Giai thoại Trường viết văn Nguyễn Du: Chuyện những người thầy

20/11/2009 23:05 GMT+7

Trong ký ức của mọi người, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du là một người trí thức kiên định, đã dám chọn và đi đến cùng con đường khó của mình.

Nếu có một cuộc bầu chọn người sống chết nhất với Trường viết văn Nguyễn Du, thì chắc rằng tất cả học viên khóa I sẽ bầu cho tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến. Không chỉ là người lên nội dung chương trình học và chọn giảng viên cho trường, ông còn lặng lẽ ngồi nghe không sót buổi giảng nào, như một học trò chăm chỉ nhất, bởi ông đã nhận về mình phần công việc rất khiêm tốn: giảng bổ sung cho học viên những gì ông cho là còn có thể triển khai thêm trong các bài giảng của giảng viên.

Một số giai thoại về ông chỉ khiến người ta yêu quý ông hơn, về sự lơ đãng của một người đã dành hết thảy tâm trí cho chỉ một việc duy nhất. Có lần, người vợ xinh đẹp của ông trên đường đi đến tòa soạn Báo Phụ Nữ Việt Nam đã quay lại nhà, gọi cửa vì còn bỏ quên gì đó. Ông ra mở cửa cho bà nhưng không hề nhận ra đó là vợ mình, rất lễ phép nhỏ nhẹ hỏi rằng bà cần gặp ai, có việc gì không. Lần khác, sau một hội nghị, ông ra chỗ gửi xe, thản nhiên dắt một chiếc Diamont và ngồi lên, tính đạp đi thì bị một người giữ lại. Rất may là người này đã tin rằng ông chỉ lấy nhầm xe, cũng một chiếc Diamont, mà không gây phiền toái gì cho ông.

Bên cạnh sự đãng trí hết mức của tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là sự kiên nhẫn, nhân hậu, chịu thương chịu khó, nhận hết phần công việc chẳng có gì thi vị và sang trọng về mình - cơm áo gạo tiền trong sinh hoạt hằng ngày và trong những chuyến đi thực tế cho học viên - của Hiệu phó, tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh, trở về từ Cộng hòa Dân chủ Đức. Hai tính cách của hai con người này đã bổ sung cho nhau một cách tuyệt diệu, để đứng cạnh và hỗ trợ nhau, duy trì hoạt động và sự tồn tại của trường, qua bao nhiêu thử thách.

Người thứ ba, thuộc thế hệ trẻ và về Trường viết văn Nguyễn Du trễ hơn chút ít, là tiến sĩ Phạm Vĩnh Cư. Còn trẻ hơn cả số học viên lớn tuổi của lớp, cộng với gương mặt rất “baby” và tật nói lắp, ông  tiến sĩ văn học này ban đầu đã bị học viên chiếu tướng bằng những cái nhìn chẳng mấy thân thiện và tin cậy. Thế nhưng cùng với thời gian và những bài giảng, sự uyên bác, sắc sảo và thành quả nghiên cứu đầy tính khả tín khoa học của ông đã chinh phục tất cả học viên, đưa ông vào danh sách những người được yêu quý nhất. 

Tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh luôn có cung cách của một người anh gần gũi thân ái đối với học viên hơn là một cán bộ quản lý, lúc nào cũng tìm cách cải thiện tối đa đời sống và việc học cho lớp, chẳng quản ngại chuyện phải tốn bao nhiêu thời gian tới lui bao chốn công đường, để đạt cho kỳ được mục đích. Kỷ niệm ba mươi năm ngày khai sinh ngôi trường, ông đã không có mặt, đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng trong tâm tưởng của mọi người, ông không hề xa cách.

Ngày ấy, ông rất hay mời các học viên nữ đến chơi với vợ mình, thực ra chỉ có cớ để đãi mọi người một bữa ăn tử tế. Vợ ông, chị Nghiêm, con gái một gia đình Việt kiều Thái Lan, đã hồi hương theo lời kêu gọi trở về xây dựng đất nước. Mỗi khi chúng tôi đến, vợ chồng ông xuống đường vác xe đạp của chúng tôi lên gác, trong một căn hộ nhỏ ở phố Chân Cầm. Và bao giờ cuộc viếng thăm cũng kết thúc bằng một bữa cơm khá thịnh soạn so với cuộc sống nội trú ăn - như - tu của chúng tôi.

Con gái ông Vinh, Diệu Hương, cũng rất thân thiết với các học viên. Cô gái trắng trẻo ngây thơ, mắt mí lót, xinh xắn, rất giống một búp bê Nhật Bản. Diệu Hương đang theo học lớp ngoại ngữ để chuẩn bị đi du học thì bị tai nạn giao thông. Từ trên xe đạp, cô đã ngã vào chiếc xe ca chạy cùng chiều, không hề bị xây xát hay chảy máu nhưng đã chết ngay tại chỗ. Đám tang cô gái mười tám tuổi với rất nhiều sinh viên cầm hoa đưa tiễn, rất nhiều người quen của gia đình trong giới văn hóa văn nghệ, cùng một đoàn ô tô rất dài chở toàn vòng hoa trắng đã làm rung động bao trái tim người Hà Nội.

Nhìn thấy ông Vinh khóc không ra tiếng và chị Nghiêm ngất đi không biết bao lần, chúng tôi phải cố nuốt nước mắt để an ủi hai người. Nhưng đến lúc hạ huyệt thì đúng là không thể nào chịu đựng nổi. Diệu Hương gương mặt vẫn tươi rói, lại được bè bạn trang điểm cho, nên trông như đang ngủ trong chiếc áo quan vẫn để ngỏ cho đến trước lúc di quan. Nhưng Hà Nội đang mùa mưa, huyệt đầy nước, cả khu nghĩa trang cũng ứ đầy nước, không cách gì làm khô đi được. Lúc hạ huyệt, quan tài bị nước đẩy nổi lên, và người ta phải lấy những cây tre dài cố đè xuống để có thể lấp đất lên. Tiếng những xẻng đất to tới tấp rơi trên chiếc áo quan bị dìm trong nước bùn đen sánh, và gương mặt tươi rói như đang ngủ của Diệu Hương vẫn cứ hiển hiện trước mắt tôi khiến suốt một thời gian dài, tôi không cách gì dỗ mình ngủ được.

Nhưng nỗi đau, nỗi mất mát to lớn ấy đã không quật ngã được tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh. Ông vẫn tiếp tục gánh vác những công việc không dễ chịu chút nào ở trường. Và về sau, chính nhờ công khó nhiều năm đi lại, vận động, thuyết phục của ông, thủy điện Hòa Bình đã tài trợ cho trường xây lại dãy nhà tranh vách đất thành một dãy nhà mái fibro xi măng, vách tường, với phòng ở 9 mét vuông cho mỗi học viên, được trang bị cả giường - tủ - bàn tươm tất, có cả điện - nước - nhà vệ sinh riêng cho cả khu, giống như một giấc mơ hoàn hảo cho tất cả những sinh viên đang trọ học ở thủ đô. Nhưng, cái chuyện đẹp đẽ này chỉ có thể xảy ra vào 10 năm sau, là chuyện sẽ thuộc về khóa 4, khóa 1989-1992.

Còn chúng tôi ngày ấy, sau những giờ lên lớp, vẫn ngày hai bữa sắp hàng dọc theo mái tranh, đứa lặt rau, đứa vo gạo, mỗi phòng lỉnh kỉnh một xô nước, cùng với thau chậu, nồi niêu xoong chảo... Tiếng ro ro thuốc lào từ các phòng nam, tiếng hát nhạc Trịnh từ các phòng nữ, đôi khi có cả tiếng guitar bập bùng, tiếng  harmonica réo rắt của những kẻ lười biếng không nấu ăn, hay tiếng đọc thơ véo von của một khách đến chơi nào đó... Cứ sau mỗi kỳ mua được lương thực, cả đám lại đèo nhau ra Ô Chợ Dừa đổi gạo, mỗi khi nghe đâu đó bán vải, bán thịt cá lại réo nhau đi xếp hàng mua, và mỗi khi ra phố lượn lờ bách hóa lại rủ nhau đi thành nhóm. Chẳng có ai đơn độc trong cái tập thể đã được gắn kết một cách tình cờ nhưng rất chặt vào nhau này.

Mỗi người trước khi ra đến trường đã cắt tất cả những tiêu chuẩn sinh tử của mình ở địa phương: hộ khẩu, lương hướng, và cả tem phiếu để mua mọi thứ: lương thực, thực phẩm, vải. Giờ đây, chúng tôi chỉ có ngôi trường này là mái nhà chung duy nhất, tập thể này là gia đình thứ hai, và số phận của ngôi trường cũng chính là số phận của mỗi chúng tôi.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.