Nghĩ kỹ... trước khi sắm đồ

29/12/2009 09:44 GMT+7

(TNTT>) So với “tái chế”, “tiền tái chế” (việc ngăn ngừa tạo ra chất thải) được cho là giải pháp tốt hơn nhiều về tác động môi trường vì hạn chế chất thải, giúp tiết kiệm năng lượng, tiền bạc và bảo tồn nhiều nguồn lực.

“Tiền tái  chế” (Precycling) và ích lợi?

“Tiền tái chế” là việc ngăn ngừa tạo ra rác thải thông qua việc giảm thiểu mua các vật dụng, tái sử dụng chúng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua bất kỳ thứ gì. “Tiền tái chế” sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải, bảo tồn nguồn lực và tiết kiệm tiền.

Trước khi mua vật dụng gì, bạn nên nghĩ cho kỹ càng liệu có thực sự cần chúng hay không. Nếu không thực sự cần và vẫn có thể tiếp tục sử dụng vật đang dùng, tốt nhất bạn đừng mua nó để tránh tạo ra chất thải hay lãng phí. Nguyên nhân là chất thải này cho dù là loại có thể tái chế được vẫn đòi hỏi tiêu tốn một nguồn năng lượng đáng kể để vận chuyển chất thải, làm chúng phân rã ra trước khi đưa vào quy trình sản xuất để tạo ra một sản phẩm mới.

Xét về khía cạnh môi trường, so sánh với “tái chế”, “tiền tái chế” thực sự tốt hơn nhiều vì mang tính chủ động phòng ngừa (không tạo ra rác thải) trong khi tái chế ở thế bị động hơn, là việc cần tiến hành sau khi đã tạo ra chất thải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường. Mặt khác, “tiền tái chế” nhấn mạnh đến việc giảm thiểu nhu cầu mua vật dụng và tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, giúp tiết kiệm năng lượng, thời gian, tiền bạc, không gian bãi rác, nguồn tài nguyên tự nhiên và chi phí vận chuyển, xử lý rác…

Làm gì để hạn chế rác thải (tiền tái chế)?

Về mặt nhận thức 

Dạy con trẻ nhận thức về “tiền tái chế” là một việc làm nên được các bậc cha mẹ chú trọng ngay từ nhỏ để giúp trẻ sớm xác lập ý thức chăm sóc môi trường sống, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và biết chia sẻ với những người xung quanh.

Có 3 điều bạn cần lưu ý để hướng đến “tiền tái chế” gồm: nâng cao nhận thức của chính mình về vấn đề giảm thiểu nhu cầu vật dụng, tái sử dụng chúng. Thứ đến là thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo ra rác thải của bạn. Cuối cùng là chia sẻ nhận thức về vấn đề tiền tái chế với người xung quanh để cùng thực hiện.

Hành động cụ thể

• Bạn nên sử dụng vật dụng có thể dùng nhiều lần thay vì dùng một lần rồi bỏ đi như khăn vải thay khăn giấy; pin sạc thay pin dùng một lần; chén, bát, ly, tô, muỗng dùng nhiều lần; tã vải cho em bé thay vì tã giấy; dùng túi xách để đi chợ, đi siêu thị thay bịch nylon…

• Những vật dụng còn tốt nhưng không sử dụng đến như quần áo, bàn ghế, đồ chơi trẻ con có thể đem tặng cho các tổ chức từ thiện, cho những người xung quanh nghèo khó hơn để tránh lãng phí.

• Cố gắng sửa chữa các đồ dùng bị hư hỏng trước khi thải bỏ để mua mới.

• Những vật dụng, phương tiện, dụng cụ không dùng thường xuyên thì cân nhắc đến việc thuê, mướn, mượn của người thân quen thay vì sở hữu riêng.

• Tái sử dụng vật dụng cho nhiều mục đích chẳng hạn nước giặt giũ, rửa rau có để đem dội toilet; quần áo cũ sờn có thể sử dụng bằng cách cắt ra làm giẻ lau bếp, lau xe thay vì mua khăn;  giấy ở văn phòng, công sở nên được dùng cả hai mặt và hết khoảng trắng trước khi bỏ đi...

- Ưu tiên sử dụng tài liệu điện tử thay vì tài liệu bằng giấy. Ưu tiên các vật dụng, sản phẩm có thể tái chế.

• Khi mua sắm, cố gắng mua với số lượng lớn ít bao bì, lựa chọn trái cây rời thay vì đóng gói sẵn để tránh tạo ra bao bì, không yêu cầu túi đựng nếu mua với số lượng ít có thể cầm tay…

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.