Hàng ASEAN tràn ngập thị trường TPHCM: SOS!

31/10/2005 14:35 GMT+7

Sau “cơn sốt” hàng Trung Quốc rồi đến hàng Hàn Quốc, TP.HCM lại tiếp tục đón nhận nhiều mặt hàng đến từ các nước ASEAN. Người tiêu dùng có thêm cơ hội để sử dụng những sản phẩm mới, còn các doanh nghiệp (DN) VN nếu không tìm cách ứng phó bài bản thì chẳng bao lâu nữa thành phố sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ sản phẩm của các nước trong khu vực.

Tràn ngập hàng ASEAN
 
Một chiều cuối tháng 10, tại một con hẻm nhỏ, dài chưa đầy 100m cặp theo chợ Văn Thánh, chúng tôi nhẩm đếm có tới gần 10 điểm bán các loại hàng hóa chủ yếu có nguồn gốc từ các nước ASEAN.

Tương tự, tại chợ phường 25, Bình Thạnh, số lượng các điểm bán cũng như những cửa hàng bán mặt hàng này xuất hiện ngày càng nhiều. Hàng hóa trưng bày gần như trùng lắp với đủ loại từ cây kim, sợi chỉ, kẹp và dây buộc tóc, đồng hồ đeo tay đến bát đĩa bằng thủy tinh, dép mủ, giỏ xách, hóa mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, máy nghe nhạc…

Theo quan sát, mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất là dép mủ các loại và bát đĩa của Thái. Kế đến là các loại hóa mỹ phẩm như sữa tắm, sữa rửa mặt của Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ưu thế của các sản phẩm này là giá bán. Chẳng hạn, cùng một loại tô thủy tinh giá bán tại siêu thị lên tới 16.000 đồng/cái, nhưng ở đây chỉ 10.000 đồng/cái; dép mủ bán chỉ 18.000 đồng/đôi, trong khi ở các chợ giá lên tới 25.000 - 28.000 đồng/đôi…

Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ giá bán những mặt hàng này rẻ là vì hàng bị “lỗi”, hàng dỏm. Điều này chưa hẳn đúng, vì nếu người tiêu dùng “chịu khó” chọn thì vẫn mua được hàng xịn với giá rất rẻ. Chị N.B.Mai (ngụ ở đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận) nói: “Các loại dép nhựa của Thái từ trước đến nay vốn nổi tiếng là siêu bền, siêu nhẹ, hóa mỹ phẩm cũng rất tốt. Nếu mua tại các siêu thị, cửa hàng thì giá sẽ đắt gấp rưỡi, gấp đôi, giờ đây người ta bán đầy đường, đầy chợ, dại gì không mua về xài!”.

Chị N.T.Tiền, quê Bình Định, chủ một điểm bán gần chợ Văn Thánh không giấu giếm: “Một chai sữa tắm Dove (loại 450ml) giá chỉ có 10.000 đồng/chai, tôi bán ra với giá 14.000 đồng/chai, trong khi hàng chính hãng tới 49.000 đồng/chai!”. Cũng theo chị Tiền, những mặt hàng khác như xoong nồi, bát dĩa, giày dép, dây và kẹp tóc,… “chỉ cần đi Tây Ninh lấy hàng một chuyến, về bán cả tuần mới hết”.

Tại nhiều siêu thị, số lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ ASEAN cũng ngày càng nhiều, riêng nhóm hàng hóa mỹ phẩm chiếm vị thế áp đảo. Các mặt hàng khác như bánh kẹo, quần áo, hàng tiêu dùng và dụng cụ nhà bếp… cũng được bày bán khá nhiều.

“Phản công” - cách nào?

Để so sánh giá bán, chúng tôi đem một số sản phẩm mua từ các điểm bán đến đối chiếu với giá gốc tại một siêu thị bán mặt hàng cùng loại. Kết quả, đế lót ly bằng thủy tinh giá gốc 3.200 đồng/cái, giá bán ra tại siêu thị 4.000 đồng/cái, giá bán ở ngoài 2.500 đồng/cái; tô thủy tinh (loại nhỏ) giá gốc 8.800 đồng/cái, bán ra 11.000 đồng/cái, bán ở ngoài 7.000 đồng/cái…

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn nhìn nhận: Hàng hóa Việt Nam hiện đang bị cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa các nước trong khu vực. Ông Đức Bảy cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát các mặt hàng bằng nhựa cùng loại, không hiểu sao giá bán của họ lại rẻ đến thế. Nếu chúng tôi mà sản xuất thì chỉ có nước bán dưới giá thành thì mới có thể cạnh tranh được”.

Để “sống chung với hàng ngoại”, Nhựa Chợ Lớn đã tìm lối đi riêng, bằng cách đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời liên tục thay đổi mẫu mã. Bằng cách này, một số sản phẩm của Nhựa Chợ Lớn đã và đang bắt đầu giành được thị phần và có phần thắng thế so với cùng mặt hàng của các nước. Chẳng hạn, ở đồ chơi xe điện, sản phẩm của Nhựa Chợ Lớn giá thành rẻ hơn 30% so với hàng Trung Quốc và ASEAN, rẻ hơn khoảng 45% so với hàng của Nhật và Đài Loan. Đây cũng là mặt hàng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của các DN như Kinh Đô, Casumina, Biti’s… đã có hàng xuất vào ASEAN, hàng hóa của VN vẫn có thể cạnh tranh và thâm nhập các nước này. Điều quan trọng là trước khi muốn xuất hàng, các DN cần xác định cho được thị phần, thị hiếu người tiêu dùng và đối thủ. Theo đó, DN cần tiến tới xây dựng hệ thống phân phối bài bản hơn.

Trước sự “đổ bộ” của các mặt hàng từ ASEAN vào thị trường TP.HCM, chúng tôi cũng rất khó kiểm chứng những mặt hàng này vào VN bằng cách nào: nhập chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu hay hàng làm giả nguồn gốc từ các nước trong khu vực? Không hiểu các cơ quan chức năng có biết và có ý kiến gì về hiện tượng này?

Theo lịch trình, đến tháng 1/2006, nhiều dòng thuế giữa VN và ASEAN sẽ tiếp tục bị dỡ bỏ xuống còn 5%, đến năm 2013 thì thuế quan sẽ là 0% ở tất cả các mặt hàng. Ngay từ bây giờ chúng ta không vạch ra lộ trình “phản công” thì chẳng bao lâu nữa thành phố sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ các sản phẩm của các nước trong khu vực!

Theo Thúy Hải
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.