thảo luận phương hướng sắp tới. UICC chịu trách nhiệm tổ chức Ngày Ung thư thế giới được WHO công nhận vào 4-2 hằng năm.

Hai năm trước toàn cầu có 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người chết. Các loại thường gặp là phổi, vú và đại trực tràng. Đe dọa sinh mạng nhiều nhất là các ung thư phổi, bao tử và gan. Mỗi nước, mỗi vùng cũng có gánh nặng riêng tùy thuộc các yếu tố nguy cơ, thói quen, nếp sống, hoàn cảnh môi trường. Ước tính năm 2030 sẽ có xấp xỉ 21,4 triệu ca mới và 13,2 triệu ca chết hằng năm.

Không phải trời kêu. Bệnh phát sinh từ những gì chúng ta hít thở, ăn uống, cọ xát, không phải từ trên trời rơi xuống. Khói thuốc lá gây hơn 30% các loại ung thư. Bệnh nhiễm góp 1/5 gánh nặng. Khoảng 1/3 số ung thư theo miệng mà vào, liên hệ ẩm thực.

Sao cho nhẹ gánh?

Gây rối ở chốn sâu thẳm của chất sống. Biết rồi, ung thư sinh ra do các gen bị hư hại thành đột biến gen. Trước kia mới biết vài chất hóa học trong khói thuốc lá làm tổn hại các gen, rồi thấy có đến 30 chất, rồi 40 chất, đến nay thì trên 60 chất. Khói thuốc lá vào đến tận các gen làm rối tung thiết kế cơ bản của sự sống, phân tử DNA. Các tia cực tím trong ánh nắng gây tổn hại gen của tế bào da, dẫn đến ung thư da. Virút HPV 16-18 chui tọt vào tế bào, lặng lẽ mai phục, gặp thời cơ đem gen ung thư E6 E7 gắn vào DNA tế bào, chỉ đạo tế bào sinh sôi vô tổ chức thành ung thư cổ tử cung.

Căn bệnh khó lại ngừa được. UICC có thông điệp 2010 “Ung thư cũng có thể phòng ngừa được” đánh động tới khoảng 2,4 tỉ người. Có thể phòng ngừa được khoảng 40% các ung thư. Năm 2011, UICC sẽ làm mạnh thêm chủ đề phòng bệnh, khai thác các nguy cơ và khuyến khích mọi người theo nếp sống lành. Loại bỏ khói thuốc lá, chú ý cả hút và hít ké. Tránh uống rượu quá đà. Phòng tránh bệnh nhiễm. Tập thể dục đều, ăn đúng ăn lành, giữ cân vừa phải.

Các thầy thuốc có mắt thần. Chỉ có ống nghe, chỉ dùng bàn tay không thấy được rõ ung thư. Nay thì các thầy thuốc như có mắt thần nhìn suốt cơ thể từ bên ngoài với máy dò siêu âm, máy rà CT (cắt lớp điện toán), máy rà MRI (cộng hưởng từ), máy PET. Ống soi mềm mại đến khắp các hang hốc trong người, từ miệng vào đến bao tử, từ mũi xem các cuống phổi..., thấy có gì lạ, cắt một miếng tí ti để thử mà biết lành ác.

Ung thư biết sớm trị lành. Ngày nay bác sĩ phân biệt được cả trăm loại ung thư, biết ung thư diễn tiến ra sao. Tùy loại, tùy giai đoạn mà thầy thuốc dùng phẫu trị, xạ trị, hóa trị... và kết hợp hài hòa các phương pháp này. Mắt thần định rõ ung thư nằm đâu, lớn nhỏ, còn khu trú hoặc liếm sang mô lân cận hay lan tràn xa. Có cả kho vũ khí chống ung thư. Nay lưỡi dao mổ nhẹ nhàng hơn bứng vừa đúng vừa đủ khối bướu, tia phóng xạ bắn thật đúng liều vào thật đúng chỗ. Ung thư lan tràn nhiều nơi thì có thuốc hiệu quả hơn đi khắp người, khác nào tìm vớt các đám lục bình trôi theo dòng sông.

Thấy chỗ gen hư gây ung thư thì nhắm đúng vào đó mà tấn công: kỷ nguyên mới thuốc sinh học, liệu pháp nhắm trúng đích đang nở rộ. Khác nào đánh trận phối hợp các binh chủng: bộ binh, không quân, hải quân... nhà chuyên môn phối hợp nhuần nhuyễn phẫu trị, xạ trị và hóa trị... gọi là liệu pháp đa mô thức. Rõ rồi, không có một phương pháp nào trị được mọi loại ung thư, ngay một loại có khi cần kết hợp nhiều cách trị (ung thư vú được mổ đúng cách, có khi cần hỗ trợ bằng xạ trị hoặc hóa trị). Tiến bộ của y học hiện đại giúp biết bệnh sớm, trị bệnh lành. Thậm chí gặp căn bệnh trễ, biết tận lực, tận dụng vũ khí tốt cũng làm nhẹ bệnh nhẹ người.

Năm 2010 thành phố Shenzhen tổ chức mừng tuổi 30. Thường trú 14 triệu dân. Đầy nhà chọc trời, cây xanh mọi nơi. Nghe nói năm 1979 nơi đây là làng chài nghèo 30.000 dân. Shenzhen gợi nhớ câu chuyện phiêu lưu của Aladdin và cây đèn thần. Ba mươi năm thôi, một ông thần đèn làm phép, một thành phố hiện đại trên trời rơi xuống.

Từ Florence đến Shenzhen chỉ hơn 30 năm. Tôi thấy như có nhiều thần đèn siêu tuyệt giúp con người hiểu bệnh ung thư đến ngọn nguồn và dần biết cách làm căn bệnh ngày bớt trĩu nặng. Vô vàn kính ngưỡng các thần đèn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.