Xuất khẩu cá biển sang EU gặp khó trên sân nhà

26/12/2009 23:37 GMT+7

Từ ngày 1.1.2010, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá biển sang châu u (EU) phải áp dụng quy định mới về việc quản lý nguồn gốc sản phẩm đánh bắt. Thời hạn đã gần kề nhưng việc triển khai của các DN vẫn còn hết sức rối rắm.

Nước đến chân mới nhảy

Theo quy định mới của EU về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo (gọi tắt là IUU), EU có trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU không xuất phát từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo đó, cơ quan chức năng của các nước thành viên sẽ từ chối nhập khẩu vào EU các sản phẩm thủy sản nếu bên nhập khẩu không thể trình giấy chứng nhận khai thác sản phẩm thủy sản liên quan sản phẩm hoặc sản phẩm nhập khẩu không cùng chủng loại với sản phẩm ghi trong giấy chứng nhận khai thác.

Năm 2009 đối với các DN xuất khẩu thủy sản thật sự không mấy khả quan. Đến hết tháng 11, cả nước đã xuất khẩu được trên 70.500 tấn mực, bạch tuộc, đạt giá trị trên 250 triệu USD, giảm 13% về lượng và 15,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Riêng trong tháng 11.2009, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt trên 5.900 tấn, giá trị trên 21,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và 13% về giá trị so với tháng 11.2008. Giá trung bình đạt 3,71 USD/kg. Trong khi đó, từ tháng 7.2009 đến nay, tình hình xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam không mấy khả quan, liên tục sụt giảm trong 4 tháng liên tiếp cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2009 dự kiến vào khoảng 4,3 tỉ USD.

Nếu kết quả khám xét cho thấy có chứng cứ tàu đánh bắt của nước thứ ba đã có hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo các tiêu chí quy định, cơ quan chức năng của quốc gia thành viên sẽ không cho phép tàu cập bến và chuyển tải hàng thủy sản đánh bắt được.

Đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bao gồm cả việc trao đổi thương mại hoặc nhập khẩu sản phẩm thủy sản, các quốc gia thành viên EU sẽ  áp dụng việc xử phạt ở mức tối đa, ít nhất gấp 5 lần giá trị của sản phẩm thủy sản sai phạm nghiêm trọng thu được. Trong trường hợp tái phạm một sai phạm nghiêm trọng trong thời gian 5 năm, các thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ít nhất gấp 8 lần giá trị của sản phẩm thủy sản sai phạm nghiêm trọng thu được. Quy định này bắt đầu được áp dụng từ ngày 1.1.2010.

Thời hạn thực thi quy định này đã đến rất gần, tuy nhiên các DN trong nước đang rất bị động vì Bộ NN-PTNT ban hành quy chế để áp dụng quá chậm. Mặc dù EU đã có thông báo từ cách đây hơn 1 năm nhưng đến ngày 4.12 vừa qua, quy chế mới được Bộ NN-PTNT phê duyệt và ngày 20.12 đã là hạn chót để các DN kê khai khối lượng nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc thủy sản khai thác năm 2009 để tổng hợp gửi cơ quan thẩm quyền tại EU.

DN bối rối

Theo ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, việc thực hiện các biện pháp nhằm đăng ký xuất xứ nguồn thủy sản được Tổ chức FAO thông báo­ từ rất lâu.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý trong nước lại làm rất chậm. Sát đến ngày gia hạn của IUU chúng ta mới hoàn thành xong các văn bản pháp quy, gây lúng túng cho các DN và ngư dân. “Khó khăn nhất trong việc thực hiện kê khai xuất xứ nguồn nguyên liệu thủy sản vào châu u mà IUU quy định với ngư dân chính là nhật ký hành trình các chuyến đánh bắt ngoài khơi. Bà con ngư dân lâu nay quen đánh bắt theo kiểu đa ngành, đa loài và nhỏ lẻ; hoàn toàn khác với xu hướng đánh bắt hiện đại là đơn ngành, đơn loài và quy mô bài bản. Do vậy, với ngư dân, thì việc phải ghi nhật ký từ tọa độ đánh bắt, độ sâu của biển, độ dài của lưới… trong mỗi chuyến ra khơi là việc làm hoàn toàn mới, chưa thể đáp ứng ngay. Một khó khăn khác hiện nay là từ trước đến giờ DN rất ít khi mua nguyên liệu từ các chủ tàu, mà mua qua trung gian, các đầu nậu, nên không thể biết xuất xứ nguyên liệu của mình khai thác ở đâu. Do vậy sau khi có quy định bắt buộc của IUU thì DN lại tốn kém thêm tiền bạc để làm lại cả một quy trình khai báo xuất xứ hàng hóa, rất phức tạp” - ông Huỳnh Quang Huy phân tích. 

Đại diện Công ty TNHH thủy sản Nigico cũng cho biết: “Hiện công ty chúng tôi đang gặp khó khăn từ một số khách hàng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do quy định IUU. Thông thường, đến giữa tháng 12, khách hàng đã đặt hàng cho năm sau, nhưng hiện tại họ vẫn đang trì hoãn việc này để chờ các DN có thông tin rõ ràng về việc thực hiện quy định IUU của Việt Nam”. Nhiều DN khác khi được hỏi cũng cho rằng quy chế chứng nhận mới ban hành ngày 4.12 vừa qua vẫn còn nhiều bất cập đối với DN và ngư dân.

Thủ tục xin chứng nhận khai thác quá nhiều khâu, phức tạp, không tập trung vào một mối, làm mất nhiều thời gian. Việc xin chứng nhận cho các tàu khai thác có công suất trên 90 CV thì còn dễ dàng, song với tàu công suất nhỏ dưới 90 CV là rất khó khăn vì đa số là tàu khai thác nhỏ lẻ khó khai báo. Cho đến thời điểm này, vẫn có nhiều cơ quan quản lý ở địa phương và DN chưa nắm rõ về việc thực hiện quy định và quy chế này như thế nào.

Ông Nguyễn Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Bình Thuận, than thở: “Một trong những khó khăn đầu tiên hiện nay khi thực hiện quy định của IUU là số lượng tàu thuyền quá lớn; mà chủ yếu là loại tàu thuyền nhỏ nên chưa có trang bị định vị GPS, việc ghi chép nhật trình là rất khó. Việc phân loài càng khó hơn vì trong mẻ cá có nhiều loài, mà không có loài nào có số lượng áp đảo. Hiện nay số tàu cá không có đăng kiểm, sử dụng chất nổ, vi phạm đánh bắt vẫn còn nhiều. Trong khi đó DN đang thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, tàu cá lại đang bán cho nhiều DN khác nhau nên việc kê khai nguồn gốc khá khó khăn. Đó là chưa kể khi thực hiện quy định thì phải tăng thêm rất nhiều chi phí, sẽ làm cho giá sản phẩm tăng theo”.

Một DN tại Bình Định cho biết mặc dù đã nghe được thông tin EU thông qua quy định này từ năm ngoái nhưng công ty vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. Hiện công ty trên đã tìm nhiều giải pháp như chuyển hướng xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới nhưng thật sự không dễ dàng bởi các thị trường khác nhau có những nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn mặt hàng cá ngừ, EU nhập khẩu nhiều nhưng Mỹ và Hàn Quốc lại không có nhu cầu lớn đối với mặt hàng này. 

Quang Thuần - Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.