Cẩn thận khi... thượng sơn !

20/10/2005 22:36 GMT+7

Leo núi là môn thể thao du nhập vào Việt Nam từ năm 1992 nhưng đến năm 1995 mới đưa vào phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Môn thể thao mạo hiểm này đang ngày càng thu hút nhiều người tham gia, nhất là các bạn trẻ.

Có hai loại hình leo núi là leo núi dốc đứng và leo dốc thoai thoải. Leo dốc đứng là đu theo dây thả từ trên xuống, tạo cảm giác mạnh cho người leo. Còn leo dốc thoai thoải là người leo bám vào sườn núi và leo từ dưới lên, thường ít nguy hiểm hơn so với leo núi dốc đứng.

Là đơn vị đầu tiên đưa môn thể thao leo núi vào phục vụ khách du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt cho biết đây là môn thể thao không dành cho người dị ứng với độ cao, đau tim, cao huyết áp. Khi leo núi, người leo phải mặc quần áo thể thao hay quần short để thuận tiện cho việc đeo đai an toàn, đeo dây leo, tránh mặc váy, tóc phải được buộc lại gọn gàng. Trước khi leo núi, người leo sẽ được tập leo ở độ cao thấp trước để làm quen, nếu cảm thấy không có "sự cố" gì thì mới được leo núi cao. Chị Thu Hương - đang làm việc tại một công ty du lịch ở TP.HCM, đã nhiều lần leo núi Bửu Long cho biết trong quá trình leo núi, cái khó nhất là lúc thả ngửa người từ đỉnh vách núi để leo xuống. Người leo phải thả đúng tư thế, người ngửa từ từ ra theo hướng vuông với vách núi, tay thả dây nhịp nhàng theo đôi chân bám chặt vào vách núi từ từ di chuyển xuống. Nếu thả dây không khéo, chân không bám chắc hoặc di chuyển không đều, người leo có thể bị đập đầu hoặc mông vào vách núi gây thương tích. Lưu ý khi vừa ngả người trên đỉnh núi bước xuống, người leo không nên vội nhìn xuống mặt đất vì dễ gây cảm giác sợ hãi, mất tự tin khi nhìn thấy mặt đất sâu hút, dễ dẫn đến mất thăng bằng gây thương tích, thậm chí bị ngất. Một lượt leo núi chỉ mất khoảng 10 phút. Theo chị Thu Hương: "Leo núi xong, một cảm giác chiến thắng tuyệt vời ùa tới với mình. Mình cảm thấy tự tin hơn hẳn vì đã làm được việc tưởng chừng như không bao giờ dám. Leo núi là sự rèn luyện để chiến thắng bản thân". Nhiều đôi tình nhân muốn tạo ấn tượng mạnh trong ngày trọng đại đã tổ chức trao nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, quà sinh nhật... cho nhau giữa lưng chừng núi.   

Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều vách núi có độ cao tương đối từ 25 -  35m như Bửu Long (Đồng Nai), Tà Cú (Bình Thuận), Bà Nà (Đà Nẵng), LangBiang (Lâm Đồng)... được nhiều người chọn leo nhất. Riêng các bạn trẻ đã leo núi nhiều lần và muốn tìm cảm giác mạnh hơn thì hãy leo các vách thác ở Đà Lạt có độ cao khoảng 60m, leo từ đỉnh thác xuống đáy thác rồi đắm mình trong dòng thác xanh trong, mát lạnh mà thưởng thức cảm giác chiến thắng.

C.Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.