Giá tiêu dùng thực chất tăng bao nhiêu %?

02/12/2007 00:44 GMT+7

Giá tiêu dùng 11 tháng của năm 2007 được Tổng cục Thống kê công bố tăng 9,45%, hôm qua lại "đột ngột" giảm xuống còn 7,92% theo thông báo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá. Cần hiểu như thế nào về vấn đề này?

Hiện nay, trên một số diễn đàn, một số phương tiện thông tin đại chúng có đặt ra một số câu hỏi về cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê. Trong các câu hỏi trên, có ba câu hỏi lớn. Một, tại sao xưa nay công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng báo cáo so với tháng 12 năm trước (cụ thể tháng 11 năm nay so với tháng 12 năm trước tăng 9,45%) mà nay lại công bố chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước (cụ thể 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 7,92%)? Hai, tại sao lại không loại trừ những hàng hóa, dịch vụ có giá cả tăng cao như lương thực, thực phẩm, xăng dầu? Ba, tỷ trọng lương thực thực phẩm trong cơ cấu "rổ hàng hóa" hàng tiêu dùng (để tính tốc độ tăng giá) chiếm tới 42,85% có phải là tỷ trọng quá cao hay không?

Về câu hỏi thứ nhất, lâu nay Tổng cục Thống kê đều công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng báo cáo so với 4 gốc so sánh (xem bảng):

1. So với kỳ gốc (từ 2001 - 2006 dùng kỳ gốc là năm 2000, từ năm 2007 đến nay dùng kỳ gốc là năm 2005). So với gốc so sánh này để xét trong thời gian dài.

2. So với tháng cùng kỳ năm trước (cách 1 năm) để xem tốc độ tăng giá sau một năm của tháng báo cáo. Đây là cơ sở để tính tốc độ tăng giá bình quân quý, 6 tháng, và cả năm so với cùng kỳ năm trước, nhằm loại trừ yếu tố tăng giá khi so sánh với cùng kỳ năm trước đối với các chỉ tiêu thời kỳ, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, thu chi ngân sách, thu, chi đời sống, tiền lương danh nghĩa... của tháng so với cách đây 1 năm.

3. So với tháng 12 năm trước để xem tốc độ tăng giá tính từ tháng 1 năm nay đến tháng báo cáo. Đây là cơ sở để so sánh giữa tốc độ tăng giá với lãi suất tiết kiệm; nếu tốc độ tăng giá cao hơn lãi suất tiết kiệm thì lãi suất tiết kiệm thực (gửi từ cuối năm trước đến tháng báo cáo) sẽ mang dấu âm, tốc độ tăng giá thấp hơn lãi suất tiết kiệm thì lãi suất tiết kiệm thực (gửi từ cuối năm trước đến tháng báo cáo) sẽ mang dấu dương, tức là có lãi thực.

4. So với tháng trước cùng năm để xem diễn biến tốc độ tăng giá trong từng tháng nhằm phục vụ điều hành hằng tháng.

Từ tháng 9.2007, Tổng cục Thống kê công bố thêm chỉ số giá bình quân tính đến tháng báo cáo so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số này là sự nâng cấp chỉ số tính theo gốc thứ hai, nhằm loại trừ yếu tố tăng giá khi so sánh với cùng kỳ năm trước đối với các chỉ tiêu thời kỳ (như đã nói trên) nhưng là của nhiều tháng (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, cả năm). Cách tính chỉ tiêu này (gốc so sánh 2) trong 11 tháng qua như sau: với chỉ số giá từng tháng năm nay so với từng tháng cùng kỳ năm trước của tháng 1 là 106,45%, của tháng 2 là 106,5%, của tháng 3 là 106,80, của tháng 4 là 107,2%, của tháng 5 là 107,31%, của tháng 6 là 107,80%, của tháng 7 là 108,39%, của tháng 8 là 108,57%, của tháng 9 là 108,80%, của tháng 10 là 109,34%, của tháng 11 là 110,01%, thì chỉ số giá bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước sẽ là:

= 1,0792 hay bằng 107,92% hay tăng 7,92%.

Điều đó có nghĩa là bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước giá tiêu dùng đã tăng 7,92%. Nếu các chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thu chi ngân sách, thu chi đời sống, tiền lương danh nghĩa (tính theo giá thực tế của 11 tháng năm nay) so với cùng kỳ năm trước mà tăng thấp hơn 7,92% thì thực tế là bị giảm; nếu tăng cao hơn 7,92% thì thực tế đã tăng. Trên cơ sở đó để đánh giá thực chất.

Tuy nhiên, nếu đánh giá việc gửi tiết kiệm có lãi thực hay không thì phải dùng gốc so sánh 3, bởi nếu cuối tháng 12 năm trước gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, lãi suất tính theo năm là 9%, nếu giá cả năm nay tăng 11% (11 tháng đã tăng 9,45%, dự đoán tháng 12 tăng 1,5% thì cả năm tăng bằng 1,0945 x 1,015 = 1,11 hay bằng 111%, hay tăng 11%), thì người gửi tiền đã bị thực lỗ (= 11%-9%), tức là tổng số tiền cả gốc và lãi tính đến cuối tháng 12 theo danh nghĩa là 109 triệu đồng, nhưng tính theo giá cả hàng hóa, dịch vụ vào cuối tháng 12 năm trước thì chỉ còn 98,2 triệu đồng. Nói cách khác, có 100 triệu đồng vào cuối tháng 12 năm trước nếu bỏ ống thì cuối tháng 12 năm nay tuy danh nghĩa vẫn là 100 triệu đồng, nhưng nếu mua hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng với giá cuối tháng 12 năm nay thì chỉ còn mua được một lượng hàng hóa bằng khoảng 90% (100/111%) so với cuối tháng 12 năm trước; nếu gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 năm đến cuối năm rút ra được 109 triệu đồng, nhưng chỉ mua được một lượng hàng hóa tương đương khoảng 98,2% (109/111%) của cuối tháng 12 năm trước.

Gốc so sánh khác nhau thì tốc độ tăng, giảm giá tiêu dùng tính ra sẽ khác nhau. Mỗi gốc đều có ý nghĩa nhất định. Việc lựa chọn chỉ tiêu nào sẽ do người sử dụng thông tin lựa chọn tùy theo mục đích của mình.

Những năm qua, mục tiêu do Quốc hội đề ra, chỉ tiêu kế hoạch đều sử dụng gốc thứ 3 (tháng 12 năm này so với tháng 12 năm trước) để đánh giá nhằm phục vụ việc điều hành tiến độ thực hiện, phù hợp với cơ chế quản lý của nước ta là kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, việc đánh giá mục tiêu, kế hoạch nên tính theo mốc cũ. Nếu muốn tính bình quân, phải áp dụng cho các năm tới và cần ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội mục tiêu đề ra là tốc độ tăng giá bình quân năm.

Hơn nữa, năm nay tốc độ tăng giá bình quân năm sẽ thấp hơn tốc độ tăng giá theo cách tính lấy tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, nhưng sang năm tốc độ tăng giá bình quân năm sẽ cao hơn tốc độ tăng giá theo cách lấy tháng 12 sang năm so với tháng 12 năm nay. Bởi vì thống kê cho thấy, nếu giá tháng 1 tăng cao và giá tháng 12 (so với tháng 12 năm trước) tăng thấp thì giá bình quân năm sẽ tăng cao và ngược lại.

Về câu hỏi thứ hai, việc loại trừ các mặt hàng có giá tăng cao (như lương thực, thực phẩm) chỉ thật sự cần thiết khi có chiến tranh, thiên tai khủng khiếp để bổ sung việc đánh giá chính sách tiền tệ cũng như loại trừ nguyên nhân khách quan đột xuất. Nếu trong điều kiện bình thường mà nước ta loại trừ những mặt hàng này ra thì có những năm thiểu phát (do giá lương thực, thực phẩm giảm) cũng trở thành lạm phát hoặc như vài năm nay thì chẳng có lạm phát gì.

Về câu hỏi thứ ba, việc xác định cơ cấu tiêu dùng dùng làm quyền số các nhóm hàng trong "rổ" hàng hóa tính chỉ số giá, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tới 42,85%, cơ cấu đó được lấy từ kết quả điều tra đời sống dân cư. Sở dĩ tỷ trọng nhóm hàng này cao như vậy là vì trên 75% dân cư sống ở nông thôn, do thu nhập còn thấp nên chi cho ăn uống còn chiếm tỷ trọng rất lớn, thậm chí đối với nhóm nghèo còn lên đến trên 60%. Chúng ta phải xác định cơ cấu trên cơ sở điều tra thực tế, không thể xác định theo ý muốn chủ quan của mình được!

Tốc độ tăng, giảm giá tiêu dùng các tháng qua các năm (%)

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.