Ngăn chặn tình trạng thiếu văn hóa trên game online

11/11/2005 09:58 GMT+7

Game online tuy là những nhân vật ảo, tồn tại trên một thế giới không thật nhưng thực tế các nhân vật trong game chính là đại diện của những con người thật sự, giao tiếp giữa các nhân vật là giao tiếp giữa các người chơi với nhau. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ có vài người chơi hay một nhóm nhỏ chơi với nhau như thời game nối mạng nội bộ (Lan).

Cũng như trong xã hội, người chơi trong game có người tốt, kẻ xấu. Nhưng có một điều rất khác biệt với thế giới thực là người chơi không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong game. Không thiếu những trường hợp mạt sát nhau trong game bằng những lời lẽ thô tục nhất mà nếu ngoài đời ít ai dám sử dụng.

Chửi nhau trong game hiện đang được coi là cái mốt của dân game online, tranh chỗ luyện cấp: chửi, bán đồ không ai mua: chửi. Người hay bị chửi nhất chính là đội ngũ quản lý game, mạng chậm một chút, chơi không ưng ý một chút là không thiếu người chơi lôi cả tổ tiên dòng họ GM, Admin (những người quản lý game) ra chửi bằng những ngôn từ nặng nề nhất dù đôi khi lỗi không hề liên quan gì đến họ.

Và đến khi lậm game vào máu thịt người chơi cũng đồng thời lẫn lộn cả thế giới thật và ảo, những ngôn từ trong game được mang ra khỏi màn hình bay vào thế giới thật trở thành những vết đen trong giao tiếp hằng ngày.

Tại một điểm chơi game trên đường Thành Thái quận 10 (TP.HCM), T.Hùng - một cậu bé 13 tuổi - thách đấu với một thanh niên cùng ngồi trong một tiệm game. Nhân vật của cậu thắng, đối phương phải bỏ chạy và theo thói quen cậu cứ ngồi oang oang vừa chửi trên mạng vừa chửi ngoài đời với lời lẽ thô tục không thể chấp nhận được. Và kết quả là nếu không có nhiều người can ngăn thì chủ nhân cao thủ Cái Bang 8x với Hàng Long Hữu Hối hộ thân đã không chỉ tím mắt gãy hai cái răng chạy ra khỏi tiệm game mà còn có thể phải vào bệnh viện vì đối phương ngoài đời trội hơn hẳn cậu về sức lực.

Bản thân các hãng game trong nước cũng đang làm mọi cách ngăn chặn tình trạng vô văn hóa trên thế giới game của mình. Trong đó việc ngăn chặn triệt để nhất hiện nay thuộc về các game của Công ty FPT. Nếu trong game PTV*, bất cứ người chơi nào chửi bậy bị người chơi khác chụp hình (bằng một phím bấm trên bàn phím) đều sẽ bị treo nick một thời gian hay vĩnh viễn tùy mức độ.

Trong game M.U một loạt các từ chửi bằng tiếng Anh bị khóa lại, nếu dùng sẽ chỉ nhận được thông báo “Bạn nên lịch sự hơn khi trò chuyện”, có lẽ vì câu chửi trong tiếng Việt quá đa dạng nên việc ngăn chặn vẫn dựa vào phát hiện của người chơi khác. Thế nhưng với đội ngũ khoảng vài chục GM thật khó có thể quản lý một thế giới tới gần triệu người như hiện nay.

Game online đang là một loại hình giải trí thu hút nhất hiện nay, thế nhưng hàng loạt vụ án do các game thủ gây ra trong cuộc đời thực đang gióng lên tiếng chông báo động về sự say mê quá mức game online. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ đổ hết tội lên đầu game online, còn nhớ thập niên 80-90 khi dòng máy game dùng băng đang làm mưa làm gió, cũng đã xảy ra nhiều vụ án mà thủ phạm là những thanh niên do quá nghiện chơi game gây ra. Không cần phải game mà bất kỳ sự đam mê thái quá loại hình giải trí nào cũng có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngăn chặn game online bằng các biện pháp kỹ thuật (như giới hạn thời gian chơi trong ngày) tỏ ra không mấy khả thi khi các game bạo lực nhất, hấp dẫn nhất trên mạng hiện nay lại là các game có máy chủ đặt ở nước ngoài. Mặc dù đã là một loại hình giải trí thu hút rất đông thanh niên nhưng đến nay việc quản lý về mặt xã hội vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào các đơn vị kinh doanh game và sự tự giác của game thủ. Phải chăng đã đến lúc cần có sự hợp tác từ nhiều cơ quan chức năng để game online trở thành một trò chơi giải trí đúng nghĩa...

Theo Tường Vy
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.