Ấm áp những tấm lòng sau bão

26/12/2006 22:42 GMT+7

Tiếp tục chương trình cứu trợ cho dân nghèo bị nạn trong cơn bão số 9, sáng 25.12, anh Nguyễn Công Khế, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã đến xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, để thăm hỏi bà con và trao 100 triệu đồng, là số tiền của bạn đọc khắp mọi miền đóng góp, cứu trợ cho 200 hộ dân nghèo có nhà bị sập hoặc bị tốc mái trong cơn bão vừa qua.

Bình Đại là huyện chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Bến Tre trong bão số 9, đến nay vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà không nóc.

Tại điểm phát quà cứu trợ là Trạm y tế xã Đại Hòa Lộc, khi chúng tôi đến thì đã có hàng trăm người dân đã tới sớm và chờ đợi, hầu hết là phụ nữ và người già, ai cũng muốn được trình bày hoàn cảnh của mình. Cụ Phạm Thị Nhớ, 85 tuổi, đang ngồi ở giường bệnh của trạm y tế, nói với anh Nguyễn Công Khế: "Nhà tui ở ấp Bình Lộc đã bị sập do bão. Mấy ngày nay nhờ bà con giúp đỡ, khúm lại cái chòi cho tui ở tạm. Tiền bạc không có, gạo ăn thì lo từng bữa". Bà Đặng Thị Chùi, 65 tuổi, ấp Bình Huề 2, không giấu được xúc động khi cầm số tiền của bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ. Bà nói sẽ dùng số tiền để sửa lại căn nhà tình nghĩa đã bị tốc hết mái do bão gây ra.

Cũng trong buổi sáng tại Đại Hòa Lộc, trong khi chờ đợi bà con tới nhận quà chúng tôi đã được nghe kể nhiều về một bà mẹ Việt Nam anh hùng giàu lòng trắc ẩn, bà Huỳnh Thị Bích, 85 tuổi, sống tại ấp Bình Lộc. Bão số 9 tràn qua, ngôi nhà mẹ cư ngụ cũng tốc mái, vẹo cột, banh vách... như bao nhà hàng xóm. Thế nhưng, khi nhận 10 triệu đồng tiền cứu trợ từ các nhà hảo tâm dành riêng cho mình, mẹ đã đem toàn bộ số tiền  đó đi mua gạo, cất nhà cho bà con chòm xóm. Được biết, chồng và con trai độc nhất của mẹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đã mấy mươi năm nay mẹ sống lui cui một mình.

Chị Lê Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, kể: "Mẹ đi lòng vòng quanh xóm, gặp ai túng bấn, người thì bả cho năm mười lít gạo, người thì bả cho năm ba chục ngàn đồng, chỉ mấy bữa đã chi ngót nghét 5 triệu đồng. Riêng 5 triệu đồng còn lại tiếng là bả nói giữ lại nhưng thực ra cũng đã cho hết 4 hộ có nhà sập trong xóm mượn để mua vật liệu gây dựng lại nhà, nên trong mình chẳng còn giữ lại đồng nào". "Vậy chớ bây tính coi - mẹ gạt ngang lời chị Hà - ở đời, sống phải có nhân có nghĩa. Thấy người ta quá khó khăn, mình có khả năng giúp mà lại không giúp thì coi sao đặng!...". Dì Tư, một bà cụ láng giềng với mẹ Bích bấm bấm tay chúng tôi nói nhỏ: "Bả đem gạo cho người ta vậy chớ hồi sáng qua bả phải xách lúa nhà đi chà mới có gạo ăn đó. Tui thấy chú Tổng biên tập tính chuyện đưa má Bích lên Sài Gòn khám trị bệnh là đúng ý trong bụng bà con xứ này đó!".

Anh Nguyễn Công Khế ôm vai mẹ hỏi sao mẹ không giữ lại một ít tiền để chi xài lúc thắt ngặt. Mẹ móm mém cười hồn hậu: "Ôi, bây đừng lo, hằng tháng mẹ có 900 ngàn tiền chế độ là đủ sống rồi. Mà thấy chung quanh chòm xóm nhiều người túng quá, còn lâm cảnh ngặt hơn mình, mình chịu không nổi! Giờ bây lại giúp má 2 triệu nữa thì má có lo gì nữa đâu!". Trên đường về lại thị xã Bến Tre, anh Nguyễn Công Khế cứ nhắc mãi chuyện mẹ Bích và nói: "Tấm lòng mẹ bao dung quá, việc làm của mẹ bình dị thật nhưng đã đánh động suy nghĩ của biết bao người xung quanh".

Trong đợt công tác xã hội lần này, Báo Thanh Niên đã trao tiếp 10 triệu đồng cho 10 cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ, 2 triệu đồng của bạn đọc gửi cho nhà thờ Bình Đại, 4 triệu đồng cho 2 gia đình gặp nạn trong cơn bão số 9 gây ra.

Hoàng Phương - Khoa Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.