Ringo Le: "Tôi muốn làm phim về giới trẻ Việt Nam"

24/12/2005 23:00 GMT+7

Mười hai năm trước, trên chuyến bay trở về Mỹ, một cậu bé 14 tuổi ngồi bên mẹ khóc thật ngon lành. Người mẹ cứ gặng hỏi điều gì khiến cậu phải sụt sùi. Cậu bé ấy không nói lời nào, lặng lẽ nhìn lại quê hương qua khung cửa kính. Giọt nước mắt là lời thổn thức của con tim khi lần đầu cậu được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Chiếc Boeing bay vút lên bầu trời. Phía sau làn khói trắng là lời thì thầm, nhắn nhủ của cậu: ước nguyện ngày nào đó sẽ làm được chút gì cho quê hương...

Cậu bé ngày xưa giờ đã lớn. Đó là chàng trai 26 tuổi, được mọi người biết đến với cái tên Ringo Le (Lê Quang Vinh). Theo gia đình định cư tại Mỹ từ năm 1 tuổi, những tưởng Ringo Le sẽ trở thành một chàng trai Mỹ thực thụ, nhưng khi tiếp xúc, dường như chất Việt vẫn luôn chảy trong huyết quản của anh. Là con lớn trong gia đình có bốn anh chị em, Ringo Le được gia đình giáo dục rất cẩn thận để giữ văn hóa Việt. Dù chưa thể nói chuẩn xác nhưng Ringo đã rất cố gắng diễn đạt cảm xúc bằng tiếng mẹ đẻ trong những ngày sống tại Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Ringo Le theo học trường y được vỏn vẹn đúng 3 tháng. Những kiến thức khoa học của ngành y không làm Ringo Le cảm thấy hứng thú. Anh xin phép cha mẹ chuyển sang ngành điện ảnh. Được thỏa chí, Ringo Le miệt mài học tập và đã đoạt hạng ưu chuyên ngành điện ảnh, truyền hình tại Đại học Los Angeles (California). Sau đó anh nhận học bổng tiếp tục tham dự khóa đào tạo viết kịch bản do Trường đại học UCLA cấp. Tại đây Ringo Le được sự dìu dắt của người thầy kiêm đạo diễn lừng danh của Mỹ là Rob Marshall (đạo diễn phim Chicago, đoạt Oscar năm 2003). Ra trường, Ringo Le trở thành thành viên của Hiệp hội những nhà làm phim người Mỹ gốc Á.

Ý tưởng đầu tiên của Ringo Le là thực hiện một bộ phim hoàn toàn thuần Việt ngay tại quê nhà. Với những lần đi lại như con thoi giữa Hollywood và Sài Gòn, bao lần đứng chết lặng như trời trồng giữa phố thị, ngắm nhìn những tà áo dài bay trong nắng và gió, những em bé vội vã đến trường, anh công nhân đến nhà máy..., tâm hồn Ringo Le chợt ấm lại qua những hình ảnh rất thực của đời thường và kịch bản phim cũng hình thành từ những cảm xúc đó. "Sống ở Mỹ từ bé, tôi vẫn không cảm thấy mình là một người Mỹ thực thụ. Lần đầu tiên về lại quê nhà, cảnh vật và con người đều xa lạ nhưng tôi đã nhanh chóng cảm thấy thân quen. Tôi thật sự nhận ra mình là người Việt Nam, tóc đen, da vàng. Quê hương từ trong máu thịt như những gì mà nó vốn có, tồn tại trong huyết quản của tôi vẫn luôn chảy mãi" - Ringo Le nói.

Chàng trai trẻ đã làm được điều mình ấp ủ: thực hiện bộ phim Sài Gòn tình ca sau gần 2 năm "vật lộn" với không ít khó khăn. Dù còn nhiều thiếu sót vì là phim đầu tay của một Việt kiều trẻ nhưng Sài Gòn tình ca được giới chuyên môn trong ngành điện ảnh đánh giá là một bộ phim nghiêm túc, nội dung tích cực, đề cao nét đẹp tâm hồn người Việt qua các mối quan hệ. Tình yêu, tình mẫu tử, tình bạn bè và tình đồng loại đan xen nhau qua các tuyến nhân vật thể hiện rõ cá tính của chàng đạo diễn trẻ: nhẹ nhàng, trầm lặng và đa cảm. Tác phẩm điện ảnh đầu tay này Ringo Le dành tặng mẹ và là món quà ra mắt khán giả quê hương.

Ringo Le bộc bạch: "Tôi phác họa hình tượng nhân vật với mong muốn họ tiêu biểu cho giới trẻ Việt Nam: độc lập, mạnh mẽ nhưng đầy ắp tình người. Tôi cố gắng để các nhân vật của mình trở thành tấm gương phản ánh khát vọng sống của tuổi trẻ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Tôi rất xúc động khi bộ phim Sài Gòn tình ca hoàn thành. Tôi nhìn thấy bóng dáng cha mẹ và cả mình trong đó".

Bản thảo kịch bản phim được Ringo Le viết bằng tay là một bất ngờ thú vị với Ban giám đốc Hãng phim Giải Phóng - đơn vị cùng hợp tác sản xuất bộ phim này. Đây quả là điều hiếm thấy khi hiện nay đa số kịch bản đều được viết trên computer. Qua bộ phim, Ringo Le muốn chuyển tải tình cảm của mình với quê nhà bằng một con tim luôn hướng về nguồn cội. Và anh đã làm được điều mơ ước đó.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.