Giá đất sẽ tăng hay giảm ?

16/12/2005 22:52 GMT+7

Trong khi Bộ Tài nguyên-Môi trường và Bộ Tài chính đang kiến nghị điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp cũng như khuyến cáo các địa phương về tình trạng định giá đất quá thấp so với giá giao dịch trên thị trường thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lại vừa thông qua kế hoạch điều chỉnh giá đất năm 2006 do UBND TP đệ trình. Báo Thanh Niên đã trao đổi với ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND thành phố về vấn đề này. Ông Lê Quý Đôn cho biết:

- Giá đất tại các quận nội thành cũ cơ bản vẫn giữ nguyên mức của năm 2005, chỉ điều chỉnh cục bộ (theo hướng tăng) ở một vài tuyến đường mới được đầu tư hạ tầng. Sẽ điều chỉnh giảm (khoảng 10%) giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại các quận Hoàng Mai, Long Biên, các thị trấn, khu vực đầu mối giao thông, ven trục đường giao thông và vùng dân cư nông thôn tại các huyện ngoại thành; riêng một số xã của huyện Sóc Sơn sẽ điều chỉnh giảm từ 10-20% đối với cả đất ở, đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp của một số xã.

* Thưa ông, tại sao Hà Nội lại điều chỉnh giảm trong khi được khuyến cáo rằng, giá đất mà Hà Nội xác định năm 2005 còn đang rất thấp so với giao dịch thực tế ?


Ông Lê Quý Đôn
- Ở đây, chúng tôi phải tính một bài toán trên cơ sở cân đối lợi ích của nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực. Từ thực tế triển khai giá đất năm 2005 cho thấy, nếu như không giảm giá (đất sản xuất phi nông nghiệp) ở một số khu vực thì các doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi. Ví dụ như Cảng Hà Nội, trước đây tiền thuê đất khoảng 1 tỉ đồng/năm thì với giá đất năm 2005, đơn vị này phải trả khoảng 9 tỉ đồng, tương tự Tổng kho Đức Giang cũng phải trả tiền thuê đất tăng khoảng 10 lần. Không mức lãi kinh doanh nào có thể đủ bù đắp nổi, đúng không?

* Nhưng việc điều chỉnh giảm này liệu có làm trầm trọng hơn tình trạng khiếu kiện đòi giá đền bù từ những người dân bị thu hồi đất không, thưa ông?

- Một trong những nguyên tắc của lần điều chỉnh này là mang lại lợi ích cho người dân mà không ai bị thiệt, có chăng chỉ có Nhà nước thiệt vì thu ngân sách giảm. Bạn lo dân Sóc Sơn sẽ bị thiệt nếu giá đất một số xã ở đây giảm đến 20% đúng không ? Nhưng nên nhớ, việc điều chỉnh giảm chỉ thực hiện với một số xã "vùng sâu": Kim Lũ, Tân Hưng, Hồng Kỳ, Bắc Sơn... những vùng mà theo quy hoạch không có dự án thu hồi đất, tức là sẽ không có người dân nào bị thiệt ! Ngược lại họ sẽ được lợi do đất giãn dân giá rẻ. Một số xã của huyện Từ Liêm (huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa cao) thì mặc dù vẫn giữ nguyên mức giá của năm 2005 nhưng lại được tính thêm 20% do điều chỉnh xếp vào loại khu dân cư nông thôn đang đô thị, thành ra giá cũng tăng đáng kể.

* Khi kiểm tra thi hành Luật Đất đai, các đoàn kiểm tra phát hiện ra rằng, giá đất nông nghiệp của Hà Nội hiện quá thấp, một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện đông người và làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng ?

- Cần phải khẳng định, giá đất nông nghiệp hiện nay của Hà Nội áp dụng là mức tối đa trong khung giá Chính phủ quy định (Nghị định 188/2004/NĐ-CP), ở mức khoảng 108.000 đồng/m2. Cộng với các hỗ trợ khác, người mất đất đang được trả ở mức 150.000 đồng/m2. Nếu như Chính phủ điều chỉnh tăng, Hà Nội cũng sẵn sàng tăng. Nhưng theo quan điểm của tôi, để giải quyết các vấn đề bức xúc trong giải phóng mặt bằng thì tăng giá đền bù không phải là giải pháp thông minh.

* Tại sao ?

- Phải hết sức lưu ý rằng, đại bộ phận các dự án giải phóng mặt bằng hiện nay là thu hồi tư liệu sản xuất của người nông dân, như vậy thì bài toán phải giải là thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm cho con cái nông dân bị mất đất, hạ tầng thôn xóm được cải thiện... Điều đó quan trọng hơn là tính giá đất cao để rồi trả cho họ một "cục" tiền. Kinh nghiệm cho thấy, giá đất để tính đền bù năm 2005 đã cao gấp 7 lần so với trước đây nhưng họ vẫn cho là thấp và nếu tăng lên nữa chắc cũng vẫn là thấp. Nhưng các chính sách hậu thu hồi đất hiện nay thiếu đồng bộ và không thỏa đáng. Việc buộc các doanh nghiệp phải sử dụng 100 lao động địa phương là điều rất không khả thi khi mà lao động nông thôn thường không được đào tạo nghề. Theo tôi, việc đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân các vùng đang đô thị hóa cần phải được nghiên cứu, xây dựng một cách có hệ thống bằng những chính sách vĩ mô và nguồn ngân sách thỏa đáng.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Nhung (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.