Việt Nam là "nam châm" tự nhiên đối với nhà đầu tư quốc tế

16/12/2007 22:43 GMT+7

* Việt Nam, Singapore sẽ là đầu tàu hội nhập kinh tế của ASEAN * Không có những công thức thần bí trong thành công của Singapore Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa dành cho phóng viên Báo Thanh Niên tại Singapore một cuộc phỏng vấn về các vấn đề kinh tế và phát triển của hai nước và khu vực.

* Thanh Niên: Thưa Thủ tướng, ông có thể nói gì về sự phát triển của Việt Nam, quốc gia tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong những năm qua?

- Thủ tướng Lý Hiển Long: Tôi rất ấn tượng trước sự tiến bộ nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986. Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong ASEAN và thứ hai châu Á, là một điển hình về cách thức mà các quốc gia thu hẹp khoảng cách phát triển bằng cách mở cửa nền kinh tế và nối kết với các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó tốt cho ASEAN. Có nhiều câu chuyện thành công như thế, thế giới sẽ quan tâm đến ASEAN hơn.

* Theo Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Singapore đang đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về tiềm năng đầu tư ở Việt Nam? Lĩnh vực nào là ưu tiên đầu tư đối với Singapore?

- Câu chuyện tăng trưởng mang tính hiện tượng của Việt Nam làm cho nước này trở thành một thỏi nam châm tự nhiên thu hút các nhà đầu tư Singapore và từ những nơi khác. Ngày nào Việt Nam còn tiếp tục đẩy mạnh cải cách, các nhà đầu tư quốc tế sẽ còn tiếp tục nhìn thấy cơ hội. Singapore là một đối tác đầu tiên của câu chuyện tăng trưởng ở Việt Nam. Từ năm 2005, chúng ta đã có với nhau Hiệp định khung liên thông, cho phép hai nước tận dụng các thế mạnh và năng lực của nhau.

Phát triển đô thị, cảng và hậu cần là những lĩnh vực thiết yếu trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo của Việt Nam. Singapore lại có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực này, cả trong khu vực Nhà nước và tư nhân. Vì thế, có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực này và những lĩnh vực khác nữa. Việt Nam đã là thị trường ưu tiên đối với những công ty Singapore mạo hiểm ở nước ngoài. Quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ sẽ trao thêm niềm tin cậy đối với những công ty Singapore để họ đầu tư mạnh hơn ở Việt Nam.

* Theo quan sát của cá nhân tôi, tại các cửa hàng và siêu thị ở Singapore, có rất ít hàng hóa nhập từ Việt Nam. Tại sao? Chính phủ Singapore liệu có xem xét lại các chính sách nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho sản phẩm từ Việt Nam như nông sản, hàng may mặc…?

- Trái lại thì có! Chúng tôi nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Việt Nam. Năm ngoái, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, với tổng giá trị nhập khẩu hơn 2,6 tỉ đô la Singapore (hơn 1,7 tỉ USD), gồm giày dép, đồ may mặc, thực phẩm, đồ điện và hàng điện tử. Nền kinh tế Singapore hoàn toàn mở và vận hành theo cơ chế thị trường. Việc nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào vì thế cũng dựa trên tính cung-cầu của thị trường.

Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa. Với mức tương tác ngày càng tăng giữa hai nước chúng ta, tôi tin rằng thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn.

Vai trò của Việt Nam

* Thưa Thủ tướng, lãnh đạo các nước ASEAN đã đặt ra mục tiêu xây dựng khối này thành một tổ chức liên chính phủ hoạt động trên những nguyên tắc chặt chẽ giống Liên minh châu u và một thị trường chung. Trong tình hình hiện tại, các nước trong ASEAN đang ở những trình độ rất khác nhau, một số nước khá tiến bộ như Singapore, Malaysia, Thái Lan, trong khi một số còn rất thấp như Lào, Campuchia, Myanmar. Vậy điều gì có thể giúp những mục tiêu này thực hiện được? Khi nào thì có thể thành hiện thực?

- Một trong những thách thức chính của chúng ta là làm sao để các nước trong ASEAN cùng nhau tiến lên bất kể những khác biệt về trình độ phát triển và sự đa dạng về nền tảng quốc gia.

Có 2 yếu tố then chốt. Thứ nhất, chúng ta phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và duy trì được sự hợp nhất và hội nhập. Khi đó chúng ta có thể cạnh trạnh được với những nền kinh tế lớn hơn, mạnh hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và có thể có tiếng nói trước những vấn đề quan trọng đối với chúng ta. Hiến chương ASEAN mà chúng ta đã ký thông qua hồi tháng trước là một bước tiến đáng kể. Bây giờ, chúng ta sẽ phải theo đuổi nó, thực thi những cấu phần quan trọng của bộ khung Hiến chương trong vòng vài năm tới. Thứ hai, chúng ta phải xây dựng những nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực. Chúng ta hy vọng đạt được điều này thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). AEC vạch rõ những mục tiêu và cam kết để có được một thị trường và nền tảng sản xuất chung vào năm 2015. ASEAN cũng có những sáng kiến để đảm bảo một sự phát triển kinh tế cân bằng, giảm thiểu nghèo đói và những cách biệt về mặt kinh tế-xã hội.

* Singapore trong vai trò quốc gia dẫn đầu về công nghệ cao và trình độ quản lý có thể đóng góp những gì cho những mục tiêu nói trên? Và vai trò của Việt Nam như thế nào?

- Singapore đã và đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và hội nhập trong ASEAN bằng Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) và ASEAN điện tử. IAI tập trung phát triển nhân lực. Từ năm 2000, Singapore đã huấn luyện trên 20.000 lao động của ASEAN về các kỹ năng ngôn ngữ, công nghệ thông tin và chính phủ điện tử, hành chính công, thương mại, quản lý môi trường và du lịch. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 vừa qua, Singapore cam kết đóng góp 1/3 hỗ trợ cho IAI, trị giá 120 triệu đô la Singapore (80 triệu USD). Là điều phối viên của chương trình ASEAN điện tử, Singapore nỗ lực tự do hóa thương mại đối với sản phẩm, dịch vụ và đầu tư về công nghệ thông tin viễn thông (ICT) trong ASEAN để tăng cường tính cạnh tranh của khu vực trong lĩnh vực này. Singapore cũng sẽ phối hợp với các nước trong ASEAN lập ra một biểu ghi để kiểm soát tiến trình thực hiện AEC và thuận lợi hóa việc xây dựng những Thỏa thuận mậu dịch tự do với các đối tác đối thoại của chúng ta.

Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc định hình AEC. Việt Nam đã và đang thể hiện những cam kết hợp tác kinh tế của mình thông qua nỗ lực tự do hóa và mở cửa nền kinh tế. Nước này cũng đang dẫn dắt nhiều sáng kiến hội nhập kinh tế trong khu vực và là một hình mẫu tích cực cho các thành viên ASEAN. Việt Nam nên tiếp tục cổ vũ hội nhập trong ASEAN bằng cách thực thi các cam kết của mình và giải quyết những thách thức và các vấn đề mới. Singapore và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau để đảm bảo cho việc thực hiện thành công AEC và hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của ASEAN.

Bài học Singapore

* Nhìn lại quá trình phát triển của Singapore, đâu là những yếu tố then chốt đưa đất nước ông lên trình độ tiên tiến và thịnh vượng như hiện nay từ một hòn đảo gần như trắng về tài nguyên?

- Cho phép tôi nhấn mạnh 3 chiến lược lớn mà chúng tôi luôn theo đuổi. Thứ nhất, chúng tôi mở cửa nền kinh tế, cả về thương mại và đầu tư. Chúng tôi tự cài mình vào mạng lưới toàn cầu, nối kết với những nước khác và đi cùng những thay đổi xung quanh mình. Thứ hai, chúng tôi liên tục tự nâng cấp mình và luôn đi trước một bước trong cạnh tranh. Chúng tôi ra sức biệt hóa mình với những người khác bằng cạnh tranh không chỉ về giá mà cả chất lượng, sự đồng bộ và độ tin cậy. Chúng tôi làm hết sức để thực thi điều mình hứa để tạo được một môi trường sống và nền kinh doanh chất lượng cao và đáng tin cậy. Thứ ba, bởi không có tài nguyên thiên nhiên, chúng tôi đầu tư nặng vào con người và giáo dục để mỗi người có thể phát huy hết tài năng và khả năng họ có. Chúng tôi xây dựng một hệ thống mở và trọng dụng nhân tài, tạo lập sự bình đẳng về cơ hội cũng như một ý thức bình đẳng, để mọi người dân Singapore có những cơ hội tiến lên tối đa bằng chính nỗ lực của chính họ.

Không có những công thức thần bí cho sự thành công. Nhưng với những nỗ lực không ngừng, chúng tôi áp dụng thành công 3 chiến lược nói trên và mang lại những kết quả cho Singapore.

* Xin Thủ tướng cho biết những vấn đề Singapore đang gặp phải có thể cản trở quá trình phát triển của mình. Singapore làm gì để vượt qua?

- Trong vòng 5-10 năm tới, có 2 thách thức tiếp tục làm mới Singapore và giúp chúng tôi bắt kịp với những thay đổi. Thứ nhất, chúng tôi phải tiếp tục nâng cấp và biến đổi mình. Điều này có nghĩa là chấp nhận những thay đổi mau chóng trong nền kinh tế, và chuẩn bị đào thải những công việc cũ, đồng thời đưa vào những công việc mới. Điều đó cũng có nghĩa là đào tạo cho mỗi người những kỹ năng mới, dạy cho thanh niên những môn học thích hợp ở mọi bậc học, dù là ở trường đại học, cao đẳng hay học viện kỹ thuật. Thứ hai, chúng tôi phải giúp người dân Singapore thích nghi với môi trường thay đổi.

Những thay đổi này là tích cực đối với cả nước nói chung, nhưng một số công dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và số khác sẽ thấy thật khó để chấp nhận, đặc biệt là trong ngắn hạn. Chúng tôi đã nhìn thấy điều này qua sự phân hóa thu nhập của người dân trong những năm gần đây. Chính phủ đang làm nhiều hơn để giúp những người có thu nhập thấp và không có tay nghề. Chúng tôi giúp họ tìm công việc tốt hơn nhờ tái đào tạo, nâng cao tay nghề và thiết kế lại công việc. Chúng tôi cũng trao cho họ những quyền lợi cộng thêm thông qua các mô hình như Workfare, một dạng đánh thuế thu nhập âm, để bù thêm vào nguồn thu và tiết kiệm của những người có thu nhập thấp một cách thường xuyên.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore, thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.