Chuyện về những "diễn viên thầm lặng"

29/10/2005 19:44 GMT+7

Diễn viên thầm lặng" là từ do ông "đại tổng quản" Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm HLTT quốc gia I ưu ái đặt cho những đầu bếp của trung tâm. Vào một ngày đẹp trời trước thềm SEA Games 23, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến màn trình diễn điêu luyện của những “diễn viên” chưa từng một lần lên sân khấu. Thành công của thể thao Việt Nam, nói không quá, có lẽ cũng bắt nguồn từ những... gian bếp và từ công sức rất lớn của những tay dao, tay thớt này...

1 người vì 10 người

7h sáng, "đột nhập" khu tiếp phẩm tại Nhổn City ("biệt danh" của Trung tâm I), dưới sàn là 6 con cá quả to đùng, con nào con nấy mẩy căng, nặng chừng 2kg. Một đầu bếp trẻ bắt lấy một chú cho lên thớt, cạo lớp vây rèn rẹt. 3 chiếc bếp gas công nghiệp thè lưỡi lửa xanh lè, tiếng xào nấu và mùi thơm bắt đầu lan tỏa. Nhìn lên thực đơn trong ngày, thấy dạ dày cũng muốn cồn cào: cá basa tẩm bột, thịt xào măng, chân giò luộc, bò xào cần tỏi, canh cải nấu thịt, cá quả hấp bia, đậu phụ sốt cà chua thịt, nước cam và hồng tráng miệng...

Ở Nhổn có tới 300 VĐV, mỗi ngày ăn 4 bữa (với giá 100.000 đồng) mà chỉ có vỏn vẹn 28 đầu bếp, vị chi là 1 người phục vụ 10 người. Mỗi ngày trung bình các cô cấp dưỡng ở đây chi tới 30 triệu đồng tiền mua thực phẩm. Thời kỳ cao điểm tập trung tới 600 VĐV thì mức chi sẽ là 60 triệu đồng/ngày. Chỉ tính với mức "nhẹ" nhất là 30 triệu thì số tiền này cũng bằng một gia đình ăn trong... 2 năm với mức 40.000đ/ngày.

Hôm nào cũng vậy, cứ 4h30 sáng, chị Nguyễn Thị Tâm lại thức dậy, lấy 2 chiếc làn cỡ bự để sẵn ở góc nhà. Một ngày mới bắt đầu! Đi chợ khoảng 2 tiếng, lúc chị Tâm quay về Nhổn với hằng hà sa số nào rau, nào thịt... cũng là khi các đội tuyển bắt đầu thức giấc. Và sau đó chỉ nửa giờ, một bữa sáng tinh tươm, đầy đủ calo đã đợi sẵn ở nhà ăn.

Tất cả các loại thịt khi nhập vào đều phải có dấu của cơ quan kiểm dịch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. ẢNH: K.T.L

Giờ ăn của các VĐV đôi khi cũng thất thường vì phải phụ thuộc vào lịch thi đấu. Vì thế chuyện cả chục người phục vụ phải chờ vài VĐV là lẽ thường ở Nhổn. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, đầu bếp kể: "Bình thường các VĐV ăn sáng khoảng 1 tiếng từ 6h30, nhưng nhiều đội phải thi đấu lúc 7h như điền kinh chẳng hạn nên yêu cầu bữa sáng từ 5h15 và tất nhiên mình phải chuẩn bị rất sớm. Còn đội tuyển bóng đá thì chuyện chờ đợi càng thường xuyên hơn. Tiger Cup năm ngoái, 22h đội mới rời sân Mỹ Đình, 23h mới về tới Nhổn. Hoàn tất bữa đêm cho đội và dọn dẹp xong bàn ăn thì đã sang ngày mới mất rồi. Chúng tôi đành đánh một giấc ngắn ngủi vài tiếng ngay tại bếp để nấu bữa sáng là vừa". Trầm ngâm một lát, anh tiếp: "Vất vả thật đấy nhưng các đầu bếp không bao giờ thấy cực, thậm chí còn cảm thấy tự hào và vinh dự vì được góp phần vào thành tích của các VĐV mang vinh quang về cho Tổ quốc. Mồ hôi của chúng tôi thấm tháp gì so với mồ hôi của anh em VĐV đổ ra trên sàn tập".

"Trái tim" của Nhổn

Hàng trăm VĐV mỗi người một quê, lại theo các môn thể thao khác nhau, ngày ngày họ miệt mài trên sân tập, chỉ khi ngồi vào bàn ăn, ánh mắt chàng, nàng mới gặp nhau. Một cầu thủ bảo: "Có khi cả tháng không ra ngoài, may mà có những bữa ăn chung, được trò chuyện với chị em chứ không thành đá vọng thê mất". Ở căng-tin bán nước, khi nghe tôi hỏi về các VĐV, chị Nhung, nhân viên bán hàng lẳng lặng cúi xuống ngăn bàn, lấy lên một hộp chocolate khoe: "Quà của cầu thủ Hoàng Thương đấy, hôm rồi đi Áo về, vừa bước vào cửa cậu ấy đã mang tặng mình hộp chocolate này. Nhìn hộp kẹo đẹp quá, ăn cũng tiếc". Hộp chocolate Thương mang từ trời Tây về đã đáng nhớ, hơn chục quả mít tố nữ mà cầu thủ Minh Phương mang ra từ miền Nam hồi năm ngoái còn kỳ công hơn nhiều. Một cô bán hàng kể: "Nhìn anh ấy bước vào với cái bao tải khệ nệ như một lái buôn, chị em chẳng hiểu gì. Khi bỏ bao tải ra, thấy những quả mít tố nữ thơm lựng thì ai cũng trầm trồ vì không ngờ anh Phương lại kỳ công đến thế, mang từng ấy mít đi hơn ngàn cây số".
Thời gian "định cư" của mỗi VĐV ở Nhổn không dài, thường chỉ từ 3-5 tháng nhưng chừng đó cũng đủ để chị em, cô cháu có tình cảm đầm ấm như trong một gia đình. Cũng từ bàn ăn, có những đôi đã nên vợ nên chồng. Cách đây vài năm, đô vật tên Hiếu người Hải Phòng cũng từ những bữa ăn và sự chăm sóc tận tình của Thủy, một nhân viên bán căng-tin mà chàng đã say nàng như điếu đổ. Giờ đây họ đã có một cậu con trai kháu khỉnh.

Ông Lê Thụy Hải, HLV phó đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong buổi đầu thăm đội cũng có nhận xét: đồ ăn ở đây khá ngon. Ảnh K.T.L

Những kỷ lục vui nơi "hậu cung"

Chúng tôi ngồi ăn cùng mâm với Phước Vĩnh, cầu thủ của đội U.23 cất giọng thật ngọt: "Chị Hà ơi, cho em ít đậu". Hà tưởng cậu nói đậu phụ, mang ra thì Vĩnh đã chạy lon ton ra quầy, "Em quên mất, đậu là vừng chứ hổng phải đậu là đậu!". Ở phòng ăn bên cạnh, bốn VĐV điền kinh Lào ngồi một bàn với những đĩa thức ăn đầy ú. Souliya luôn miệng: "Delicious! Delicious" (ngon tuyệt) bằng tiếng Anh lơ lớ. Đã vài tuần họ sang VN tập luyện nhưng chuyện ăn uống thì chưa thấy chê bất kỳ món nào. Khi cô Nguyễn Thị Dục - Trưởng phòng Nuôi dưỡng, người đã gắn bó với Nhổn suốt 20 năm nay - đi "kiểm tra" bữa ăn của VĐV, Souliya chào thật to bằng tiếng Việt: "Chao u" (chào u). Cậu bảo học được câu đó từ các VĐV Việt Nam!

Kỷ lục về "người ăn khỏe nhất mọi thời đại" tại Nhổn City, theo chị em bình chọn thuộc về VĐV Văn Công, một VĐV judo chuyển sang môn vật. Chàng nặng tới 120kg, vẫn được gọi là sumo của VN kèm biệt danh "thùng không đáy". Chị Oanh, nhân viên phục vụ nói: "Cậu béo ấy ăn không biết no là gì, chuyện một mình cậu ấy ăn hết cả con ngan là thường". Còn có một giai thoại kể rằng, có lần cậu đề xuất ý kiến lên lãnh đạo Ủy ban TDTT xin được ăn hai suất. Chờ mãi không được, đi theo tiếng gọi của dạ dày, Công ta đành ngậm ngùi sang ăn ké các VĐV bóng chuyền nữ. Có hôm anh béo còn tình nguyện ục ịch chạy đi chạy lại lau bát lau đũa, lấy cơm để các tiểu thư bóng chuyền đồng ý cho ngồi cùng mâm và tha hồ chén vì đơn giản là các nàng ăn ít hơn các VĐV khác.

Bên bàn ăn, khi tôi hỏi về món cháo rắn, tiết rùa - những thực phẩm bổ dưỡng đặc biệt mà người Trung Quốc thường chế biến cho VĐV, cô Dục nói: "Với khẩu phần ăn 100.000 đồng/ngày, dù đã là khá cao nhưng những thực phẩm đó vẫn còn xa xỉ. Còn những thực phẩm tinh chế thì đã có viên nang chiết xuất từ hải sâm của Việt Nam sản xuất vẫn được các VĐV sử dụng". Những lọ chế phẩm chiết xuất từ hải sâm còn được anh em VĐV gọi vui là "Viagra nội" vì ngoài tác dụng kính thích trao đổi chất, tăng lực, nó còn có tác dụng tăng cường khả năng sinh lý cho đàn ông (!?).

Các VĐV bóng rổ nữ đang dùng bữa. Ảnh K.T.L

Từ SEA Games 22 tới nay, "trái tim" của Nhổn còn sáng tạo ra kiểu ăn buffet (tự chọn). Ban đầu có nhiều VĐV không quen, thấy nhiều thức ăn thì khoái, món nào cũng gắp vào đĩa. Sau quen rồi chỉ chọn những món phù hợp với môn của mình. VĐV là khổ thế đấy! Không phải cứ thích gì là được ăn nấy. Ví dụ, thể hình chỉ được ăn lòng trắng trứng gà và cả một con gà thì chỉ được ăn duy nhất phần lườn. VĐV môn vật là những VĐV khá nặng cân nhưng lại không được ăn thức ăn quá béo dễ làm chảy xệ các cơ thịt. HLV Riedl của đội U.23 là người rất khó tính trong khẩu phần ăn cho các VĐV. Ngày đầu tập trung, ông yêu cầu đưa đội tuyển đi khám sức khỏe thật kỹ ở Viện Khoa học TDTT. Dựa trên kết quả có được, ông lại đề nghị Trung tâm I nấu những món ăn phù hợp. Ông nói với chúng tôi: "Cơ thể khỏe mạnh hay bệnh tật phụ thuộc rất nhiều vào bữa ăn. Các đầu bếp ở Nhổn lúc nào cũng cẩn thận làm tôi rất yên lòng!".

Lan Phương - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.