Khủng hoảng tài chính ở Mỹ và những kinh nghiệm cho nền kinh tế Việt Nam

01/11/2008 23:03 GMT+7

Mặc dù nền kinh tế VN về trực tiếp bị ảnh hưởng không đáng kể từ cơn khủng hoảng tài chính của Mỹ, nhưng với sự suy thoái toàn cầu, nền kinh tế VN đang bị “ngấm” không ít khó khăn.

Hai vấn đề đáng quan tâm 

Vấn đề thứ nhất là nguồn vốn đầu tư. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ chính là đầu tư quá mức vào bất động sản (BĐS) với nguồn vốn được chứng khoán hóa tăng gấp nhiều lần. Phân tích nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS có nguồn vốn của nước ngoài rất lớn, chiếm từ 50% - 70%, khiến thị trường BĐS Mỹ trở thành bong bóng sau 5 năm phát triển liên tục (2002 - 2007).

Như vậy với nội lực rất mạnh và khả năng tiêu hóa vốn đầu tư của thị trường Mỹ rất tốt mà vẫn bị bội thực, làm BĐS tăng giá ảo (tăng 57% sau 5 năm). Điều này rất đáng suy nghĩ cho thị trường BĐS và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2007.

Với vốn tín dụng từ ngân hàng trong nước tăng từ 25% lên 54% trong năm 2007, cho vay trực tiếp và gián tiếp vào BĐS đã tạo nên cơn sốt cực độ cuối năm 2007 mà bây giờ cùng với sự đóng băng khiến cho các khoản nợ này đang là bài toán lớn cho hệ thống ngân hàng. Còn đối với TTCK thì năm 2007, nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào VN khoảng 6,5 tỉ USD, tăng gấp 5 lần năm 2006 cũng gây lên cơn sốt chứng khoán, khiến sau đó thị trường đã sụt giảm quá mạnh (hơn 70%) gây thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiên trọng đến nhiệm vụ phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Như vậy có thể rút ra nhận định nguồn vốn đầu tư là quan trọng cho nền kinh tế, nhất là những nước đang phát triển như VN rất cần nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn vốn này cần phải được tăng trưởng một cách hợp lý hòa hợp với nguồn lực trong nước mới bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Do vậy với quan điểm của Quốc hội giảm đầu tư từ ngân sách cho tập đoàn - doanh nghiệp nhà nước năm 2009 là rất hợp lý.

 

Chỉ số giá căn hộ ở TP.HCM

Vấn đề thứ hai là đầu tư BĐS. Hiện nay có quan điểm cho rằng BĐS đã xuống quá thấp, cần phải kích lại thị trường để tránh ảnh hưởng cho hệ thống ngân hàng cũng như góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu quan sát giá BĐS của Mỹ và độ giảm giá năm 2008 của BĐS Việt Nam thì thấy mức giảm giá còn quá ít. Đặc biệt từ năm 2002 - 2007, giá BĐS Việt Nam tăng liên tục mạnh gấp nhiều lần so với BĐS Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng giá BĐS đã vượt quá mức khả năng mua nhà của người có nhu cầu, cũng như tạo gánh nặng cho doanh nghiệp thuê văn phòng.

Như vậy nếu cho rằng giá BĐS hiện nay đã xuống thấp đến mức hấp dẫn, và ngân hàng cần tăng nguồn tín dụng cho lĩnh vực này thì cần phân tích kỹ hơn. Nếu không sẽ lại dồn vốn vào các dự án BDS, thiếu vốn cho sản xuất sẽ dẫn đến tăng lạm phát và nguy hiểm lớn hơn cho an toàn tín dụng ngân hàng.

Khó khăn và cơ hội phát triển bền vững

Với độ ngấm từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự kiến kinh tế VN sẽ gặp khó khăn trong năm 2009 do các nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế đang bị suy giảm, đó là nguồn vốn đầu tư trong - ngoài nước sẽ bị hạn chế, giá dầu và giá nông sản giảm khiến trị giá xuất khẩu sẽ bị sụt giảm. Tuy nhiên, với những khó khăn về đầu tư và xuất khẩu sẽ là cơ hội cho một cơ cấu phát triển nền kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng GDP một cách bền vững mặc dù tốc độ có thể bị suy giảm nhưng chất lượng sẽ tăng.

Việc giảm đầu tư theo hướng giảm những dự án đầu tư lớn từ ngân sách, chuyển một phần vốn sang các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nâng chất dự án đầu tư nước ngoài, hạn chế những dự án đầu tư BĐS hoành tráng thì việc tiêu hóa vốn đầu tư sẽ tốt nên, hài hòa giữa nội lực và ngoại lực. Đây cũng là điều rút ra từ nhận định khủng hoảng tài chính Mỹ.

 

Chỉ số giá nhà ở Mỹ

Để cải tiến chất lượng và tăng GDP bù đắp cho việc giảm và điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chúng ta cần tăng cường phát triển thị trường nội địa để tăng nội lực đối ứng với xuất khẩu tạo một nền kinh tế bền vững. Thống kê cho thấy bình quân các năm tiêu dùng nội địa chiếm 70% cơ cấu GDP. Lĩnh vực này chúng ta hoàn toàn có thể phát triển trong năm 2009 bằng cách tăng cường đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng cao và hạ giá thành, cải tiến khâu lưu thông phân phối hiện đang có chi phí quá cao.

Ngoài ra, với sự giảm giá mạnh của dầu và nguyên vật liệu trên thế giới là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sản xuất, kích thích tiêu dùng và tạo ra việc làm trong khu vực sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc giảm giá mạnh nông sản (cao su, gạo, cà phê...) cũng là động lực để cải tiến phương thức sản xuất và chế biến xuất khẩu trong lĩnh vực này, tránh tình trạng xuất nhiều nhưng giá trị gia tăng bị phụ thuộc quá nhiều vào giá nông sản thô của thế giới vốn rất biến động theo chu kỳ dù có khủng hoảng hay không.

Chính trong các khó khăn khách quan mà nền kinh tế sẽ phải đương đầu trong các tháng cuối năm 2008 và 2009 sẽ giúp nền kinh tế cơ cấu lại theo hướng hợp lý hơn, từng bước tăng trưởng, trong đó động lực chính là khu vực sản xuất và tiêu dùng.

Khi nền kinh tế đã có bước phát triển ổn định trong năm 2009 và bắt đầu có tích lũy thì sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng vào năm 2010 theo cơ cấu hợp lý trong đó có BĐS. Khi đó dự báo nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển mạnh vào VN, kết hợp với nguồn lực trong nước sẽ giúp kinh tế VN tăng trưởng mạnh bền vững. Do vậy năm 2009 là năm có nhiều khó khăn, cũng là năm mở ra cơ hội rất lớn cho kinh tế VN. 

 Thạc sĩ Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.