Bicentennial Man tâm hồn của máy

06/11/2009 09:54 GMT+7

(TNTT>) Bộ phim viễn tưởng Bicentennial Man là sự hiện thực hóa khát khao chưa bao giờ được thỏa mãn của giới khoa học, đó là tạo ra được một người máy hoàn toàn giống người.

Đó cũng là giấc mơ có tính cá nhân của nhà văn Mỹ gốc Nga, Issac Asimov, tác giả cuốn tiểu thuyết The Bicentennial Man mà bộ phim này đã dựa vào để thực hiện. Asimov là một trong những cây viết tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Chủ đề về các người máy giống người là nỗi ám ảnh của ông.

Vì Asimov không những là một nhà văn mà còn là một nhà khoa học có tên tuổi, giảng dạy khoa Hóa-Sinh tại đại học Boston (Mỹ). Và ước muốn kết hợp một cỗ máy sắt thép với những cấu trúc sinh học để trở thành một con người thực thụ đã đi theo Asimov trong hầu hết các sáng tác của ông trong series truyện viễn tưởng Robot . Nhưng trên thực tiễn, một người máy dù có hoàn chỉnh về mặt trí tuệ thì cũng không thể hoàn toàn là một con người. Vì nó thiếu một điều quan trọng nhất, đó là nhân tính, là tâm hồn người.

Không thể thực hiện giấc mơ đó ngoài đời, Asimov hoàn chỉnh nó trong tưởng tượng của ông. Nhờ thế mà chàng người máy Andrew Martin (Robin Williams) trong tác phẩm The Bicentennial Man đã có cơ hội trở thành người sau 200 năm phục vụ 3 thế hệ trong gia đình Martin. Trong quá trình đó, Andrew đã hấp thụ được một thứ mà không cỗ máy nào, dù tinh vi đến mấy, có thể tạo ra được. Đó là tâm hồn con người.

Và ngày mà cỗ máy ấy có một tâm hồn người hoàn chỉnh là khi Andrew biết yêu Portia (Embeth Davidtz), cô cháu gái đời thứ tư của nhà Martin. Ngạc nhiên là Portia cũng yêu Martin. Vì theo Portia, Martin tuy là người máy nhưng còn nhiều nhân tính hơn khối người thật. Nhưng để đến được với nhau, hai kẻ yêu nhau này đã phải chiến đấu để vượt qua một hệ thống định kiến mà xã hội đã dựng lên. Và họ còn phải vượt qua cả rào cản của thiên nhiên. Vì Andrew là một cỗ máy bất tử trong khi Portia vẫn là một con người bị khống chế bởi cái chết.

 Tuy là phim về người máy, nhưng Bicentennial Man không chỉ nhằm mục đích đơn giản "lòe" khán giả bằng kỹ xảo điện ảnh. Mà còn muốn chuyển tải những thông điệp sâu sắc về những vấn đề căn bản trong chính xã hội con người. Như sự công bằng, định kiến, tình yêu và cả cái chết...thông qua góc nhìn của một người máy.

N.C (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.